Góc nhìn từ tâm hồn Việt
Văn hóa - Ngày đăng : 07:56, 03/11/2010
Nguyễn Quân - "3 in 1"
Học điều khiển học ở Đức, làm phiên dịch tại Văn phòng Thủ tướng, rồi lại về dạy ở Trường ĐH Ngoại ngữ và năm 1976 in bài đầu tiên về mỹ thuật trên Báo Văn nghệ, Nguyễn Bỉnh Quân - người được coi là "anh cả" trong “làng” phê bình mỹ thuật Việt Nam đã vào nghề như thế. Nhiều người khâm phục quá trình tự học của ông với kiến thức và kiến văn nghệ thuật qua sách vở và các bảo tàng lớn ở châu Âu. Suốt những năm sau này, khi ông làm giảng viên ĐH Mỹ thuật và là "cán bộ" Hội Mỹ thuật Việt Nam, rồi sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh, ông vẫn duy trì nghiên cứu, đi và viết.
Cuốn sách còn có phần phụ lục "Nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại" - chính là cuốn sách đầu tiên của họa sĩ Nguyễn Quân viết năm 1980, cùng phiên bản minh họa gồm hơn 150 ảnh chụp nhiều tác phẩm hội họa, điêu khắc nổi tiếng trong thế kỷ XX, và một số tác phẩm sắp đặt đương đại. |
Là tác giả 14 cuốn sách về nghệ thuật, ông còn khẳng định vai trò nghệ sĩ sáng tác với những triển lãm từ năm 1976 cùng nhiều tác phẩm trưng bày tại các bảo tàng, sưu tập trong và ngoài nước. Riêng về viết, như nhận xét của hoạ sĩ Lê Thiết Cương: "Viết về mỹ thuật có ba dạng: lịch sử, lý luận và bình luận. Mỗi người mỗi việc, trừ Nguyễn Quân bởi ông làm cả ba việc". Điều này càng được khẳng định trong cuốn sách "Mỹ thuật Việt Nam thế kỷ 20" của Nguyễn Quân vừa được NXB Tri thức cho ra mắt công chúng.
"Đứa con" dĩnh ngộ
Văn phong trong sáng, ngôn ngữ khúc triết, kết cấu mạch lạc, tác giả nhìn bao quát tiến trình phát triển của mỹ thuật Việt Nam một thế kỷ, không quên lật lại mấy chục năm cuối thế kỷ XX với sự xuất hiện của người Pháp ở Việt Nam kéo theo những thay đổi về mọi mặt đời sống. Ông phân tích sự hình thành và tiến triển của mỹ thuật Việt Nam hiện đại như một kết quả của rất nhiều điều kiện văn hóa, nghệ thuật được tập hợp thông qua sự du nhập cố ý từ nước ngoài và sự tiếp nhận, ứng dụng, sáng tạo của xã hội, giới trí thức, họa sĩ Việt Nam. Ông chia 100 năm này thành 4 thời kỳ, từ sự cất bước chậm chạp trước năm 1925 đến sự ra đời Trường Mỹ thuật Đông Dương và cách tân lớn của mỹ thuật trong văn hóa thị dân thuộc địa những năm 1925 - 1945, sau đó sang mỹ thuật giai đoạn chiến tranh và đất nước bị chia cắt, đến thời kỳ đổi mới, hội nhập. Trong cuộc tọa đàm giới thiệu cuốn sách mới đây, ông nói, thế kỷ XX có lẽ là thế kỷ nhiều biến động và thay đổi toàn diện, căn bản nhất trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam… Mỹ thuật Việt Nam là đứa con dĩnh ngộ của lịch sử ấy.
Cùng với việc tóm lược nhiều sự kiện mỹ thuật quan trọng gắn liền với sự vận động của văn hóa trong thế kỷ XX, tác giả khéo léo đưa ra những cái tên tiếp nối nhau phát triển mỹ thuật nước nhà, cùng phân tích ngắn gọn, sinh động về phong cách và một số tác phẩm tiêu biểu của họ. Một cách dẫn giải cho thấy thành quả chung của nền mỹ thuật nước nhà. Nguyễn Quân nói: "Tôi tin rằng, các thành tựu mỹ thuật cũng là sự biểu hiện thị giác tuyệt vời của tâm hồn Việt Nam, nội giới tình cảm và lý trí của những con người Việt. Điều đó làm cho mỹ thuật Việt Nam và lịch sử của nó trong thế kỷ qua quả thực hấp dẫn".