Hiện tượng lạ và giải pháp

Xã hội - Ngày đăng : 07:37, 30/10/2010

(HNM) - Theo công bố mới nhất của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) của Việt Nam (qua phân tích từ kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009) đang gia tăng nhanh chóng và có những khác biệt được xem là


Hậu quả của sự thừa nam, thiếu nữ sẽ kéo theo những hệ lụy về văn hóa, kinh tế, xã hội, thậm chí dẫn tới những bất ổn về an ninh, chính trị. Phóng viên Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ông Bruce Campbell, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam nhằm làm rõ hơn về vấn đề này.

- Xin ông cho biết về những điểm được nhận định là "phức tạp" về sự gia tăng của TSGTKS ở Việt Nam mà UNFPA vừa đưa ra?


Tình trạng mất cân bằng về tỷ lệ nam - nữ của Việt Nam trong những năm
gần đây khá cao.Ảnh: Thu Giang


- TSGTKS được tính bằng số trẻ nam sinh ra trên số 100 trẻ nữ. TSGTKS hiện nay của Việt Nam là 110,6 cao hơn đáng kể so với chuẩn sinh học bình thường (105 trẻ nam/100 trẻ nữ). Mặc dù TSGTKS của các quốc gia khác cao hơn như Ấn Độ là 112, Trung Quốc là 120 và Azerbaijan là 117, nhưng Việt Nam lại có mức tăng nhanh chóng trong vòng 5 năm trở lại đây nên thu hút sự quan tâm chú ý của thế giới. Bên cạnh đó, so với các quốc gia khác thì TSGTKS của Việt Nam phức tạp, đi kèm với một số đặc điểm rất khác biệt. Nó khác biệt theo vùng địa lý, như Đồng bằng sông Hồng cao nhất với 115,4 trẻ nam/100 trẻ nữ; khu vực Tây Nguyên thấp nhất là 105,6/100. Rồi ngay trong khu vực Đồng bằng sông Hồng cũng có những điểm khác biệt, khu vực nông thôn TSGTKS là 117,1 trẻ nam/100 trẻ nữ, cao hơn thành thị (111,5/100). Cũng là vùng đồng bằng, nhưng khi nghiên cứu ở Đồng bằng sông Cửu Long lại cho kết quả ngược lại, thành thị (113,8/100) cao hơn nông thôn (109,1/100). Một kết quả khiến chúng tôi khá bất ngờ là TSGTKS cao nhất lại không phải ở các thành phố có mức đô thị hóa cao như Hà Nội, Hải Phòng mà lại ở các tỉnh nông nghiệp Hưng Yên, Bắc Giang.

Ở Việt Nam, ngay trong lần mang thai thứ nhất cũng đã có rất nhiều cặp vợ chồng thực hiện lựa chọn giới tính trước sinh và sự lựa chọn này được nhắc lại cao nhất ở lần sinh thứ ba trở lên. Và tất nhiên TSGTKS ở những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả thường cao hơn cả - nhóm giàu nhất là 112,9/100; nhóm nghèo nhất dừng lại ở mức bình thường, 105,1/100. Đáng chú ý là TSGTKS chênh lệch theo trình độ hiểu biết. Phụ nữ có trình độ học vấn càng cao thì TSGTKS càng tăng cao, (phụ nữ có trình độ cao đẳng trở lên TSGTKS là 113,9/100; phụ nữ không biết chữ lại gần với mức sinh học bình thường 107,4/100)… Đó chính là những điểm "phức tạp" về sự gia tăng của TSGTKS ở Việt Nam mà chúng tôi muốn nói tới.

- TSGTKS gia tăng, sự khan hiếm phụ nữ trong tương lai liệu có đẩy họ lên vị thế mới như lấy lại sự bình đẳng không thưa ông?

- Tôi nghĩ là không. Bằng chứng là mất cân bằng giới tính khi sinh thể hiện sự bất bình đẳng giới, nghĩa là giới nữ đã bị phân biệt đối xử, hạ thấp ngay từ khi chưa chào đời. Khi trưởng thành, sống trong điều kiện chênh lệch nam nữ thì họ dễ trở thành mục tiêu để nam giới tranh giành, gây bất ổn trong xã hội, vấn nạn buôn bán phụ nữ, số vụ bạo hành gia đình tăng...

- UNFPA đưa ra những cảnh báo gì cho tương lai về TSGTKS của Việt Nam và giải pháp nào để cải thiện bức tranh mất cân bằng giới tính khi sinh?

- Đã có 3 kịch bản được ra trong ấn phẩm mới với tựa đề "Mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam: Bằng chứng từ Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009" của tác giả TS.Christophe Z.Guilmoto, nhà nhân khẩu học có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu về TSGTKS tại Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam.

Với kịch bản thứ nhất "Không can thiệp", TSGTKS toàn quốc sẽ lên đến 115/100 vào năm 2015 và chắc chắn không dừng lại ở đó, giai đoạn 2009-2049 sẽ dư thừa 12% nam giới. Kịch bản thứ hai giả định có các chương trình và chính sách can thiệp mạnh mẽ để giải quyết sự mất cân bằng TSGTKS; làm sao đó để con số TSGTKS của năm 2015 lùi thời điểm đến tận năm 2020 mới chạm mốc là 115, sau đó quay lại tỷ số cân bằng sinh học vào năm 2030. Theo kịch bản này, tỷ số giới tính với nhóm dân số ở tuổi trưởng thành vào năm 2044 sẽ là 110 trẻ nam /100 trẻ nữ, rồi dần dần quay lại mức cân bằng sinh học. Kịch bản thứ ba, giả định giữ được TSGTKS ở mức ổn định là 105 trong suốt giai đoạn 1999 - 2049. Kết quả là nửa đầu thế kỷ XXI, tỷ lệ nam giới sẽ không tăng.

Theo tôi, ở Việt Nam sẽ theo kịch bản thứ hai. Để TSGTKS có thể trở về mức cân bằng, Việt Nam cũng cần tham khảo một số nước tương tự với mình trong khu vực, đặc biệt là Hàn Quốc đã thành công trong việc đưa TSGTKS trở lại ngưỡng tự nhiên. Vấn đề này không thể giải quyết một sớm một chiều, vì vậy phải sử dụng kết hợp nhiều biện pháp can thiệp và phải mất thời gian để có thể thay đổi hành vi của mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng dân cư.

- Xin cảm ơn ông!

Vân Nga