Đủ lượng nhưng thiếu chất
Văn hóa - Ngày đăng : 07:18, 31/10/2010
Chưa thể xuất khẩu sách nhưng thị trường Việt Nam lại tràn ngập sách nước ngoài. Ảnh: Linh Tâm |
Thời của tiểu thuyết
Năm 1925, "Tố Tâm" của Hoàng Ngọc Phách xuất bản, được coi là cuốn tiểu thuyết hiện đại đầu tiên của Việt Nam. Cũng có nhiều học giả cho rằng cuốn "Truyện thầy Lazaro Phiền" của Nguyễn Trọng Quản xuất bản năm 1887 mới là "đứa con đầu lòng" của tiểu thuyết hiện đại. Dẫu gì, nền tiểu thuyết hiện đại Việt Nam cũng đã có "thâm niên" trên dưới một thế kỷ phát triển.
Nếu trước, tiểu thuyết là thánh đường dành cho những cây bút cứng, những nhà văn đứng tuổi, thì khoảng hai mươi năm trở lại đây người trẻ viết tiểu thuyết không còn là của hiếm. Giữa những năm 1990, những Phạm Thị Hoài, Nguyễn Bình Phương, Hồ Anh Thái, Nguyễn Việt Hà… đã làm nên một thế hệ người viết trẻ cho tiểu thuyết Việt Nam hiện đại. Khoảng mười năm đầu thế kỷ này, các cây viết trẻ về tiểu thuyết hiện đại ngày càng nhiều với đủ mọi đối tượng, kể cả không chuyên. Có thể thấy "Chuyện tình New York" của blogger Hà Kin, "Song Song" của Vũ Đình Giang (vốn là họa sĩ) hay mới đây nhất là "Vắng mặt" của họa sĩ Đỗ Phấn… Lượng tiểu thuyết có mặt trên thị trường sách nhiều đủ để một độc giả thắc mắc không biết chọn cuốn nào khi đi mua sách. Còn nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên thì thốt lên trong một buổi tọa đàm văn học "Không biết viết tiểu thuyết có khó không, mà sao thời nay nhiều tiểu thuyết thế".
Thiếu kết tinh
Nhiều tiểu thuyết ra đời như vậy, nhưng sách của ta khó xuất bản ra nước ngoài. Có lẽ cuốn tiểu thuyết được dịch nhiều nhất, được bạn bè quốc tế biết đến nhiều nhất là "Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh. Tất nhiên, việc khó xuất khẩu văn học do nhiều nguyên nhân, nhưng cái quan trọng vẫn là chưa có những cuốn hay, kiệt xuất có thể vươn tầm thế giới.
Nếu như sau 1986, những Ma Văn Kháng, Bảo Ninh, Lê Lựu, Nguyễn Huy Thiệp đưa tiểu thuyết hiện đại Việt Nam sang một trang mới với những tác phẩm có nội dung sâu sắc về thân phận con người, thì đầu thế kỷ XXI, tiểu thuyết của người trẻ loay hoay với cuộc sống của người đô thị. Không có những tác phẩm mang tính tư tưởng như "AQ", "Linh Sơn" của Trung Quốc hay những tiểu thuyết mang tính triết học như các tác phẩm của tác giả Murakami (Nhật Bản). Phần nhiều tiểu thuyết hiện đang dừng lại ở những băn khoăn, trăn trở của người trẻ. Một vài tác phẩm gây chú ý gần đây không nằm ngoài nội dung ấy. "Chuyện của thiên tài" của Nguyễn Thế Hoàng Linh là những băn khoăn của một thiên tài giả định. "Song Song" của Vũ Đình Giang tuy viết về thế giới đồng tính nhưng cũng là cuộc vật lộn mưu sinh của người trẻ ở đô thị… Về cách thể hiện, PGS-TS Nguyễn Đăng Điệp, Viện phó Viện Văn học Việt Nam cho rằng, tiểu thuyết Việt Nam chưa tìm được dòng ý thức riêng, vẫn sa vào khiếm khuyết cố hữu là văn kể, kỹ thuật viết ít được quan tâm.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhìn nhận sức viết của các tác giả 7X, 8X hiện nay là đáng nể. Song có thể sự nóng vội, vốn sống ít, trải nghiệm ít cũng là một nguyên nhân để tiểu thuyết hiện nay chưa có tính thuyết phục.