EU nỗ lực tìm sự đồng thuận
Thế giới - Ngày đăng : 07:04, 01/11/2010
Cuộc khủng hoảng nợ xuất phát từ Hy Lạp đang gây ra những bất ổn xã hội tại nhiều nước EU. |
Sự đồng thuận về những vấn đề từng gây ra nhiều tranh cãi gay gắt giữa các thành viên EU thời gian qua cho thấy, việc ứng phó với những khó khăn kinh tế không chỉ là nhiệm vụ của từng quốc gia riêng lẻ mà đang được nhận diện như ưu tiên hàng đầu của liên minh. Vì vậy, đề xuất sửa lại một số quy định về ngân sách trong Hiệp ước Lisbon do Đức và Pháp đưa ra từng bị chỉ trích là "phi lý" cuối cùng đã thuyết phục được các đối tác khác trong EU. Các bên nhất trí sẽ sửa đổi "có giới hạn" văn bản được xem là hiến pháp chung của liên minh đã mang tới kết thúc tốt đẹp cho đề tài nóng bỏng nhất hội nghị. Trước đó, không ít người tỏ ra nghi ngờ về khả năng EU có thể có tiếng nói chung đối với vấn đề nhạy cảm này khi bản hiệp ước mới chỉ có hiệu lực từ tháng 12-2009 sau 8 năm đàm phán căng thẳng và nhiều lần đứng trước nguy cơ thất bại.
Với những thay đổi bước ngoặt tiếp nối những biện pháp đã được các bộ trưởng tài chính EU thông qua, EU sẽ lập một quỹ cứu trợ lâu dài để có thể nhanh chóng viện trợ cho các nước thành viên gặp khủng hoảng tài chính. Quỹ này là một phần quan trọng của cơ chế ứng phó khủng hoảng dài hạn nhằm duy trì sự ổn định trong toàn khu vực đồng euro. Lá chắn tài chính mới sẽ thay thế quỹ cứu trợ khẩn cấp tạm thời mà EU phối hợp với Quỹ Tiền tệ quốc tế thành lập vào tháng 5 vừa qua sau khủng hoảng nợ Hy Lạp và sẽ hết hiệu lực vào năm 2013.
Tránh lặp lại những bài học cay đắng về nợ nần vẫn đang tiếp tục gây tổn thương kinh tế EU, hội nghị hai ngày tại Brussels đã đạt được nhất trí về những thay đổi đột phá trong cách thức quản lý kinh tế tại châu Âu theo hướng siết chặt kỷ luật nợ và đề cao phòng ngừa. Thay vì chỉ trừng phạt những quốc gia vi phạm quy định về nợ nhà nước (không quá 60% GDP) và thâm hụt ngân sách quốc gia (không quá 3% GDP), các biện pháp mới sẽ có hiệu lực đối với tất cả những thành viên được xếp vào danh sách "nguy cơ cao". Các nước nằm trong diện báo động về thanh khoản sẽ phải nộp cho EU một khoản tiền gửi và kịp thời điều chỉnh cán cân thu chi nếu không muốn bị phạt. Ngoài ra, dự thảo ngân sách của các nước thành viên EU phải được đưa ra xem xét tại hội nghị mùa xuân hằng năm nhằm đảm bảo cơ cấu tài chính quốc gia không đi chệch hướng quá xa so với các mục tiêu ngân sách của EU. Cùng những quy định khắt khe và mang tính ràng buộc những nước rơi vào thâm hụt và nợ nần quá lớn, liên minh hy vọng các quyết định trừng phạt có thể được thực hiện ở giai đoạn sớm. Điều này sẽ giúp đẩy lùi nguy cơ khủng hoảng lan rộng như đã từng xảy ra và có thể dẫn tới hủy hoại sự ổn định của đồng tiền chung châu Âu.
Thế nhưng, trong khi các tin tức phát đi hàng ngày vẫn cho thấy những khó khăn của Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ireland… trong việc thoát khỏi nguy cơ phá sản và duy trì chương trình cắt giảm thâm hụt ngân sách thì EU vẫn kịch liệt phản đối việc đình chỉ quyền bỏ phiếu của những nước vi phạm giới hạn nợ. Đề xuất được cho là quá cứng rắn của Đức không được ủng hộ do có thể dẫn tới việc "viết lại" Hiệp ước Lisbon, điều mà Ủy ban châu Âu (EC) khẳng định là không thể chấp nhận.
Gạt bỏ được bất đồng trong những vấn đề then chốt ảnh hưởng tới tương lai châu lục, vấn đề tăng ngân sách EU cho năm 2011 lại trở thành điểm khác biệt lớn nhất giữa các thành viên. 11 nước, đứng đầu là Anh, Pháp và Đức đã bác bỏ nghị quyết của Nghị viện châu Âu thông qua tuần này về việc tăng ngân sách EU thêm 5,9%, lên mức 130 tỷ euro vì cho rằng sự "phung phí" đó đi ngược lại những chính sách tài khóa khổ hạnh mà hàng loạt quốc gia trong liên minh đang phải thực thi để tránh nguy cơ vỡ nợ.
Giảm thâm hụt ngân sách thông qua kiểm soát chặt chẽ hơn về thu chi một lần nữa là biện pháp cân bằng nền kinh tế của EU cho dù nhiều định chế tài chính thế giới cảnh báo, "thắt lưng buộc bụng" có thể sẽ biến sự hồi phục chậm chạp và mong manh hiện nay thành sự đình trệ kéo dài về tăng trưởng. Song, hội nghị vừa kết thúc đã đánh dấu một giai đoạn mới với những đổi thay mạnh mẽ của EU nhằm khôi phục niềm tin vào sự phát triển kinh tế của châu lục.