Thu hẹp khoảng cách văn hóa giữa đô thị và nông thôn
Văn hóa - Ngày đăng : 07:20, 01/11/2010
Để đạt được mục tiêu này, việc phát triển văn hóa đọc nhằm nâng cao hiểu biết, nhận thức của các tầng lớp nhân dân, nhất là người dân ở cùng nông thôn, vùng xa trung tâm là rất cần thiết. Do đó, những mô hình thư viện cộng đồng đang hoạt động hiệu quả như thư viện làng Bình Vọng (Thường Tín), Thạch Xá (Thạch Thất), Hưng Phúc (Hà Đông) cần được nhân rộng.
Người dân tham khảo sách, báo tại Thư viện văn hóa xã Xuân Đỉnh (huyện Từ Liêm). Ảnh: Trung Kiên |
Thư viện của những tấm lòng
Hơn chục năm nay, thư viện thôn Bình Vọng, xã Văn Bình, huyện Thường Tín là điểm đến quen thuộc của người dân trong thôn và những người yêu văn hóa đọc. Ông Lương Văn Tăng, cán bộ quản lý thư viện cho biết: Thư viện thường xuyên nhận được thư động viên, khích lệ của bạn đọc ở khắp mọi miền đất nước; đồng thời nhận được sự ủng hộ sách, báo, tạp chí của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế, nâng số sách, báo của thư viện từ 500 cuốn năm 1999 lên tới gần một vạn cuốn năm 2010.
Ý tưởng thành lập thư viện cung cấp thông tin, tri thức cho người nông dân nghèo ở thôn Bình Vọng được ông Dương Văn Phi - một cựu giáo chức ấp ủ từ nhiều năm trước đó, nhưng do thiếu sách nên đến năm 1999 Thư viện Bình Vọng mới được thành lập. Một gian của đình làng trở thành kho chứa sách và phòng đọc sách, còn cán bộ quản lý thư viện là những cán bộ hưu trí thay nhau làm việc không lương. Nhờ những nỗ lực đó, hiện nay Thư viện Bình Vọng đã đi vào hoạt động khá chuyên nghiệp, gồm có phòng đọc, phòng mượn, kho chứa sách, thậm chí có cả máy vi tính để tra cứu đầu sách.
Nhận thấy nhu cầu đọc sách, báo của người dân rất lớn, ông Nguyễn Đức Thọ, làng Thạch, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất đã mang hết "vốn liếng" của đời ông là hơn 300 cuốn sách quý "nâng cấp" tủ sách cơ sở thành thư viện ngay tại nhà mình và kiêm luôn vai trò thủ thư. Trung bình mỗi tuần, thư viện làng Thạch mở cửa 2 ngày phục vụ cho khoảng gần 200 lượt bạn đọc. Tâm huyết với công việc, nhiều năm nay, ngoài những buổi phục vụ bạn đọc, ông Thọ còn đi "gõ cửa" các thư viện lớn, các gia đình trong làng, xã và bạn bè để xin sách. Không những thế, ông còn trích phần trợ cấp lương bí thư chi bộ ít ỏi của mình mua những cuốn sách mới, sách hay cho thư viện. Sau gần chục năm hoạt động, hiện thư viện làng Thạch đã có hơn một nghìn đầu sách, hàng chục loại báo, tạp chí.
Cùng với những thư viện làng thì thư viện tư gia Hưng Phúc do anh Trần Văn Chín ở thôn Đồng Phúc, xã Đồng Mai, quận Hà Đông thành lập năm 2005 trở thành nơi học tập của cộng đồng. Anh Chín tâm sự: Tuổi thơ lớn lên trong nghèo khó, gian nan không có điều kiện học hành nhưng chính những cuốn sách mà anh mượn từ bạn bè, thầy cô đã cho anh tri thức, kinh nghiệm và tình yêu cuộc sống. Như một sự trả ơn, khi trở thành ông chủ của doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ làm ăn phát đạt, anh đã gom tất cả số tiền mình có đi khắp nước Việt Nam và gần 30 nước trên thế giới tìm sách quý. Khi lượng sách đã kha khá với gần 4.000 cuốn đủ mọi lĩnh vực, Thư viện Hưng Phúc được khai trương trong niềm hân hoan của người dân Đồng Mai. Tại buổi khai trương này, Giáo sư Vũ Khiêu đã tặng anh đôi câu đối: "Bốn vách đồ thư vui đạo nghĩa. Một niềm son sắt vững nhân luân".
Mang tri thức đến cho mọi người, mọi nhà
Thư viện Hưng Phúc có 3 phòng đọc được bài trí đẹp đẽ và ngăn nắp. Tầng 1 là phòng đọc sách "bình dân", hiện có hơn 3.000 đầu sách phổ thông phục vụ nông dân và thiếu niên trong làng như: Chăm sóc và dạy con toàn tập; Từ điển Bách khoa Sinh học; Đạo làm người và xử thế; Mẹo vặt hàng ngày; 1.000 chuyện Cổ tích Việt Nam và Thế giới, chuyện cổ Gờ-Rim, Mật mã Davanci… Tầng 2 là phòng đọc cho các cán bộ, sinh viên. Ở đây có những đầu sách đặc biệt giá trị như: "Đại Việt sử ký toàn thư" được viết bằng tay, từ thời Lý - Trần gồm 21 quyển, "Tản Đà - Văn Vận" in trên giấy lụa, bộ sách Minh Mạng đi săn; Triết học Phương Đông, Phương Tây, Mác Lênin, Lịch sử Đảng, Hồ Chí Minh toàn tập…
Thư viện Hưng Phúc mở cửa phục vụ miễn phí mọi đối tượng bạn đọc từ 7h đến 20h tất cả các ngày trong tuần. Bạn đọc có bất cứ yêu cầu gì chỉ cần nói với chủ nhà kiêm thủ thư Trần Thị Thu Vân ngay lập tức được đáp ứng một cách tận tình, chu đáo. Em Hà Thị Liên, sinh viên K52, Khoa sử, Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội cho biết: "Ở thư viện Hưng Phúc, em có thể tìm đọc nhiều sách quý mà các thư viện khác không có. Cứ rảnh rỗi là em lại tìm đến thư viện này để đọc sách". Còn bác Vũ Văn Tần, phụ huynh em Vũ Thu Hồng, vừa đỗ đại học Sư phạm Hà Nội phấn khởi: "Nhờ Thư viện Hưng Phúc, các cháu học hành tiến bộ. Nhờ đọc sách, các cháu đã tránh xa được tệ nạn xã hội, nâng cao tinh thần ham học hỏi".
Còn đối với thư viện Bình Vọng, trong quá trình trông coi thư viện, các cụ cao niên đã sưu tầm, nghiên cứu nhiều bài báo hay về đời sống, sức khỏe, các bài thuốc dân gian thành cuốn "Hãy bảo vệ sức khỏe của chúng ta" để người dân tiện tham khảo. Nói về hoạt động của thư viện làng, ông Trần Thanh Hải, Trưởng thôn Bình Vọng nhấn mạnh: "Trong khi thư viện của huyện chỉ mở cửa ba ngày/tuần thì thư viện thôn Bình Vọng lại mở cửa tất cả các ngày để đáp ứng nhu cầu đọc của người dân. Trẻ nhỏ không phải đi xa để mượn sách, các cụ già cũng có báo đọc thường xuyên. Nhờ có truyền thống hiếu học, ham đọc sách mà thôn Bình Vọng luôn dẫn đầu xã Văn Bình về số lượng các cháu đi học đại học, cao đẳng. Năm 2010, cả thôn có 180 em học sinh giỏi, 22 em đỗ đại học, cao đẳng".
Những mô hình thư viện trên đã và đang trở thành trung tâm văn hóa, là điểm đến quen thuộc của người dân nông thôn, góp phần nâng cao hiểu biết và nhận thức xã hội nên rất cần được nhân rộng.