An ninh tại Iraq: Vẫn là nỗi ám ảnh lớn
Thế giới - Ngày đăng : 07:21, 03/11/2010
Lực lượng an ninh Iraq phong tỏa khu vực Nhà thờ sau vụ giải thoát con tin để tiến hành điều tra. |
Ngày 1-11, người phát ngôn Nhà Trắng Robert Gibbs nhấn mạnh: "Mỹ kịch liệt lên án hành động bạo lực điên rồ của những kẻ khủng bố làm hại dân thường vô tội". Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Catherine Ashton, cũng lên án "hành động tấn công không thể chấp nhận được nhằm vào người vô tội" ở nhà thờ Saidat al-Najat. Giáo hoàng Benedict XVI lên án "hành động bạo lực phi lý" nhằm vào các tín đồ Thiên chúa giáo ở Iraq…
Thực tế, trước thời điểm Washington thực hiện cam kết, rút binh lính khỏi Iraq vào năm 2010, thì quốc gia này đã đầy bất ổn. Và kể từ thời điểm những người lính chiến đấu cuối cùng của quân đội Mỹ rời khỏi quốc gia Trung Cận Đông này (ngày 31-8-2010), người dân Iraq chưa có phút giây nào cảm thấy bình yên. Vụ bắt cóc con tin tại nhà thờ Thiên chúa giáo này không phải là đầu tiên nhưng mức độ, sự liều lĩnh, tàn ác đã làm "tràn ly" những lo ngại bấy lâu nay của cộng đồng quốc tế. Trước đó, tối 29-10, tại một quán cà phê của người Hồi giáo dòng Shiite nằm cách thủ đô Baghdad 70km về phía đông bắc, các phần tử khủng bố đã tiến hành vụ đánh bom liều chết làm 25 người thiệt mạng và 70 người bị thương. Đây là vụ đánh bom liều chết quy mô lớn đầu tiên ở Iraq kể từ vụ các tay súng nổi dậy người Sunni tấn công một căn cứ quân sự ở thủ đô Baghdad và giao tranh với lực lượng Mỹ trong một giờ đồng hồ ngày 5-9, làm ít nhất 12 người thiệt mạng…
Bạo lực, các cuộc tấn công vẫn tiếp diễn hàng ngày tại nhiều thành phố của Iraq lẽ ra là điều cần phải được chính quyền Baghdad quan tâm hơn bao giờ hết. Nhưng đáng buồn thay, điều này đã không được coi trọng. Gần 8 tháng đã qua, kể từ cuộc tổng tuyển cử, ngày 7-3-2010, các phe phái chính trị ở Iraq vẫn tiếp tục tranh cãi về cách chia sẻ quyền lực. Mâu thuẫn xã hội giữa những người Hồi giáo dòng Sunni và Shiite ngày một gay gắt và khó dung hòa trong khi mối hận thù giữa người Sunni và người Kurd vẫn chưa hề được hóa giải. Mới đây, ngày 24-10, Tòa Thượng thẩm Liên bang, tòa án cấp cao nhất của Iraq, đã phải ra lệnh cho Quốc hội nối lại hoạt động sau một thời gian dài bế tắc chính trị khiến nước này không thể thành lập một chính phủ mới. Người phát ngôn Tòa Thượng thẩm Liên bang Iraq, ông Abdul Sattar Bayrakdar cho biết Tòa Thượng thẩm Liên bang coi việc trì hoãn hoạt động của Quốc hội là vi hiến. Kể từ sau cuộc tổng tuyển cử, Quốc hội Iraq, gồm 325 nghị sĩ, mới chỉ nhóm họp một lần và trong khi Quốc hội không nhóm họp, Chính phủ Iraq của Thủ tướng Nuri al-Maliki cũng không thể đưa ra các quyết định quan trọng.
Rõ ràng, trong chưa "ấm" thì ngoài khó "êm". Trong một động thái mới, ngày 1-11, Ngoại trưởng Jordan Nasser Judeh cho biết, nước này ủng hộ đề xuất của Arập Xêút tổ chức các cuộc đàm phán nhằm giải quyết bế tắc chính trị tại Iraq. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi các bên của chính quyền, quốc hội chưa đạt được thỏa thuận giải quyết bế tắc chính trị thì an ninh cho Iraq vẫn và sẽ là nỗi ám ảnh lớn.