Mưa lũ phức tạp, hậu quả nặng nề
Đời sống - Ngày đăng : 06:58, 02/11/2010
Dồn sức cứu hộ người dân
Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Sửa chữa đường bộ Phú Yên khắc phục điểm sạt lở trên đèo Cả. Ảnh: Ly Kha – TTXVN
Theo báo cáo nhanh chiều 1-11 của Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương, mưa lũ 3 ngày qua tại các tỉnh từ Phú Yên đến Ninh Thuận đã làm 6 người chết, 3 người mất tích; nhiều nhà dân bị sập đổ, ngập nước, tốc mái; hàng nghìn hécta lúa, hoa màu, cây ăn quả hư hại. Đường sắt Bắc - Nam vừa được thông tuyến chiều 31-10 sau khi khắc phục điểm sạt lở ở đèo Cả đã tắc lại vào sáng 1-11 vì một số đoạn từ ga Hòa Tân đi ga Suối Cát và từ ga Suối Cát đi ga Ngã Ba bị nước lũ ngập sâu. Phía bắc Nha Trang, đoạn đường sắt qua khu vực đèo Cả lại bị sạt lở, việc cứu hộ hết sức khó khăn.
Theo Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Khánh Hòa, đến 20h tối qua, mưa lũ đã làm 3 người chết, 1 người mất tích và 1 người bị thương; 7 chiếc thuyền bị chìm chưa trục vớt, hàng trăm hécta hoa màu và nuôi thủy sản bị ngập, hàng nghìn mét khối đất đá sạt lở. Tại tỉnh Ninh Thuận, đến chiều qua, có nơi lượng mưa đo được từ 300 đến 450mm khiến mực nước các sông Cái Phan Rang, sông Lu... trên mức báo động III từ 1,39m đến 2,3m. Các hồ chứa Đơn Dương, Sông Sắt, Sông Trâu, Tân Giang, CK7, Suối Lớn, Bầu Ngứ, Ma Trai… vượt dung tích chứa cho phép và đồng loạt xả lũ, nước đổ về phía hạ du lưu lượng lớn. Các tuyến Quốc lộ 27, Quốc lộ 1A và một số tuyến giao thông liên huyện bị tê liệt, nhiều xã bị cô lập hoàn toàn. Ninh Thuận đã huy động lực lượng, phương tiện, vật tư cứu hộ, cứu nạn với 1.000 chiến sĩ lực lượng vũ trang và đoàn thanh niên cùng hàng chục xuồng máy, 20 xe ô tô cứu hộ, di dời 1.137 hộ với 4.548 dân ra khỏi những vùng ngập nguy hiểm. Đến chiều qua, tỉnh Ninh Thuận có 2 người mất tích; 58 căn nhà bị sập đổ, tốc mái, 1.137 căn nhà bị ngập nước; 8.036ha cây trồng các loại bị ngập, nhiều gia súc, gia cầm bị nước lũ cuốn trôi…
Tại tỉnh Lâm Đồng, mưa lớn khiến các xã Đạ Quyn và Tà Năng (huyện Đức Trọng) bị cô lập hoàn toàn. Ngoài ra, hồ Thủy điện Đa Nhim xả lũ với lưu lượng 150m3/giây cộng với mưa lớn đã gây ngập cục bộ tại huyện Đơn Dương và Đức Trọng. Sáng 1-11, mưa lũ đã làm 1 người dân xã Đạ Quyn (huyện Đức Trọng) bị nước cuốn trôi, nạn nhân là anh Ya Ba (khoảng 30 tuổi, trú tại thôn Ma Bó). Cơ quan chức năng và người dân đang tích cực tìm kiếm nạn nhân, nhưng mưa to, nước suối chảy xiết nên việc tìm kiếm gặp khó khăn. Tin từ Đồn Biên phòng 304 - Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) cho biết, sáng 1-11, chính quyền và nhân dân xã Tam Quan Nam, huyện Hoài Nhơn (Bình Định) đã vớt được thi thể ngư dân Văn Công Trãi trú tại xã Hoài Hải (huyện Hoài Nhơn). Sáng cùng ngày, lực lượng cứu hộ cũng tìm thấy thi thể ông Phạm Đình Cư, sinh năm 1955, trú thôn Hảo Sơn, xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa (Phú Yên) bị lũ làm lật thuyền, cuốn trôi lúc trưa ngày 30-10.
Lũ tiếp tục lên, tiếp tục triển khai các phươngán ứng phó
Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương tiếp tục cảnh báo, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường xuống miền Bắc và nhiễu động trong đới gió đông trên cao, tương tác với hoàn lưu của vùng áp thấp nên các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Thuận tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông; đề phòng có tố, lốc và gió giật mạnh. Do đó, đợt lũ này có thể kéo dài nhiều ngày và nguy cơ sẽ xảy ra lũ đặc biệt lớn trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Trước tình hình này, ngày 1-11, Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương và Ủy ban Quốc gia TKCN tiếp tục có công điện khẩn yêu cầu các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận triển khai phương án phòng, chống lũ, kiểm tra, rà soát các vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, sẵn sàng phương án sơ tán để bảo đảm an toàn cho người và tài sản; đối với những vùng có nguy cơ bị chia cắt, cần tích trữ lương thực, thuốc men đề phòng bị chia cắt dài ngày. Kiểm tra, vận hành bảo đảm an toàn hồ chứa; đối với các hồ chứa đã có quy trình vận hành độc lập hoặc quy trình vận hành liên hồ, yêu cầu các chủ hồ chủ động xả nước theo quy trình đã quy định để tạo dung tích đón lũ.