Bước chân không ngừng nghỉ
Thể thao - Ngày đăng : 07:24, 31/10/2010
Đi rồi về...
Trước năm 2000, ông Hải được đặt biệt danh là "người du mục" vì không làm việc ở đội bóng nào quá một mùa giải. Ông khởi đầu sự nghiệp HLV từ các đội hạng nhất, nơi các nhà quản lý luôn có "tư duy một mùa", thành tích không như ý là sau giải đường ai nấy đi. 5-6 đội đã qua tay ông nhưng không thực sự thành công nên ông… du mục là phải.
HLV Lê Thụy Hải. |
Năm 2002 ông được đội hạng nhất Halida Thanh Hóa mời. Xứ Thanh vốn là đất có truyền thống bóng đá, chỉ vì vấn đề "đầu tiên" mà luôn phải cam chịu nhìn các tỉnh, thành khác tiến lên. Lúc đó, Thanh Hóa đã 7 năm ở hạng nhất. Năm 2002 có sự chuyển biến lớn trong quan điểm của các nhà lãnh đạo tỉnh mà việc mời một HLV tỉnh ngoài là một biểu hiện. Không phụ lòng họ, ông Hải biến đội bóng xứ Thanh "từ chú vịt con xấu xí thành thiên nga". Lối chơi sắc sảo, cầu thủ khát khao chiến thắng, đội bóng thắng như chẻ tre khiến các nhà lãnh đạo và người hâm mộ phấn khởi. Và chuyện phải đến đã đến, "cửa" thăng hạng của đội mở rộng khi chỉ cần hòa với Bình Dương. Đội Bình Dương lúc đó cũng chỉ là… chú vịt con xấu xí, thế nhưng ở trận quyết định ấy, Bình Dương thắng mà nguyên nhân được cho là một số học trò của ông Hải đã "làm kinh tế". Ông Hải cay đắng chia tay đội, về Hà Nội làm HLV cho LG Hà Nội ACB.
Ông trở lại Thanh Hóa lần thứ 2 với vị thế hoàn toàn khác khi đã có quãng thời gian thành công khi làm HLV cho LG Hà Nội ACB, Đà Nẵng, Bình Dương (đoạt 2 chức vô địch quốc gia). Lúc này, các nhà lãnh đạo tỉnh muốn "vực" lại đội Lam Sơn Thanh Hóa sau một mùa thất bại và các cầu thủ trụ cột Bảo Khanh, Phước Tứ, Anh Tuấn, Khánh Lâm chia tay đội, còn các cầu thủ Thể Công vừa khẳng định được vị trí ở mùa giải 2010 cũng "bị" Viettel rút về làm nòng cốt cho đội hạng nhất. Chỉ có Lê Thụy Hải mới vực được bóng đá xứ Thanh - các nhà lãnh đạo tỉnh "quyết" vậy.
Không bị áp lực thành tích
Lần trở lại này, chỉ tiêu của bóng đá xứ Thanh chỉ là trụ hạng, dễ thực hiện hơn là vào nhóm dẫn đầu. Cầu thủ ở đội trẻ đã được đôn lên bổ sung, các cầu thủ cũ của Xi măng Hải Phòng, Hà Nội đã đến thử việc, lực lượng cũ được tinh giản…, trọng trách của ông là "phục dựng" lại đội, truyền hơi thở bóng đá chuyên nghiệp vào thế hệ mới và nâng cấp họ lên. Tuy lực lượng không như ý nhưng dù sao ông Hải vẫn có những cầu thủ nòng cốt như thủ môn ĐTQG Nguyễn Mạnh Dũng, 3 tuyển thủ Olimpic, 1 cựu tuyển thủ U23 VN là Mai Xuân Hợp.
Ông Hải không cho rằng chỉ tiêu trụ hạng của lãnh đạo là không thể không thực hiện được. Thậm chí ông còn lạc quan: "Trụ hạng ư? Tất nhiên rồi nhưng tôi còn muốn thành tích cao hơn thế, trụ hạng ở vị trí trung bình hoặc hơn". Tất nhiên, đấy cũng là thách thức với ông. Nhưng tính ông là vậy, gai góc và thích thách thức.
Ông đã ký với BĐ Thanh Hóa hợp đồng 3 năm. Đây là hợp đồng dài hạn đầu tiên mà ông được ký, giúp ông thực hiện chiến lược dài hơi với rất nhiều giai đoạn, rất nhiều đối tượng tham gia. Và nó có thể cũng chấm dứt cuộc đời du mục của ông vì khi hết hợp đồng, ông đã 68 tuổi, cái tuổi người ta không còn ham chuyện… du mục.