Khẳng định vị thế Hà Nội
Xã hội - Ngày đăng : 07:17, 30/10/2010
..
Đô thị trung tâm sẽ phát triển hai bên sông Hồng
Trục không gian Hồ Tây - Cổ Loa là trục cảnh quan chính của trung tâm thành phố.
Ảnh: Thu Giang
Theo dự thảo mới nhất về quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội của Bộ Xây dựng, đô thị trung tâm sẽ phát triển hai bên sông Hồng, lấy sông Hồng kết hợp với trục không gian Hồ Tây - Cổ Loa làm trục cảnh quan chính của trung tâm thành phố (TP). Phía Nam đô thị trung tâm phát triển đến đường Vành đai 4, phía Bắc gồm khu vực Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm và Long Biên. Đáng lưu ý, khu vực nội đô lịch sử (giới hạn từ Nam sông Hồng đến Vành đai 2) dân số sẽ phải giảm từ 1,2 triệu người xuống 0,8 triệu người. Quy hoạch xác định đây là khu vực bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long cổ, lối sống truyền thống của người Hà Nội. Vì vậy, sẽ hạn chế phát triển và kiểm soát gia tăng dân số cơ học; được cải tạo, chỉnh trang, sắp xếp lại các chức năng sử dụng đất, hoàn thiện hệ thống hạ tầng, kiến trúc cảnh quan, bảo vệ môi trường. Đặc biệt, với quỹ nhà tập thể cũ sẽ được cải tạo, chỉnh trang hoặc xây dựng lại đồng bộ, hiện đại, phù hợp cảnh quan khu vực theo hướng hạn chế phát triển dân số, tăng diện tích cây xanh, bãi đỗ xe, khuyến khích người dân di dời đến nơi ở mới.
Ở khu vực nông thôn, đáng chú ý là việc hình thành 3 thị trấn sinh thái Phúc Thọ, Quốc Oai, Chúc Sơn phát triển làng nghề, du lịch sinh thái - văn hóa lịch sử, nông nghiệp công nghệ cao.
Ba Đình là trung tâm đầu não chính trị
Tiếp thu các ý kiến góp ý trước đó, dự thảo quy hoạch chung xây dựng Hà Nội khẳng định Ba Đình là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia và Hồ Gươm là trung tâm chính trị - hành chính cấp TP. Đồng thời, các trung tâm văn hóa cấp quốc gia và TP sẽ gắn với trục không gian cảnh quan Hồ Tây - Cổ Loa, Hồ Tây - Vân Trì - Đền Sóc, Hồ Tây - Ba Vì và khu vực Tây Hồ Tây, kết hợp với chỉnh trang công trình văn hóa hiện hữu. Các trung tâm dịch vụ, tài chính, thương mại gắn với các khu đô thị mới, tuyến giao thông chính đô thị, nhà ga đầu mối giao thông (Hà Đông, Đan Phượng, Hoài Đức, Thường Tín, Thanh Trì)... Với việc xác định trung tâm chính trị - hành chính tại Ba Đình, quy hoạch phân bố các cơ quan Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ sẽ đặt tại khu vực Ba Đình. Các công sở cấp TƯ ở lại nội đô được cải tạo nâng cấp đáp ứng nhu cầu làm việc. Công sở phải di dời được xây mới tại khu vực Mễ Trì, Mỹ Đình hoặc Tây Hồ Tây theo mô hình tập trung, liên cơ quan. Tương tự, trụ sở Thành ủy, HĐND, UBND TP bố trí tại khu vực Hồ Gươm; các cơ quan thành phố bố trí theo mô hình hợp khối và xác định vị trí thích hợp tại khu vực nội đô.
Xây mới các tuyến cao tốc và tuyến hướng tâm
Với mô hình chùm đô thị, TP Hà Nội sẽ hình thành các tuyến cao tốc và tuyến hướng tâm kết nối trực tiếp với Hà Nội có quy mô 6 - 8 làn xe, hành lang tuyến 100 - 110m. Cụ thể, tuyến cao tốc Bắc - Nam, Đại lộ Thăng Long đi Hòa Bình, Đường cao tốc phía Tây (đường Hồ Chí Minh), cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Nội Bài - Hạ Long, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Thái Nguyên. Đồng thời, các quốc lộ (QL) hướng tâm như QL1, QL2, QL3, QL5, QL6, QL32 được cải tạo, nâng cấp, mở rộng.
Về hệ thống đường vành đai, Hà Nội có Vành đai 1 (Cầu Giấy - Trần Khát Chân) dài 10,2km, quy mô 6 - 8 làn xe. Vành đai 2, dài 44km, quy mô 10 làn xe, trong đó đoạn Cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở quy mô đường 2 tầng. Vành đai 3, dài 65km, quy mô 10 - 12 làn xe, trong đó đoạn Cầu Thăng Long - Cầu Thanh Trì quy mô đường cao tốc đô thị trên cao 4 làn xe. Vành đai 3,5 chạy dọc theo chuỗi đô thị phía Đông Vành đai 4, hoàn thiện đường 5 kéo dài từ cầu Chui - Đông Trù (Đông Anh) đến đường Bắc Thăng Long - Nội Bài và Mê Linh tạo thành tuyến giao thông đô thị xương sống cho các khu đô thị mới Mê Linh - Đông Anh, Long Biên - Gia Lâm. Vành đai 4 quy mô đường cao tốc 6 - 8 làn xe, rộng 12m và Vành đai 5, quy mô 4 - 6 làn xe sẽ liên kết các tuyến hướng tâm từ cảng hàng không quốc tế Nội Bài và các đô thị vệ tinh, đô thị đối trọng kết nối trực tiếp với Hà Nội.
Các tuyến hướng tâm được xác định, gồm Tây Thăng Long - Sơn Tây, đường 32, trục Hồ Tây - Ba Vì, đại lộ Thăng Long, Hà Đông - Xuân Mai, Ngọc Hồi - Phú Xuyên. Như vậy, trục đường gây nhiều tranh luận thời gian qua là Hồ Tây - Ba Vì vẫn được Bộ Xây dựng đưa vào dự thảo.
Hà Nội sẽ có 8 tuyến đường sắt đô thị, tổng chiều dài 284km, gồm 5 tuyến đã được phê duyệt và 3 tuyến đề xuất mới là Nội Bài - Phú Diễn - Hà Đông - Ngọc Hồi, Mê Linh - An Khánh - Dương Nội, Mai Dịch - Yên Sở - Lĩnh Nam - Dương Xá. Khu vực nội đô sẽ có 6 tuyến tàu điện ngầm. Ga Hà Nội trở thành tổ hợp trung tâm thương mại dịch vụ đô thị đa năng hiện đại và là đầu mối trung chuyển hành khách giữa các tuyến đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia.
* Các trung tâm đào tạo mới, gồm khu vực Gia Lâm 5-6 vạn sinh viên ngành nông nghiệp, kỹ thuật; Sóc Sơn 8-10 vạn sinh viên ngành kỹ thuật, công nghệ; Sơn Tây 4-5 vạn sinh viên ngành văn hóa, nghệ thuật, xã hội, quân sự; Hòa Lạc 12-15 vạn sinh viên ngành nghiên cứu cơ bản, công nghệ, kỹ thuật cao; Xuân Mai 8-10 vạn sinh viên ngành kinh tế, tài chính, kỹ thuật; Phú Xuyên 1,5 - 2 vạn sinh viên ngành kỹ thuật, công nghệ; Chúc Sơn 2-3 vạn sinh viên ngành thủy lợi, giao thông, sư phạm. * Hình thành các tổ hợp công trình y tế chất lượng cao tại Gia Lâm - Long Biên, Hòa Lạc, Sóc Sơn, Thường Tín - Phú Xuyên, Sơn Tây. Di chuyển cơ sở điều trị bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ra khỏi nội đô; xây dựng cơ sở 2 cho các bệnh viện TƯ và TP tại các tổ hợp trên. * Đóng cửa các nghĩa trang Vạn Phúc (Hà Đông), Xuân Đỉnh (Từ Liêm), Mai Dịch 1, Yên Kỳ 1 từ năm 2013. Nghĩa trang Văn Điển chỉ duy trì hỏa táng. Đóng cửa các nghĩa trang phân tán trong khu vực nội đô, trồng cây xanh cách ly. Mở rộng và xây mới 10 nghĩa trang tập trung phục vụ khu vực Mê Linh, Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm, Phú Xuyên, Thạch Thất, Ba Vì. |