Thử thách học sinh trong môi trường quân đội
Giáo dục - Ngày đăng : 06:59, 03/11/2010
Gương mẫu đi đầu
Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng (quận Ba Đình) là cơ sở có bề dày thành tích trong giáo dục đào tạo. Từ năm 2007 đến nay, môn học GDQPAN đã được trường đưa vào dạy chính khóa. Thầy giáo Hiệu trưởng Nguyễn Tùng Lâm cho biết: "Ban Giám hiệu đã cử giáo viên dạy môn lịch sử và giáo dục công dân đi bồi dưỡng thêm về kiến thức để trở thành giáo viên dạy môn GDQPAN chính thức. Đến nay, giáo viên của trường đã làm chủ được nội dung môn học. Về dụng cụ học tập như súng mô hình, màn hình điện tử, bia bảng… nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ, đáp ứng được yêu cầu. Tuy là môn học mới nhưng với sự cố gắng của giáo viên, sự hỗ trợ tận tình của cơ quan quân sự nên các em học sinh yêu thích môn học, chất lượng đào tạo đạt khá cao".
Cũng như Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, công tác GDQPAN cho học sinh THPT, trung cấp chuyên nghiệp và sinh viên các trường CĐ, ĐH trên địa bàn quận Đống Đa cũng rất đáng ghi nhận. Hội đồng GDQPAN quận đã phối hợp với 19 trường CĐ, ĐH, THCN; 12 trường THPT đưa GDQPAN vào trường học. Từ năm 2007 đến nay đã có 145 nghìn lượt học sinh và gần 100 nghìn lượt sinh viên các trường trên địa bàn quận Đống Đa được học môn học này đúng nội dung, chương trình quy định. Qua đó giúp học sinh, sinh viên thấy rõ trách nhiệm của bản thân, sẵn sàng làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc khi có lệnh.
GDQPAN - giáo dục lòng yêu nước
Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của TƯ, từ năm học 2008-2009 các trường trên địa bàn Hà Nội đã đưa môn học GDQPAN trở thành môn học chính khóa theo chương trình của Bộ GD-ĐT. Phần lý thuyết được học rải đều trong suốt năm học, phần kỹ năng quân sự các trường mời thêm cán bộ quân đội đóng quân trên địa bàn tham gia giảng dạy. Hiện nay, học sinh 3 khối 10, 11, 12 bậc THPT đã được học mỗi tuần một tiết cả lý thuyết và thực hành. Bên cạnh đó, thành phố còn cung cấp sách giáo khoa và thiết bị dạy học cho các trường, đồng thời chỉ đạo các trường không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy để bảo đảm chất lượng giáo dục. Từ năm 2001 đến nay, Hà Nội đã thực hiện GDQPAN cho hơn 2 triệu lượt học sinh THPT với chất lượng ngày càng cao. Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên GDQPAN, Sở GD-ĐT đã cùng với các trường quân sự bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên dạy thể dục, lịch sử để đảm nhiệm giảng dạy môn GDQPAN. Từ năm 2008 đến nay, thành phố đã có thêm 112 giáo viên, đưa tổng số giáo viên dạy môn GDQPAN tại các trường trên địa bàn lên 156 người, mục tiêu đến hết năm 2010 này sẽ có đủ giáo viên GDQPAN.
Đại tá Lê Đình Dung, Trưởng phòng Dân quân tự vệ, Bộ Tư lệnh Thủ đô cho biết thêm: "Để môn học GDQPAN thực sự hấp dẫn học sinh, thời gian tới Bộ Tư lệnh Thủ đô sẽ phối hợp với một số đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn tổ chức cho các em đi ngoại khóa để được sống trong môi trường của người lính và được trực tiếp chứng kiến những sinh hoạt hằng ngày của bộ đội".
Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho học sinh là trang bị cho các em ý thức trách nhiệm, tự giác trong học tập, nghiên cứu. Với cách làm bài bản và sự quan tâm đúng mức của các ngành liên quan, việc giảng dạy GDQPAN cho học sinh ở Thủ đô sẽ thu được kết quả tốt đẹp, là điểm sáng trong cả nước.