Núi lửa Indonesia lại phun trào dữ dội
Xã hội - Ngày đăng : 15:30, 01/11/2010
Ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất Indonesia Merapi hôm nay 1-11 lại có đợt phun trào dữ dội, mạnh nhất trong một tuần trở lại đây, bắn những cột mây tro bụi cao hàng ngàn mét vào không trung. Hiện chưa có thông báo gì về thương vong.
Người dân tháo chạy khi núi lửa Merapi phun những cột khói bụi cao hàng ngàn mét vào không trung. |
Trong khi đó, cách đó hàng trăm km về phía Tây, các nhân viên cứu hộ đang tranh thủ thời tiết thuận lợi để đưa hàng cứu trợ cho các nạn nhân trong đợt sóng thần cao tới 6m (con số trước đây là 3m) do trận động đất 7,7 richter gây ra, nhấn chìm nhiều hòn đảo xa xôi của Indonesia, “xóa sổ” toàn bộ nhiều làng mạc.
Đợt phun trào mới nhất được kèm theo rất nhiều tiếng nổ đinh tai nhức óc.
Các cột mây tro bụi khổng lồ phụt lên từ miệng núi lửa và bao trùm khắp một vùng rộng lớn. Những cột khói này không có dấu hiệu lắng dịu gần hai giờ sau vụ nổ. Tro bụi bao phủ gần 6km dưới sườn núi phía đông bắc, Subrandrio, người theo dõi hoạt động của ngọn núi lửa, cho hay. Ở lần phun trào tuần trước, 38 người đã thiệt mạng.
Quốc đảo Indonesia với 235 triệu dân nằm trên một loạt các đường nứt và núi lửa được biết đến là “Vành đai lửa” Thái Bình Dương và thường xuyên phải hứng chịu các trận động đất, núi lửa phun trào.
Đường nứt, đã bị gãy một tuần trước, trải dài theo bờ biển phía tây của Sumatra, cũng đã gây ra trận động đất 9,1 richter hồi năm 2004 và gây sóng thần khắp Ấn Độ Dương, khiến 230.000 người ở hàng chục nước thiệt mạng.
22 trong tổng số 190 ngọn núi lửa hiện đang rung chuyển và phun những cột tro bụi vào ngày hôm nay. Tất cả những ngọn núi lửa này đều được nâng mức cảnh báo lên các cấp độ cao nhất là 2 và 3 kể từ tuần trước. Hiện chưa rõ liệu có sự liên hệ gì giữa các ngọn núi lửa này với trận động đất hay đợt phun trào của Merapi gần đây hay không.
Thảm họa kép cho đến nay đã cướp đi sinh mạng của gần 500 người, trong khi hàng trăm người vẫn đang bị mất tích. Trong số này, 450 thiệt mạng vì sóng thần. Quân đội đã được triển khai đối với cả hai thảm họa.
Hầu hết tất cả các ngôi làng sống dọc sườn núi Merapi đã được sơ tán, với một số bị quân đội ép đi. Trong khi đó, nhiều người cố trở về nhà trong ngày để kiểm tra đàn gia súc và mùa màng của mình.