Viêm màng bồ đào dễ nhầm với đau mắt đỏ

Sức khỏe - Ngày đăng : 10:04, 03/11/2010

Nhiều trẻ được bố mẹ cho dùng thuốc chữa đau mắt đỏ trong khi trẻ bị viêm màng bồ đào, một bệnh rất dễ gây mù.


Viêm màng bồ đào là một bệnh mắt phổ biến, thường dẫn đến tổn thương nặng nề, nhiều biến chứng và có thể dẫn đến mù lòa.

Tiến sĩ Cung Hồng Sơn, Trưởng khoa Đáy mắt - Màng bồ đào, Phó giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, trẻ em cũng có thể bị viêm màng bồ đào. Nếu trẻ bị viêm màng bồ đàoVMBĐ nặng, gây mủ bên trong dịch kính sẽ gây ra viêm nội nhãn, diễn tiến rất nặng nề.

Nặng hơn ở trẻ em


Khám mắt cho trẻ tại Bệnh viện Mắt Trung ương. Ảnh: Kim Anh.


Thấy bé N. (hai tuổi, Chuyên Mỹ, Phú Xuyên, Hà Nội) bị đỏ mắt, mẹ bé nghĩ con bị đau mắt đỏ thông thường và tự đi mua thuốc nhỏ mắt cho con. Ngay sáng hôm sau, mắt bé đã bị mờ và không thể mở ra được. Gia đình lập tức đưa bé lên Bệnh viện Mắt Trung ương và được các bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm màng bồ đào.

Theo thạc sĩ Lê Thúy Quỳnh, Phó khoa Mắt trẻ em, những trường hợp tự ý dùng thuốc trước khi đến bệnh viện như bé N. không phải là hiếm do các bậc cha mẹ thường nhầm lẫn bệnh với đau mắt đỏ thông thường. Tuy nhiên, viêm màng bồ đào nguy hiểm hơn đau mắt đỏ rất nhiều vì có thể dẫn đến mất thị lực.

Bác sĩ Quỳnh lưu ý, khi đau mắt đỏ thì vùng rìa của lòng đen không bị đỏ, còn viêm màng bồ đào thì vùng rìa của lòng đen cũng bị đỏ (hay còn gọi là cương tụ rìa). Các bậc cha mẹ cần lưu ý để phân biệt đau mắt đỏ thông thường và viêm màng bồ đào.

Theo bác sĩ Sơn, dấu hiệu thường gặp của viêm màng bồ đào là mắt đỏ, mắt mờ và đau nhức. Mắt đỏ cũng là dấu hiệu triệu chứng của gần như tất cả các bệnh về mắt nên có rất nhiều bệnh nhân tưởng là đau mắt đỏ thông thường, tự tra thuốc, sau đó không khỏi mới đến gặp bác sĩ. Lúc này, bệnh đã tiến triển rất nặng. Bác sĩ Sơn cũng khuyến cáo việc dùng thuốc không đúng cách, không đúng liều lượng, như sử dụng dòng thuốc có corticoid quá nhiều, làm tăng nhãn áp sẽ làm bệnh nặng hơn.

Có thể mù lòa


Hiện 80% số bệnh nhân tại khoa Đáy mắt - Màng bồ đào mắc bệnh viêm màng bồ đào và có đến 50% bị viêm nặng, phải nằm điều trị nội trú.

Có hai nguyên nhân gây ra hiện tượng viêm màng bồ đào là ngoại sinh và nội sinh. Nội sinh là nguyên nhân xuất phát từ cơ thể, do vi khuẩn hoặc tác nhân khác trong cơ thể người bệnh gây ra. Còn ngoại sinh là các nguyên nhân từ bên ngoài như chấn thương khi lao động, bị cây đập vào mắt, bị chất kích thích, thủy tinh, mảnh nhọn đâm vào mắt hoặc sau phẫu thuật gây nhiễm khuẩn viêm màng bồ đào.

Bác sĩ Sơn cho biết, viêm màng bồ đào thường gây ra những tổn thương nặng nề như xuất tiết, viêm nhiễm trong mắt, bít dính đồng tử, tăng nhãn áp, toàn bộ mắt sẽ bị tổn thương. Viêm màng bồ đào cũng gây ảnh hưởng đến võng mạc, tổn hại đến các tế bào nhận cảm ánh sáng, ảnh hưởng đến quá trình nhận cảm và dẫn truyền ánh sáng. Do vậy, nếu không được điều trị sớm, có thể dẫn đến mù lòa.

Các bác sĩ khuyến cáo, viêm nội nhãn là bệnh cấp cứu, cần được chữa trị sớm trong vòng 6 tiếng đồng hồ. Vì vậy, lời khuyên tốt nhất là khi thấy các biểu hiện bất thường về mắt thì nên đi khám bác sĩ để phát hiện sớm, nhất là với viêm màng bồ đào thì điều trị càng sớm càng có hiệu quả.

Lan Hương