Không thể nói những công trình mừng Đại lễ là lãng phí
Chính trị - Ngày đăng : 18:47, 02/11/2010
Thưa ông, hiện việc tổng hợp các khoản chi cho Đại lễ đã thực hiện đến đâu?
Hiện từng cơ quan, đơn vị đang làm thanh quyết toán, làm xong sẽ có số liệu. Dự kiến con số thì rất nhiều, bởi hoạt động Đại lễ ngàn năm có rất nhiều lĩnh vực, bộ ngành tham gia. Chi phí trực tiếp cho các hoạt động đó không chỉ riêng Hà Nội mà còn có các bộ ngành trung ương, địa phương khác tham gia. Bây giờ để xác định chi phí trực tiếp Đại lễ vừa qua, Chính phủ, TP Hà Nội đang chỉ đạo các đơn vị cơ quan làm thanh quyết toán. Với Chính phủ thì sẽ do Bộ Tài chính tập hợp, còn với Hà Nội thì Sở Tài chính làm.
Có con số cho rằng, tổng chi phí cho Đại lễ lên đến 94 ngàn tỷ đồng. Đây có phải là số liệu chính xác không, thưa ông?
Con số này ở đâu ra? Tôi cho rằng không có cơ sở, căn cứ nào để nói thế cả. Bởi vì bây giờ chúng ta vẫn đang quyết toán thì không thể nói gì, cũng không thể nói con số đó là thấp hay cao được, vì chưa có con số thực để so sánh.
Cũng có ý kiến cho rằng tổng đầu tư cho đại lễ, kể cả các công trình gần bằng khoảng 10% GDP cả nước thì đó cũng chỉ là những phát biểu cảm tính, không có định lượng.
Nhưng việc chi cho đại lễ thì Chính phủ cũng như Hà Nội phải có dự kiến từ trước, thưa ông?
Các chi phí đó thế nào, của các Bộ, cơ quan ra sao thì hiện nay Bộ Tài chính đang làm việc đó.
Phát biểu tại hội trường Quốc hội ngày 1/11, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL đã nói là Bộ đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho Đại lễ. Vậy phía Thành phố Hà Nội thì sao, thưa ông ?
Trong chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và Quốc hội, mục tiêu tổ chức Đại lễ là phải vui tươi, làmh mạnh, an toàn, tiết kiệm và trang trọng. Theo chỉ đạo này, trong quá trình thực hiện, Ban chỉ đạo quốc gia cũng như Thành phố Hà Nội về Đại lễ đã hướng vào những hoạt động thiết thực nhất, tiết kiệm nhất. Về phía Hà Nội, cái gì cần thiết thì chúng ta làm, không cần thiết không làm và trong từng khoản chi đều có lập dự toán, cơ quan chức năng đồng ý thì mới triển khai.
Ông có thể cho biết cụ thể một số khoản mà Thành phố đã tiết kiệm được?
Cổng chào là một. Trên cơ sở ý kiến nhân dân, công luận, Thành phố thấy là không nhất thiết phải xây cổng chào kiên cố, cũng tiết kiệm được một nguồn nhất định cho xã hội. Hay việc bắn pháp hoa, trước theo chủ trương là bắn tại 29 điểm cộng với điểm chính ở sân vận động Mỹ Đình. Nhưng trước tình hình lũ lụt miền Trung, Thường trực Thành ủy đã xem xét và thấy không cần thiết phải bắn ở 29 điểm, chỉ bắn ở một nơi và phát trực tiếp trên truyền hình để toàn dân có thể xem được. Đấy cũng là một điểm thực hiện chủ trương tiết kiệm. Theo dự toán thì chúng ta đã tiết kiệm được gần 5 tỷ đồng từ khoản này.
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL nói có thể công khai chi phí cho Đại lễ trong thời gian tới. Hà Nội có khẳng định sẽ công khai chi phí này sau khi có thanh quyết toán không, thưa ông?
Việc công khai thanh quyết toán phải bằng con số, phải được phê duyệt và phải theo quy định tài chính khi báo cáo về con số đó. Vì dụ Thành phố Hà Nội sẽ báo cáo chi phí đó với Hội đồng nhân dân TP, còn Chính phủ thì phải báo cáo trước Quốc hội.
Vậy tại kỳ họp HĐND TP tới đây, Thành phố có báo cáo được không, thưa ông?
Thành phố đang tổng hợp để báo cáo.
Có ý kiến cho rằng, trong số những công trình mừng Đại lễ có những công trình, hạng mục lãng phí. Ông nghĩ thế nào?
Về công trình thì không thể nói là lãng phí được. Đây là những đầu tư về tài sản và không thể nói đó là chi phí trực tiếp cho đại lễ, vì bình thường vẫn phải đầu tư. Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội là một sự kiện chính trị rất quan trọng. Nhân dịp này, chúng ta huy động sức người, sức của để đầu tư những công trình phục vụ hạ tầng, dân sinh, phục vụ cho phát triển thì không thể nói lãng phí được.
Ông có thể cho biết, các quà tặng đại lễ mà Thành phố nhận được sử dụng như thế nào?
Thành phố rất trân trọng những quà tặng nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Tất cảt những quà tặng đó, Thành phố đã đưa về Cung Văn hoá Hữu nghị Việt-Xô để trưng bày, giới thiệu với nhân dân về những tấm lòng của người dân, bạn bè các nước đối với Thủ đô. Một số quà tặng sẽ được Thành phố đưa về Bảo tàng để trưng bày, lưu giữ.
Thưa ông, một số công trình chào mừng Đại lễ đã có biểu hiện hư hỏng, xuống cấp như Công viên Hòa Bình, một số đường, vỉa hè…Ông đánh giá thế nào về việc này?
Chúng ta không thể chỉ nhìn một số biểu hiện như vậy mà nói một dự án đầu tư bị xuống cấp. Bản thân các dự án công trình đều làm theo đúng qui trình, qui phạm được các cấp nghiệm thu. Có thể nói, dự án xây dựng Công viên Hòa Bình là một sự có gắng lớn của Thành phố vừa qua, kể cả về huy động nguồn lực, thiết kế, giải pháp đầu tư… làm sao đảm bảo có được một cơ sở về môi trường văn hóa, có ý nghĩa chính trị, lịch sử của Thành phố vì Hòa Bình. Có thể trong thi công, quản lý, dự án còn một số điểm chưa được, nhưng chúng ta phải nhìn đại cục để thấy một dự án công viên lớn thành công cả về kỹ thuật, mỹ thuật.
Xin cảm ơn ông!