Microsoft hỗ trợ Việt Nam phát triển môi trường CNTT-TT lành mạnh

Xe++ - Ngày đăng : 14:53, 01/11/2010

(HNMO) – Bộ Thông tin và Truyền thông (MIC) Việt Nam và Tập đoàn Microsoft (Microsoft) vừa công bố cam kết về việc thúc đẩy phát triển năng lực ngành CNTT tại Việt Nam và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nhằm giúp quốc gia đạt được các mục tiêu kinh tế.


Tham dự tại buổi lễ ký kết tại Hà Nội có ông Phạm Gia Khiêm - Phó Thủ tướng Việt Nam, bà Hillary Clinton - Ngoại Trưởng Mỹ và ông Malcolm De Silva - Tổng Giám Đốc Microsoft Việt Nam.

Theo bản ký kết, Microsoft sẽ hỗ trợ Việt Nam tăng trưởng kinh tế thông qua việc phát triển một môi trường CNTT-TT lành mạnh và mang tính cạnh tranh bằng việc chú trọng vào các vấn đề ưu tiên của Chính phủ, đặc biệt là phát triển nguồn nhân lực cho ngành CNTT Việt Nam. Điều này sẽ giúp Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh cho nền công nghiệp CNTT-TT, đẩy mạnh tiến trình trở thành quốc gia có nền CNTT tiên tiến vào năm 2020 và mở rộng ngành CNTT-TT trở thành ngành chủ chốt, chiếm tỉ trọng 20% GDP của cả nước.



Trong phạm vi thỏa thuận này, Microsoft sẽ cung cấp phần mềm có bản quyền để sử dụng trong các tổ chức Chính phủ. Thỏa thuận này cho thấy quyết tâm lớn của Chính phủ Việt Nam trong việc cam kết bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT). Những phần mềm này sẽ giúp các tổ chức Chính phủ sắp xếp hoạt động hợp lý và năng suất hơn, mang đến nhiều dịch vụ hiệu quả hơn, để từ đó phục vụ tốt hơn các nhu cầu của một nền kinh tế đang phát triển. Phần mềm Microsoft có bản quyền sẽ cung cấp các lợi ích tối ưu, gia tăng về hỗ trợ kỹ thuật cũng như cải tiến chất lượng dịch vụ, và sẽ được cung cấp bởi các đối tác của Microsoft trong nước.

"Microsoft rất mong đợi cơ hội được đưa mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Microsoft với Bộ Thông tin Truyền thông lên một tầm cao mới. Giai đoạn 2007-2010 là một giai đoạn thành công trong việc thực hiện một số dự án quan trọng trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo cũng như tiếp cận công nghệ chuyên môn và cơ sở hạ tầng", ông Malcolm De Silva, Tổng Giám Đốc Microsoft Việt Nam cho biết.

Chính phủ Việt Nam và Microsoft đã cùng thảo thuận và đi đến thống nhất ba mục tiêu chính cho quan hệ đối tác. Một là, xây dựng năng lực và phát triển nguồn nhân lực cho CNTT Việt Nam; Sáng kiến này bao gồm việc thiết lập và triển khai một Trung tâm chuyên môn CNTT-TT (ICT Expertise Centre), Trung tâm đào tạo CIO Việt Nam và các chương trình quản trị dành cho các cán bộ cấp cao của Bộ và Chính phủ Việt Nam tại Trung Tâm đào tạo chuyên gia cao cấp của Microsoft tại Mỹ và tăng cường nhu cầu kinh tế đặc biệt của Chính phủ, thảo luận các vấn đề kinh tế nổi trội.

Hai là, nâng cao tính cạnh tranh cho nền công nghiệp CNTT - TT của Việt Nam. Microsoft sẽ hỗ trợ các kế hoạch hành động CNTT-TT đồng bộ các hoạt động của Chính phủ Việt Nam bao gồm: hội thảo với quy mô lớn về việc phát triển kinh tế phần mềm, xây dựng năng lực và phát triển nguồn nhân lực tại địa phương,hoặc Chính phủ liên kết, các buổi hội nghị bàn tròn/hội nghị chuyên đề về các vấn đề đã được Bộ và Microsoft thỏa thuận và tư vấn các vấn đề hiện hành trong việc hỗ trợ việc phát triển kế hoạch tổng thể của Bộ đối với ngành CNTT&TT trong giai đoạn 2011-2015 và hướng tới 2020.

Ba là, thành lập Quỹ Microsoft phục vụ phát triển CNTT-TT tại Việt Nam. Ghi nhận việc Chính phủ đầu tư công nghệ, Microsoft - một quỹ được thành lập mới nhằm hỗ trợ các dự án liên kết để phát triển ngành công nghiệp CNTT-TT trong nước.

“Cùng với Chính phủ Việt Nam, chúng tôi hướng tới việc đặt nền tảng vững chắc cho ngành CNTT quốc gia để tạo ra những bước nhảy vọt trong tương lai”, ông Malcolm De Silva, Tổng Giám Đốc Microsoft Việt Nam nói. “Việt Nam tiếp tục đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế trong khu vực và toàn cầu, và lĩnh vực công nghệ có một tiềm năng lớn mang lại hiệu quả cho tất cả các ngành công nghiệp. Chúng tôi tin tưởng với cơ cấu dân số trẻ và có trình độ, Việt Nam có tiềm năng để trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực về CNTT”.

L.H