Khai thác bô-xit Tây Nguyên: An toàn về môi trường

Chính trị - Ngày đăng : 16:31, 02/11/2010

(HNMO) – Ngày 2/11, vụ việc Vinashin, việc khai thác bô-xit ở Tây Nguyên và những vấn đề liên quan tiếp tục làm nóng hội trường Quốc hội trong phiên thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011.


Vụ Vinashin: Không thể đổ lỗi hoàn toàn cho cơ chế

Mở đầu phiên thảo luận hôm nay, đại biểu Trần Du Lịch - TP Hồ Chí Minh đã đưa vấn đề Vinashin ra mổ xẻ. Theo đại biểu Lịch, những vấn đề liên quan đến việc đầu tư kém hiệu quả, vấn đề nợ nần… không thể đổ lỗi hoàn toàn cho cơ chế, mà ở đây có vấn đề sử dụng và bố trí con người.

“Nếu như chúng ta cứ tập trung về cơ chế tôi e rằng qua hơn 10 năm đổi mới doanh nghiệp, nhà nước chúng ta coi chừng quay lại cơ chế chủ quản, một cơ chế mà chúng ta phải thoát khỏi nó, phải tìm cách khác”, đại biểu Lịch nói.

Đại biểu Lịch cho rằng, để có đột phá liên quan đến doanh nghiệp nhà nước, phải sử dụng một cơ chế ngân sách cứng, có nghĩa là Chính phủ không nên bảo lãnh, chỉ định cho vay tất cả những gì liên quan đến quản lý về nợ công đối với tất cả các doanh nghiệp, những vấn đề này nên có sự tham gia của Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và công khai, minh bạch. Đồng thời, tất cả các doanh nghiệp nhà nước, các tập đoàn lớn, các tổng công ty, phải công khai công bố tài chính như các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán, với những báo cáo tài chính có sự giám sát của xã hội thì mới minh bạch ra được.

Đại biểu Lịch cũng đề nghị Quốc hội sớm ban hành Luật kinh doanh vốn nhà nước, bởi hiện nay chúng ta đang có lỗ hổng pháp lý rất lớn khi từ ngày 1/7/2010, Luật doanh nghiệp nhà nước không còn hiệu lực.


Cũng chung quan điểm với đại biểu Lịch, đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai - Tây Ninh cho rằng, không thể đổ lỗi vụ sụp đổ của Vinashin hoàn toàn cho cơ chế.

“Việc sai phạm của Vinashin là một điển hình chúng ta cần nghiêm khắc nhìn lại vấn đề điều hành và quản lý Nhà nước trong thời gian vừa qua. Đây là một trong những điển hình của sự buông lỏng và thiếu kiểm tra của phía cơ quan quản lý Nhà nước”, đại biểu Mai nói.

Theo giải thích của đại biểu Mai, cơ chế đều do chúng ta đặt ra, do đó chúng ta phải sửa. Do đó, sắp tới, vấn đề cơ chế để xác lập trách nhiệm sở hữu nhà nước về tài sản, vốn và các tập đoàn, các tổng công ty nhà nước phải thuộc về trách nhiệm của nhà nước.

“Chúng ta phải xác lập rõ trách nhiệm cụ thể thuộc về ai để chúng ta xử lý và chúng ta thay đổi cơ chế, điều đó chúng tôi muốn chờ sự trả lời từ phía các cơ quan có thẩm quyền trong thời gian tới”, đại biểu Mai nói.

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên - Sóc Trăng cũng nhất trí, không thể đổ lỗi vụ Vinashin cho hệ thống, vì nếu vậy đã không có việc Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam đã có dòng dầu đầu tiên trong liên doanh ở Liên bang Nga, Việt Nam Airline từ một hãng chỉ có 6 máy bay TU-134 thì đến thời điểm này đội tàu có gần 70 máy bay của Airbus, ATR-72 và Boeng…

“Đối với Tập đoàn Vinashin, việc để quá lâu một cá nhân vừa là Chủ tịch Hội đồng quản trị, vừa là Tổng giám đốc, vừa là Bí thư Đảng ủy cũng là một trong những điều kiện tạo cho sai sót của Vinashin nặng nề hơn”, đại biểu Kiên nói.

Cũng theo phân tích của đại biểu Kiên, nếu nhìn vào các báo cáo hiện nay thì tổng tài sản có của Vinashin là khoảng 103.000 tỷ, tổng tài sản nợ ghi trên sổ sách kế toán là khoảng 86.000 tỷ, như vậy, về mặt kinh tế cân đối của Vinashin là vẫn còn, vốn của chủ sở hữu vẫn còn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là hiệu quả vốn đầu tư của vốn vay đối với Tập đoàn Vinashin như thế nào. Vì vậy, đại biểu Kiên đề nghị trong nhiệm kỳ tới, Chính phủ nên thành lập một cơ quan chuyên quản về quản lý phần vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, điều đó sẽ được thể hiện như nghị quyết giám sát tối cao tại kỳ họp thứ sáu của Quốc hội về việc xây dựng luật, về quản lý vốn và tài sản nhà nước.

Cũng quan tâm đến vấn đề xác định trách nhiệm trong vụ Vinashin, đại biểu Hoàng Văn Toàn - Vĩnh Phúc cho rằng, phải truy lại các nguyên nhân của nó.

“Trước hết, theo tôi Hội đồng quản trị của doanh nghiệp này là đơn vị trực tiếp chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, các Bộ kinh tế tổng hợp, các Bộ chuyên ngành cũng phải chịu trách nhiệm, công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan Nhà nước, công tác giám sát của Quốc hội, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định về mô hình kinh tế này đang còn thiếu. Rõ ràng công tác quản lý cơ chế pháp luật của chúng ta còn lỏng lẻo và lúng túng trong khu vực quản lý này”, đại biểu Toàn nói.

Từ đó, đại biểu Toàn đề nghị phải có kiểm tra, thanh tra cụ thể vụ Vinashin, phải có tổng kết mô hình thí điểm các tập đoàn kinh tế để rút kinh nghiệm, quy trách nhiệm và xác định hướng đi mới cho các tập đoàn kinh tế của Nhà nước.

Nhất trí trong quá trình vận động đi lên, việc bộc lộ những điểm yếu cũng là cái tất yếu, đại biểu Bế Xuân Trường - Bắc Kạn cho rằng, cần phải nhìn thẳng vào sự thật và từ đó tìm ra những giải pháp hữu hiệu để khắc phục. Đại biểu Trường phản đối việc thành lập Ủy ban lâm thời để vào kiểm tra Vinashin, bởi vì trước đó, Bộ Chính trị đã chỉ đạo Ủy ban kiểm tra vào để chỉ ra vấn đề này và sắp tới cũng có một cuộc thanh tra toàn diện và đánh giá Vinashin.Thay vào đó, đại biểu Trường đề nghị tập trung vào việc tái cấu trúc Vinashin cho hợp lý.

“Chúng ta là một quốc gia biển mà chúng ta không có một ngành công nghiệp đóng tàu thì các chiến lược biển của chúng ta sẽ không thực hiện được và lúc nào chúng ta cũng phải phụ thuộc vào các nước khác. Do vậy, việc tái cấu trúc lại Vinashin là việc nên làm”, đại biểu Trường nói.

Cùng ý kiến, đại biểu Võ Tiến Trung - Phú Yên cũng cho rằng, Việt Nam có bờ biển rộng gấp 4 lần đất liền, phải có kinh tế mũi nhọn là đóng tàu. Vì vậy, cần khẩn trương khôi phục lại Vinashin, xây dựng Vinashin thành một lực lượng vững mạnh để đóng tàu chiến lược của đất nước, kể cả kinh tế và quốc phòng.

Tuy nhiên, đại biểu Trung đề nghị, Chính phủ làm cho rõ ràng vụ Vinashin, báo cáo đầy đủ trước Quốc hội và nhân dân trách nhiệm của các cá nhân có liên quan. Đồng thời, nhanh chóng có những giải pháp về cơ chế quản lý vốn, cơ chế kiểm tra, đặc biệt là kiểm tra đôn đốc, không vì vụ việc Vinashin mà tạo nên bất đồng trong xã hội.

Từ vụ việc Vinashin, đại biểu Bùi Đắc Luyện - Ninh Bình cho rằng, khối doanh nghiệp Nhà nước trong đó đặc biệt là các Tập đoàn kinh tế đã và đang bộc lộ những yếu kém cần sớm khắc phục. Vì vậy, đề nghị Chính phủ sớm tiến hành tổng kết, đánh giá hoạt động của các Tập đoàn kinh tế Nhà nước có cơ chế quản lý hợp lý, chấn chỉnh hoạt động của các Tập đoàn, các Tổng công ty Nhà nước, thực hiện kiên quyết chương trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, trong đó chú trọng đánh giá giá trị tài sản, cả tài sản vô hình và tài sản hữu hình của doanh nghiệp một cách chính xác để tránh thất thoát của Nhà nước.

Cũng liên quan đến vấn đề quản lý vốn Nhà nước trong các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước, các tổng công ty, đại biểu Vũ Viết Ngoạn – Khánh Hòa cho rằng, các văn bản pháp luật đã phân định rất rõ ràng quyền quản lý này nhưng còn một số điểm chưa khoa học như: việc người đại diện chủ sở hữu vẫn đồng thời là người quản lý hành chính Nhà nước; quyền và nghĩa vụ của đại diện chủ sở hữu đã bị cắt khúc ra; Bộ trưởng, Thủ tướng được giao quá nhiều chức năng mang tính kinh doanh và mang tính chất sự vụ doanh nghiệp, không thể đảm đương được…

Do đó, đại biểu Ngoạn đề nghị, kiên trì tách chức năng quản lý Nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu; tăng cường thiết chế giám sát với doanh nghiệp, cụ thể là xây dựng chuẩn an toàn trong hoạt động của doanh nghiệp; có cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm giám sát vốn của Nhà nước tại các doanh nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng -TP. Hồ Chí Minh cho rằng, từ những ý kiến phát biểu của các đại biểu trong 2 ngày thảo luận có thể thấy, vấn đề cải cách DNNN đã trở thành yêu cầu bức bách hiện nay. Theo ông, phải đặc biệt quan tâm tới việc sử dụng tài sản tại các công ty Nhà nước.

“Chính phủ đã dành quá nhiều ưu đãi cho các DN nhà nước, coi là con trong giá thú, còn các thành phần kinh tế khác là con ngoài giá thú, con nuôi… Con cái mà quá nuông chiều thì hư hỏng là điều tất nhiên. Trách nhiệm đó thuộc về Thủ tướng, không thể khác được”, đại biểu Trừng nói.

Đại biểu Trừng đề nghị, Chính phủ phải thực hiện đúng cam kết, kiên quyết đặt DN Nhà nước trong môi trường cạnh tranh. Đây là biện pháp cơ bản nhất cải thiện hiệu quả hoạt động của các đơn vị này. Đồng thời, áp dụng triệt để nguyên tắc ngân sách cứng, xóa bỏ mọi hình thức cho vay, cấp tín dụng theo chỉ đạo, khoanh nợ, giảm nợ và tính đủ chi phí với DN Nhà nước theo giá thị trường…

Giải trình của các Bộ trưởng


Phân cấp, giao quyền phải phù hợp với năng lực cán bộ

Giải trình về vấn đề về quản lý đánh giá giám sát đối với tập đoàn kinh tế và các tổng công ty Nhà nước, trong đó có Vinashin, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, chủ trương và các quy định của Đảng và Nhà nước đã phân biệt rõ chức năng của cơ quan đại diện quyền chủ sở hữu Nhà nước với chức năng điều hành sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, kiên quyết chấm dứt tình trạng cơ quan hành chính Nhà nước can thiệp trực tiếp cụ thể vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Giao Hội đồng quản trị doanh nghiệp quyền đại diện trực tiếp chủ sở hữu gắn liền với quyền tự chủ trong kinh doanh, Hội đồng quản trị là cơ quan đại diện trực tiếp của chủ sở hữu tại tổng công ty, nhận và chịu trách nhiệm bảo toàn phát triển vốn, tài sản của Nhà nước ta.

Trên cơ sở báo cáo của Bộ tài chính và các bộ, ngành thì Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo về triển khai thực hiện củng cố hoạt động của tổng công ty, tập đoàn Nhà nước như: khống chế mức vốn vay trên vốn chủ sở hữu không quá 3 lần; công ty nhà nước phải dành 70% vốn để đầu tư vào các ngành nghề sản xuất kinh doanh chính; riêng đối với đầu tư vào các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán thì công ty nhà nước chỉ được đầu tư vào mỗi một lĩnh vực, một doanh nghiệp mức vốn đầu tư không vượt quá 20% vốn điều lệ của tổ chức nhận góp vốn, nhưng phải đảm bảo tổng tất cả các vốn góp của công ty mẹ, công ty con trong tập đoàn không quá 30% vốn điều lệ của các tổ chức nhận góp vốn….

Đối với giám sát Vinashin, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết, kể từ khi đi vào hoạt động theo mô hình tập đoàn từ giữa năm 2006 đến đầu năm 2007, Bộ Tài chính đã tổ chức một cuộc thanh tra và mỗi một năm tiếp theo từ đó đến nay đã có 4 cuộc kiểm tra về quản lý vốn và tài sản. Qua thanh tra, kiểm tra, Bộ đã phát hiện Vinashin thành lập thêm quá nhiều công ty con, công ty cháu, đầu tư dự án dàn trải, cân đối nguồn không hợp lý và chủ yếu dựa vào vốn vay, mua sắm tài sản không đúng quy định... và đã kiến nghị Vinashin và kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ. Căn cứ kiến nghị của Bộ Tài chính và các bộ, ngành, ngay từ năm 2008, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ đã có yêu cầu họp và ra nhiều văn bản chỉ đạo cụ thể.

“Qua tình hình triển khai như vậy chúng tôi thấy rằng chủ trương tách bạch chức năng quản lý Nhà nước và chức năng kinh doanh của doanh nghiệp, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp là đúng đắn và nhất quán, không can thiệp vào sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là một chủ trương của Đảng và Nhà nước đã được khẳng định trong thiết chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, cũng cần phải rút ra và nghiên cứu tiếp là khi phân cấp, phân công và giao quyền thì phải phù hợp với năng lực, trình độ quản lý của cán bộ doanh nghiệp, đề cao trách nhiệm của doanh nghiệp”, Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng, cần tiếp tục hoàn thiện các hành lang pháp lý và phân định rõ hơn chức năng và trách nhiệm của từng cấp trong việc quản lý doanh nghiệp; tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát và phải có một chế tài đồng bộ, đủ mạnh để bắt buộc các doanh nghiệp phải chấp hành và thực hiện nghiêm các kiến nghị của cơ quan thanh tra và kiểm tra.

Về ý kiến cho rằng hiện nay Vinashin vay nợ tới 86 nghìn tỷ và toàn bộ nguồn vốn này đã mất, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết, đến thời điểm 30/6/2010, số nợ của Vinashin 86.031 tỷ, nhưng tài sản trên sổ sách hiện nay của Vinashin 103.774 tỷ. Như vậy, tiền vay đang nằm trong các tài sản, các dự án. Tuy nhiên, cũng có thể có dự án hiệu quả và có dự án chưa hiệu quả. Hiện Chính phủ đang yêu cầu các cơ quan kiểm toán đánh giá lại các giá trị của tài sản này.

Vụ Vinashin là bài học về xây dựng pháp luật

Trình bày về dự án đầu tư, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Võ Hồng Phúc cho rằng, các dự án đầu tư gần đây được thực hiện khá tốt, bởi chúng ta có phương án tổng thể, thường xuyên, hàng năm Bộ Kế hoạch và đầu tư vẫn yêu cầu các địa phương, các Bộ, các ngành, các tập đoàn kinh tế Nhà nước có báo cáo về tình hình thực hiện đầu tư và công tác bố trí vốn cụ thể cho từng dự án, từng công trình. Từ đó để có nhận xét đánh giá về vấn đề phân bổ, vấn đề triển khai kế hoạch cũng như việc thực thi các dự án.

Theo Bộ trưởng, qua công tác giám sát, khối các địa phương triển khai rất tốt, các địa phương hàng quý, hàng năm đều có báo cáo về Bộ Kế hoạch và đầu tư để từ đó Bộ có tập hợp báo cáo Chính phủ. Khối các Bộ thực hiện cũng khá tốt nhưng khối các doanh nghiệp Nhà nước, tập đoàn Nhà nước thì thực hiện không đầy đủ, có vấn đề này chính là do lỗ hổng của luật pháp.

Bộ trưởng cho biết, khi chúng ta làm Luật doanh nghiệp năm 2003 thì do muốn chuyển toàn bộ quyền chủ động kinh doanh cho các tập đoàn nên bắt đầu mở rộng quyền của các tập đoàn và quy định trong luật là cho quyền Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng quản trị ủy quyền cho Tổng giám đốc được phép quyết định đầu tư vốn của một dự án không quá 50% vốn của tập đoàn, tổng công ty đó trên sổ sách. Trong khi đó, quy định vấn đề giám sát thì chỉ giám sát về vốn, về nghiệp vụ chuyên môn, không nói về giám sát đầu tư. Như vậy, nếu tập đoàn Vinashin hiện nay vốn có đến 113 nghìn tỷ đồng theo sổ sách thì họ có thể quyết định đầu tư đến 5 - 7 ngàn tỷ đồng tức là cả dự án đặc biệt quan trọng phải trình Quốc hội.

Khi phát hiện ra lỗ hổng này, Chính phủ đã tính đến việc đề xuất sửa luật. Nhưng theo Luật doanh nghiệp năm 2005 thì Luật doanh nghiệp nhà nước đến ngày 1 tháng 7 năm 2010 hết hiệu lực, cho nên nếu đặt thủ tục sửa lại luật thì không đủ thời gian, quy trình, thủ tục để thực hiện nên phải thôi. Tuy nhiên, thay vào đó, Chính phủ đã ban hành một loạt các nghị định, các quyết định để hạn chế quyền này của tổng giám đốc.

Về trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc quản lý, giám sát đầu tư, Bộ trưởng khẳng định, về luật mà nói, Bộ không làm được, theo nghị quyết thậm chí cũng không làm được.

“Bởi vì chúng ta nhấn mạnh quyền kinh doanh đa ngành, đa nghề mà không có một phạm vi giới hạn nào cả, tôi cho rằng là một bài học của chúng ta về vấn đề xây dựng pháp luật, về vấn đề hoàn thiện thể chế, việc đó đối với chúng ta là thời kỳ thí điểm”, Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng, hiện nay đang có một quan niệm sai lầm là muốn để cho doanh nghiệp Nhà nước hoạt động như tư nhân nhưng điều đó là không thể được. Vấn đề vốn, vấn đề chủ sở hữu, vấn đề đại diện chủ sở hữu là vấn đề cần làm rõ. Tư nhân là vốn của người ta, còn doanh nghiệp Nhà nước là vốn của Nhà nước. Doanh nghiệp Nhà nước mất vốn thì Nhà nước mất vốn, nhân dân mất vốn mà đây chính là tiền thuế đóng góp của mỗi người dân, cho nên phải có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn bằng các cơ chế chính sách, bằng nghị định.

“Hiện nay Chính phủ đang giao cho Bộ Kế hoạch và đầu tư triển khai một loạt các nghiên cứu để xác lập lại vai trò chủ sở hữu là thế nào”, Bộ trưởng cho biết.

Bộ trưởng cũng cho rằng, cũng cần phải tăng cường vai trò của cơ quan quản lý đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại các tập đoàn, xem lại cơ chế đầu tư để lập lại trật tự đầu tư trong doanh nghiệp Nhà nước, đặc biệt là vai trò lập kế hoạch đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước.

Khai thác bô-xit Tây Nguyên: An toàn về môi trường

Báo cáo về độ an toàn đối với môi trường tại dự án khai thác bô-xit Tây Nguyên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên khẳng định, báo cáo đánh giá tác động môi trường do Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) lập và do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức Hội đồng thẩm định đã làm rất cụ thể, khoa học và bảo đảm độ an toàn về hệ thống môi trường, bảo vệ cả 2 khu vực đang xây dựng, trong đó có 4 khu về giáo dục tác động môi trường gồm: khu khai thác mỏ, khu tuyển quặng, hoạt động của nhà máy và khu chất thải.

Bộ trưởng khẳng định, với các chỉ tiêu, với các tiêu chuẩn là tiêu chuẩn hiện đại của thế giới, với các chỉ tiêu về môi trường nghiêm ngặt nhất của Việt Nam qui định và với các yêu cầu cân, đong, đo, đếm…, báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được thẩm định và phê duyệt với chất lượng cao nhất.

Báo cáo trên đã được một hội đồng gồm 21 người, trong đó có 18 nhà khoa học, gồm các giáo sư, các phó giáo sư và các tiến sỹ, chủ yếu là các đồng chí là viện trưởng, viện phó, giám đốc trung tâm khoa học, hiệu trưởng, hiệu phó các trường đại học thẩm định. Hội đồng này cũng đã đi ba nước để nghiên cứu là Úc –nước có các công nghệ về khai thác boxit và xử lý hiện đại nhất thế giới; Brazin – nước có địa hình, đặc tính của mỏ giống của Việt Nam; Trung Quốc – nước có công nghệ chuyển giao cho Việt Nam.

Đồng thời, Bộ và TKV cũng đã thành lập một tổ tư vấn khoa học gồm tất cả các tiến sỹ, các nhà khoa học ở tất cả các lĩnh vực để tư vấn.

Về nhiều ý kiến quan ngại với độ an toàn của báo cáo đánh giá môi trường, Bộ trưởng cho biết, không có chuyện phá rừng Tây Nguyên.

“Mỏ Tây Nguyên có trữ lượng rất lớn, chúng tôi chỉ tập trung giai đoạn thí điểm này là cấp mỏ cho khai thác những nơi chủ yếu dưới mặt đất khoảng 50 - 70 phân, không có cây nào mọc được hoặc nếu có mọc được chỉ là những cây bụi gai và những cây lùn”, Bộ trưởng cho biết.

Mặt khác, mục tiêu dự án là khai thác kết hợp với trồng rừng và hiện các quy trình phục hồi như thế nào, quy trình trồng rừng như thế nào, các trung tâm gây giống các cây trồng như thế nào… thì TKV đang thí điểm để triển khai thực hiện.

Về lo lắng nước từ quá trình khai thác bô-xit có chảy vào trong hồ bùn đỏ hay không, Bộ trưởng khẳng định, trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã nêu là nghiêm cấm không để nước xung quanh chảy vào trong hồ bùn đỏ.

“Để giải quyết như vậy thì phải làm toàn bộ hệ thống mương hứng toàn bộ nước và lưu lượng nước ở đây đã tính đến biến đổi khí hậu, không để nước tràn vào”, Bộ trưởng nói.

Đồng thời, lo lắng việc thấm lo lắng việc nước có bị thẩm thấu dọc xuống hay không cũng không có cớ sở bởi bùn đỏ là khu xử lý chất thải công nghiệp độc hại, do đó đều dùng các vật liệu có độ thấm 10 mũ trừ 12 độ, không thể thấm được.

Về nguy cơ động đất, Bộ trưởng cho biết, Viện Vật lý địa cầu đã vào đo từ nhiều năm nay và đã xác định độ động đất tối đa là đến cấp 5, nhưng Chính phủ đã yêu cầu trong thiết kế là đến cấp 7.

Về lo đứt gãy địa chất ở hồ bùn đỏ, theo Bộ trưởng, Viện địa chất và khoáng sản Việt Nam đã vào đo và theo dõi khu vực hồ bùn đỏ này không có đứt gãy.

Về nguy cơ vỡ hồ, Bộ trưởng cho biết, thường trong khu chứa bùn đỏ này chia ra làm các lô, như ở Brazin, mỗi một hồ là khoảng 45 - 50 hecta. Ở Việt Nam, để hệ số an toàn hơn trong diện tích 108 hécta, Bộ yêu cầu chia ra 8 hồ, nhỏ hơn 1/3 so với hồ của các nước khác. Khi thải ra hồ thứ nhất, có sự cố vỡ thì hồ thứ hai hứng, tương tự như vậy. Tuy nhiên, khi đã thải đến hồ thứ ba thì hồ thứ nhất đã tháo nước và đã khô. Khô ở hồ thứ nhất là lập tức trồng cây.

Về giải pháp khi xảy ra sự cố vỡ hồ, Bộ trưởng cho biết, hiện Bộ đang yêu cầu TKV trong Báo cáo đánh giá tác động của môi trường dành ra một diện tích khoảng 50 hécta để nếu như hồ cuối cùng vỡ thì toàn bộ 50 hécta này phải chứa. Bộ cũng đang yêu cầu TKV phải xem xét và nghiên cứu để ra được giải pháp an toàn nhất, tuyệt đối không để cho bùn đỏ đầy tràn.

Ngoài ra, để TKV thực hiện đúng theo những điều mà trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường đề ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã quyết định thành lập một tổ giám sát, giám sát cho đến khi nghiệm thu xong tất cả công trình này có bảo đảm điều kiện môi trường không thì lúc đó mới cho vào khai thác. Bộ trưởng cho biết, hiện nay tổ giám sát đã thực hiện 3 cuộc giám sát, đã lưu ý và ghi sổ nhật ký hàng ngày của đơn vị thi công này. Đồng thời, trước sự cố vỡ hồ chứa bùn đỏ ở Hungari vừa xảy ra, Bộ đang chuẩn bị một đoàn đi Hungari để xem xét tất cả những vấn đề của nước này, từ đó tiếp tục rà soát lại báo cáo đánh giá tác động môi trường xem còn khâu nào còn hở và chưa chính xác, còn thiếu thì sẽ tiếp tục bổ sung.

Cũng theo Bộ trưởng, hiện nay toàn bộ tài liệu về dự án khai thác bô-xit đã được lưu trữ trong một phòng. Các nhà khoa học, những cử tri ai quan tâm đóng góp ý kiến cụ thể về những vấn đề liên quan đến môi trường sẽ được Bộ sẵn sàng tạo điều kiện cung cấp tài liệu để nghiên cứu. Bộ xin lắng nghe mọi ý kiến với tinh thần rất cầu thị để tiếp tục hoàn thiện và theo dõi làm sao để công trình khai thác bôxit ở Tây Nguyên bảo đảm tốt nhất, an toàn nhất về mặt môi trường.
Trong kết luận về phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Kiên cho biết, vụ án liên quan đến các cá nhân sai phạm ở Vinashin đang được cơ quan điều tra thụ lý. Ủy ban kiểm tra Trung ương cũng đang làm việc về vấn đề này.

Việc thành lập hay không thành lập Ủy ban điều tra lâm thời của Quốc hội về vụ việc Vinashin cũng còn nhiều ý kiến khác nhau, phải được xem xét kỹ theo các quy định pháp luật, đảm bảo đúng quy trình. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo các đại biểu trong phiên họp khác tại kỳ họp này.

Vân An