Công thức thành công

Xã hội - Ngày đăng : 07:29, 31/10/2010

(HNM) - Làm thế nào để nhà tuyển dụng lựa chọn hồ sơ của bạn giữa hàng ngàn hồ sơ khác? Làm thế nào để tiếp cận và nắm bắt những cơ hội nghề nghiệp dành cho mình? Liệu có công thức chung cho sự thành công?...

Những thắc mắc đó được các nhà tuyển dụng cao cấp đến từ Ngân hàng HSBC, Công ty Kiểm toán Ernst & Young và Công ty Chứng khoán Thăng Long chia sẻ trong diễn đàn "Làm thế nào để tạo sự khác biệt" do ACCA (Hội nghề nghiệp kế toán, kiểm toán quốc tế tại Việt Nam) phối hợp với các Trường Đại học Ngoại thương, Kinh tế quốc dân, Học viện Ngân hàng vừa tổ chức.

Trong số các vị khách mời, các bạn sinh viên đều rất ngưỡng mộ chàng trai 8x - hiện đang là Giám đốc khối quan hệ khách hàng thuộc Ngân hàng HSBC Việt Nam Trịnh Quang Tân. Điều thú vị hơn khi Tân chia sẻ: "Mình vốn tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin chứ không phải chuyên ngành tài chính ngân hàng. Trước khi đảm nhận vị trí trong Ngân hàng HSBC Việt Nam mình từng là nhân viên công nghệ, chứng khoán, kiểm toán... Nhưng làm thế nào nhận ra thời điểm "nóng" để có thể nắm bắt cơ hội? Câu trả lời nằm ở hai chữ "đam mê". "Khi bạn đam mê một ngành nghề nào, bạn luôn có sự nhạy cảm, tinh tế để nhận ra các cơ hội sẽ đến với mình. Quan trọng nhất là ngay từ đầu, bạn đã phải chuẩn bị sẵn sàng từ tâm lý đến kiến thức để chờ đón cơ hội đó" - Trịnh Quang Tân chia sẻ.

Anh Mạc Quang Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Thăng Long - một trong những công ty chứng khoán hàng đầu Việt Nam cũng cho rằng: "Để tạo sự khác biệt, chính các bạn sinh viên phải "săn đón" các cơ hội bằng cách luôn luôn học hỏi, tích lũy kiến thức từ nhiều môi trường khác nhau và nhất là phải biết dùng đòn bẩy kiến thức bằng cách chia sẻ nó với tất cả mọi người". Để có thành công trước tiên bạn phải có đam mê cộng kiến thức để sẵn sàng giành lấy các cơ hội cho mình.

Anh Phan Vũ Hoàng, Giám đốc Công ty Kiểm toán Ernst & Young cho rằng: Rất nhiều cơ hội mở ra trước mắt nhưng nhiều bạn trẻ lại có tâm lý thụ động "chờ đợi" chứ không "hành động". Chủ động hành động không có gì quá khó, chỉ cần cho nhà tuyển dụng biết bạn là ai, mong muốn được làm việc thế nào. Cũng không nên tự ti rằng mình không học chuyên ngành nên sẽ không có cơ hội thành công.

Hãy bắt đầu cái mới bằng chính sự thất bại của cái cũ và biết vươn lên từ kết quả đã đạt được. Không bao giờ được phép lùi bước và thỏa hiệp với sự thất bại. Cơ hội thành công mở rộng cho tất cả chúng ta khi áp dụng công thức: Đam mê + kiến thức + niềm tin + hành động + ý chí = thành công.

Thành Nam