Bảo vệ môi trường Hà Nội: Giải pháp đồng bộ
Xã hội - Ngày đăng : 07:32, 29/10/2010
Hồ Thủ Lệ sau khi được cải tạo. Ảnh: Trà My |
Quyết liệt cứu sông, hồ
Những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn như ngân sách Nhà nước, vốn ODA, vốn xã hội hóa, Hà Nội đã triển khai nhiều dự án cải tạo sông, hồ nhằm BVMT và cảnh quan, chống úng ngập. Thành phố cũng tập trung triển khai nhiều dự án quy hoạch, xây dựng các trạm bơm, trạm xử lý nước thải và nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao nhằm góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng xanh-sạch-đẹp, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Một trong những dự án được triển khai sớm và có quy mô lớn là dự án thoát nước cải thiện môi trường Hà Nội - giai đoạn I, sử dụng vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản. Dự án này được triển khai chỉ ít năm sau khi Nhật Bản nối lại viện trợ ODA cho Việt Nam (năm 1992), với các hạng mục chính là tu bổ, cải tạo sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét; nạo vét, cải tạo hồ Giảng Võ, Thanh Nhàn, Thành Công và Thiền Quang; xây dựng trạm bơm Yên Sở và 2 trạm xử lý nước thải Trúc Bạch, Kim Liên. Giai đoạn I của dự án sau khi hoàn thành và đưa vào khai thác đã góp phần tích cực cải thiện môi trường nước và chống úng ngập cho Hà Nội. Theo đánh giá của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), giai đoạn I của dự án hoàn thành, tình hình úng ngập trên địa bàn đã giảm đáng kể. JICA đã thực hiện điều tra xã hội học với đông đảo người dân Hà Nội. Kết quả, có tới 70% ý kiến được hỏi cho rằng đã giảm ngập lụt; 69% ý kiến cho biết giảm thiểu những bệnh phát sinh từ nước; 74% ý kiến nói giảm mùi ô nhiễm…
Nhận thức được trách nhiệm của mình, thời gian qua, các doanh nghiệp (DN) đã tích cực tham gia công tác BVMT thông qua phương thức xã hội hóa cải tạo hồ theo lời kêu gọi của Thành ủy, UBND TP Hà Nội. Chỉ trong thời gian ngắn, hàng trăm tỷ đồng đã được các DN như Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam, Công ty CP Him Lam, Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam… đầu tư để cứu hàng chục hồ đang bị ô nhiễm nặng như Thạch Bàn 1, Thạch Bàn 2, hồ Phương Liệt, hồ Vục, hồ Sen… Các hồ sau khi được cải tạo đã sạch đẹp hơn, trở thành điểm sinh hoạt công cộng của nhân dân.
Không còn úng ngập khi có mưa lớn
Để môi trường Thủ đô ngày càng xanh-sạch-đẹp cần có chiến lược đồng bộ. Giai đoạn II của dự án thoát nước cải thiện môi trường Hà Nội đã sớm được triển khai với nhiều hạng mục quan trọng như: tu bổ các dòng mương nối với sông chính nhằm tăng khả năng thoát nước; tu bổ các hồ chính (hồ Me, Hào Nam, Đống Đa, Bảy Mẫu, Tân Mai, Định Công, Linh Đàm…); xây dựng trạm xử lý nước thải hồ Bảy Mẫu công suất 13.300m3/s và mở rộng, nâng công suất trạm bơm Yên Sở lên 90m3/s… Mục tiêu của dự án là vài ba năm tới Hà Nội sẽ không còn úng ngập khi phải hứng chịu những trận mưa lớn. Nước trên sông, hồ sẽ xanh hơn, sạch hơn và bớt ô nhiễm.
Nằm trong chương trình BVMT Hà Nội, mới đây, Công ty CP Tiến bộ Quốc tế-AIC đã khởi công xây dựng nhà máy xử lý rác sinh hoạt lớn nhất Việt Nam. Nhà máy này có công suất 2.000 tấn/ngày-đêm tại Khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, với tổng mức đầu tư khoảng 140 triệu USD, chia làm 2 giai đoạn. Nhà máy được xây dựng với công nghệ tiên tiến, bảo đảm các tiêu chuẩn môi trường của Việt Nam, không gây ô nhiễm thứ cấp, sản xuất ra nhiều sản phẩm: phân compost, các vật liệu tái chế sử dụng được, vật liệu san lấp và phần phế thải sau xử lý còn lại phải chôn lấp nhỏ hơn hoặc bằng 10% lượng rác đầu vào.
Với một chiến lược tổng thể, đồng bộ, những nỗ lực của các cấp chính quyền, người dân Thủ đô, chắc chắn Hà Nội sẽ xanh-sạch-đẹp hơn.