Nhật ký giải cứu tứ trụ Thăng Long

Xã hội - Ngày đăng : 07:21, 31/10/2010

(HNM) -


Vào một ngày kỳ lạ, khi mặt đất rung chuyển, bầu trời đen kịt u ám, vạn vật đổi thay, mọi thứ đổ nát và biến mất, chỉ còn lớp 7A giữa sân trường Thực nghiệm tan hoang. Thánh Gióng hiện lên kêu gọi những học sinh đứng lên đánh bại bóng đen, cứu thế giới, như một định mệnh đã được sắp sẵn và chọn lựa từ trước. 5 nhóm học sinh với 5 nhiệm vụ khác nhau. Giải cứu Linh Lang Đại vương ở đền Voi Phục, Cao Sơn Đại vương đền Kim Liên, Huyền Thiên Trấn Vũ đền Quán Thánh, Thần Long Đỗ đền Bạch Mã và trọng trách cao cả nhất thuộc Hoàng Vận Thiên - người được chọn để đi vào thế giới đen, đánh bại bóng đêm hiện thân của xấu xa giải cứu thế giới.

Với trí tưởng tượng phong phú và lối viết của những câu chuyện giả tưởng hiện đại, Hoàng Giang đã dựng lên những cuộc chiến căng thẳng, hồi hộp, hấp dẫn, gay cấn đến thót tim giữa những anh hùng nhỏ tuổi và những con quái vật kỳ dị nhưng đầy ẩn ý. Một quái nhân khắp người phủ lông xanh lá cây, xen lẫn những vệt đen lốm đốm, đầu nửa phủ lông, nửa cạo trọc, mắt đỏ rực tượng trưng cho thiên nhiên, rừng cây bị con người tàn phá, hủy hoại. Quái vật Chiến tranh với cơ thể được tạo ra từ những mảnh vỡ của súng đạn, gươm đao, của xe tăng, máy bay. Một con kỳ quái đáng sợ nửa thân gấu, nửa thân voi, có đôi cánh của dơi, hàm răng báo, đuôi hổ, bờm sư tử hiện thân của các loài vật bị con người săn bắn, tiêu diệt không thương tiếc. Rồi nữa, Quái vật Cơn Đói và Bóng Đêm chối bỏ hết cảm xúc con người.

Các bạn trẻ đã chiến đấu hết mình, anh dũng hy sinh để cứu 4 vị thần, khôi phục lại sức mạnh, khả năng của Lạc Long Quân và tứ bất tử Liễu Hạnh, Thánh Gióng, Sơn Tinh, Chử Đồng Tử. Đặc biệt nhân vật chính Hoàng Vận Thiên sau khi chiến thắng Bóng Đêm đã hiến thân mình để hồi sinh sự sống cho các bạn.

Khi viết những dòng đầu tiên, Giang chưa định hình được hết diễn biến, hướng đi, cứ vừa nghĩ vừa viết, cốt truyện dần dần xoay chiều. Các vị thần Lạc Long Quân, Chử Đồng Tử, Sơn Tinh, Thánh Gióng… cùng những hình ảnh đặc trưng của dân tộc như chim Lạc, tre ngà… cứ tự nhiên bước vào. Mải mê viết liền trong 7 ngày rồi kiên trì để hai năm sau tác phẩm được xuất bản đúng dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

"Nhật ký giải cứu" ca ngợi tình bạn đoàn kết, trong sáng có thể đánh bại mọi thế lực đen tối, đồng thời chuyển tải mong ước của con trẻ về một thế giới không còn nạn đói, nạn phá rừng, săn bắt thú, chiến tranh… và những thói hư tật xấu.

Trong cuốn "Nhật ký giải cứu", Hoàng Giang còn có thêm một câu chuyện nhỏ "Quái nhân", kể về những đứa trẻ bị tự kỷ. Nhưng không dừng ở đó, cậu bé muốn đẩy cao hơn, xa hơn hình ảnh quái nhân là người có khả năng đặc biệt, rất tài giỏi, có thể nhận biết yêu thương. Kết thúc chuyện, quái nhân đã được mọi người giúp đỡ để hòa đồng với cuộc sống trở thành người bình thường. Câu chuyện như một thông điệp nhẹ nhàng gửi đến cộng đồng, hãy giúp đỡ và gần gũi hơn với những người tự kỷ.

"Nhật ký giải cứu" có thể mang nhiều dấu ấn hồn nhiên, cùng một vài hạn chế của một cây bút tuổi thiếu nhi. Song đây rõ ràng là một dấu hiệu đáng mừng khi giới trẻ đã biết say mê với lịch sử dân tộc và văn học thiếu nhi vốn còn trầm lắng nay hứa hẹn có thêm một cây bút tuổi trăng tròn.

Hà Thu