ASEAN khẳng định vị thế

Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 06:10, 31/10/2010

(HNM) - Với 11 hội nghị cấp cao chính thức và hàng chục sự kiện liên quan diễn ra trong 3 ngày qua tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình - Hà Nội, Hội nghị Cấp cao ASEAN 17 và các cấp cao liên quan kết thúc thành công chiều 30-10 một lần nữa khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong các tiến trình hợp tác khu vực, đồng thời góp phần đưa vị thế của Hiệp hội lên một tầm cao mới trên trường quốc tế.

Với chủ đề bao trùm "Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn tới hành động", đợt hoạt động đỉnh cao cuối cùng trong năm 2010 này có ý nghĩa quan trọng với nước chủ nhà Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN nói riêng, với tương lai phát triển của cả Hiệp hội nói chung. Làm thế nào để hiện thực hóa mục tiêu hình thành Cộng đồng vào năm 2015, từng bước đưa Hiến chương ASEAN đi vào cuộc sống, mở rộng quan hệ đối ngoại và khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN cũng như đẩy mạnh hợp tác để ứng phó với mọi thách thức toàn cầu là những chủ đề nóng được các nhà lãnh đạo ASEAN bàn thảo tại hội nghị. Quyết tâm này đã được khẳng định rõ trong Tuyên bố chung 67 điểm của Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN 17, được các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua, trong đó đặt trọng tâm ưu tiên xây dựng một Cộng đồng ASEAN tự cường, năng động và hướng tới người dân lên hàng đầu.

Việc các nhà lãnh đạo ASEAN nhất trí thông qua Kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN là một trong những thành công nổi bật tại Cấp cao ASEAN 17. Quyết định này có ý nghĩa quan trọng với ASEAN trong việc đẩy nhanh tiến trình liên kết, hội nhập khu vực cũng như tạo điều kiện tăng cường kết nối ở "sân chơi" rộng lớn hơn là Đông Á. Cùng với đó, hai văn kiện quan trọng là Tuyên bố về phát triển nguồn nhân lực và các kỹ năng cho phục hồi kinh tế và tăng trưởng bền vững và Tuyên bố Hà Nội về tăng cường phúc lợi và phát triển phụ nữ và trẻ em được các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua dịp này cho thấy, ASEAN đang hướng đến và quan tâm đến người dân hơn. Điều quan trọng hơn, nó chứng tỏ "văn hóa thực thi" trong ASEAN đang được phát huy.

Nếu như Cấp cao ASEAN 16 diễn ra tại Hà Nội tháng 4 vừa qua là dịp để ASEAN thúc đẩy hợp tác nội khối, các cuộc gặp cấp cao lần này là cơ hội tốt nhất trong năm để các nhà lãnh đạo ASEAN nhóm họp với lãnh đạo các đối tác. Trong đó phải kể đến cuộc gặp thường kỳ ASEAN+1 với từng đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nga, Australia, New Zealand và Liên hợp quốc; Cấp cao ASEAN+3 với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc; Thượng đỉnh Mekong - Nhật Bản lần thứ 2. Việc các nhà lãnh đạo ASEAN và các đối tác thông qua hàng loạt văn kiện quan trọng như Tuyên bố ASEAN - Trung Quốc về phát triển bền vững; Chương trình hành động đối tác chiến lược ASEAN - Hàn Quốc; Chương trình hợp tác giai đoạn mới ASEAN - Ấn Độ; Tuyên bố chung của ASEAN với Nga, New Zealand, Liên hợp quốc… cho thấy, ASEAN đang là điểm đến hấp dẫn với các đối tác hàng đầu trong khu vực. Điều này còn chứng tỏ các cơ chế đối thoại và tiến trình hợp tác khu vực do ASEAN khởi xướng ngày một góp phần tích cực vào sự hòa bình, ổn định và phát triển chung của khu vực cũng như trên thế giới.

Một sự kiện đáng chú ý trong chuỗi sự kiện lần này là Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 5 (EAS-5). Cuộc tề tựu các nhà lãnh đạo 10 nước ASEAN, 8 quốc gia đối tác để đối thoại về một loạt vấn đề chiến lược cùng quan tâm là một tín hiệu tích cực trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Đặc biệt, sự hiện diện lần đầu tiên của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, với tư cách "khách mời đặc biệt của Chủ tịch Hội nghị" tại EAS-5 thu hút sự quan tâm của dư luận thế giới. Đây là bước chuẩn bị quan trọng cho việc tham gia của lãnh đạo hai nước này vào EAS khi các nhà lãnh đạo EAS vừa chính thức mời Nga và Mỹ tham dự kể từ năm 2011 tại Indonesia. Việc mời Nga, Mỹ tham gia EAS là một quyết sách có ý nghĩa chiến lược của ASEAN trong việc đưa EAS trở thành một diễn đàn hợp tác có tầm mức cao hơn và quy mô rộng lớn hơn ở khu vực, trong đó ASEAN vẫn giữ vai trò chủ đạo và là hạt nhân gắn kết, hài hòa các lợi ích và nhu cầu hợp tác đan xen ở khu vực, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy hợp tác cùng phát triển vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực.

Thật không quá khi nói rằng những ngày qua, dư luận thế giới đổ dồn về Hà Nội, không chỉ vì Hội nghị Cấp cao ASEAN 17 và các hội nghị cấp cao liên quan, mà còn thu hút bởi hàng loạt chuyến thăm cấp cao song phương và gặp gỡ bên lề. Tất cả điều đó đã nói lên vai trò và những đóng góp tích cực của nước chủ nhà Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2010. Một chuyên gia nghiên cứu của Mỹ nhận định: "ASEAN là một gia đình cực kỳ quan trọng đối với các thành viên và những nước láng giềng. Hiệp hội này có khả năng đóng một vai trò trung tâm trong bất kỳ cơ cấu khu vực châu Á nào. Việc có một cơ sở vững chắc trong ASEAN là chìa khóa cho sự ổn định các quan hệ với những đối tác lớn toàn cầu".

Đình Hiệp