Luôn không bằng lòng với chính mình

Đời sống - Ngày đăng : 07:21, 02/11/2010

(HNM) - Là Phó Giám đốc Công ty cổ phần Tầm nhìn và Giải pháp công nghệ, giáo viên phụ trách đào tạo tin học cho người khuyết tật tại Trung tâm Nghị lực sống, ngần ấy công việc vẫn chưa đủ để chàng trai thế hệ 8X Đoàn Mạnh Hiếu bằng lòng với chính mình. Vì thế, khi biết có bất cứ hoạt động tình nguyện nào, Hiếu đều tham gia để được cống hiến và thỏa mãn niềm đam mê hoạt động xã hội.

Thành đạt nhờ ý chí cao

Nhỏ nhắn, năng động, táo bạo và dễ gần là ấn tượng chung của các nhân viên Công ty cổ phần Tầm nhìn và Giải pháp công nghệ về "sếp" Hiếu. Công ty thành lập được gần một năm với 100% nhân viên là người khuyết tật. Tuy còn non trẻ, nhưng Công ty đã khẳng định được chỗ đứng khi thiết kế những trang web ấn tượng và tiện ích, được khách hàng tín nhiệm và đánh giá cao. Đến nay, Công ty đã thiết kế hơn 10 website theo phương thức cá nhân độc lập. Nhưng Hiếu cho rằng, cần phải chuyên môn hóa, mỗi người chỉ làm một khâu, sau đó kết nối các công đoạn lại với nhau, như thế mới có thể nâng cao hiệu quả công việc.

Hiếu tham gia chương trình Mang áo ấm cho trẻ em vùng lũ quét.

Tốt nghiệp Khoa Điện tử, ngành Điện tử - Tự động hóa, Trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội, năm 2007 Hiếu tiếp tục học liên thông lên đại học. Cùng lúc ấy, Hiếu được nhận học bổng khóa học lập trình viên quốc tế tại Học viện Công nghệ Thông tin NIIT. Hiếu quyết định theo học cả hai vì đây là cơ hội lớn cho anh được dấn thân sâu hơn vào lĩnh vực công nghệ thông tin để biến đam mê trở thành nghiệp của mình. Không dừng lại ở các khóa đào tạo về chuyên môn, Hiếu còn theo một số khóa học về quản lý và kỹ năng mềm ngắn hạn. Theo Hiếu, những kỹ năng này sẽ giúp ích rất nhiều trong công việc, tăng cơ hội vươn xa. Trước khi quyết định "trụ" ở Công ty cổ phần Tầm nhìn và Giải pháp công nghệ, Hiếu đã từng thử sức ở Công ty Phần mềm PwdSoft, Công ty Đồ họa EsoftFlow (Đan Mạch), Công ty Viễn thông Toàn Phương.

Mê tình nguyện

Hiếu sinh ra và lớn lên ở thị trấn Nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Năm tròn 2 tuổi, một cơn sốt bại liệt khiến chân phải của anh không cử động được. Anh kể: "Hồi đó, đã có chương trình tiêm chủng mở rộng phòng chống bại liệt, nhưng vì gia đình tôi ở vùng sâu nên không có cơ hội được tiêm chủng". Như bao gia đình có con bị khuyết tật, bố mẹ Hiếu ra sức cứu vãn tình trạng sức khỏe của con, nhưng kết quả vẫn chẳng ăn thua. Thương bố mẹ, Hiếu kiên trì tập luyện và cuối cùng cũng lê được những bước đi đầy khó nhọc.

Năm 2000, bố Hiếu đột ngột qua đời vì căn bệnh xuất huyết não, để lại mẹ một mình bươn trải nuôi hai con ăn học. Mẹ Hiếu làm bác sỹ ở Bệnh viện huyện Văn Chấn, thu nhập cũng chẳng nhiều nhặn gì, lại thường xuyên phải trực ca. Hai chị em Hiếu thương mẹ vất vả sớm hôm nên chăm chỉ học hành, thời gian rảnh tranh thủ đỡ đần mẹ việc nhà.

Có lẽ bởi chính những khó khăn trong cuộc sống của mình mà Hiếu luôn ý thức phải tự giác học tập, phấn đấu để mẹ yên tâm công tác. Cũng từ những trở ngại đó, Hiếu càng nỗ lực vươn lên bằng chính khả năng, trình độ của mình.

Với tình yêu và mong muốn đem lợi ích của công nghệ đến với người khuyết tật, Hiếu đã tham gia dự án xây dựng Cổng thông tin điện tử dành cho người khuyết tật Việt Nam (PWD.vn) do Trịnh Công Thanh làm quản trị. Trang web này đã được nhận Giải Nghị lực trong cuộc thi Nhân tài Đất Việt năm 2008. Hiếu rất thích tham gia hoạt động tình nguyện cùng các bạn khuyết tật ở CLB ước mơ xanh Hà Nội và Trung tâm Nghị lực sống. Đến nay, anh đã tham gia các hoạt động tình nguyện như chương trình Em vẽ ước mơ, do Câu lạc bộ Những ước mơ xanh tổ chức cho các em ở cô nhi viện Thánh An - Bùi Chu (Nam Định); chương trình Góp niềm vui nhỏ, nhân vạn tiếng cười trẻ thơ nhân ngày Tết thiếu nhi, do Trung tâm Nghị lực sống tổ chức (Nghi Lộc - Nghệ An) hay chương trình Mang áo ấm cho trẻ em vùng lũ quét (Sơn La)...

Giờ đây, khó khăn trong đi lại không còn là trở ngại với Đoàn Mạnh Hiếu vì Hiếu đã biết đi xe máy (hai bánh) cách đây chỉ vài tháng. Hiếu vui lắm vì từ ngày đi được xe máy, Hiếu đã chủ động được nhiều việc và tự mình đến với các tổ chức tình nguyện để tham gia, cống hiến và trưởng thành hơn từ các hoạt động xã hội.

Hương Ngát