Chính sách cấm vận của Mỹ chống Cuba: Phi lý và lỗi thời
Thế giới - Ngày đăng : 06:56, 29/10/2010
Những khu kiến trúc cổ ở Cuba thu hút du khách ở khắp nơi trên thế giới. |
Đây là năm thứ 19 liên tiếp Đại hội đồng LHQ thông qua nghị quyết này, phản ánh sự phản đối ngày càng tăng của thế giới về hành động của Mỹ nhằm cô lập Cuba. Điều đáng chú ý là tỉ lệ nước ủng hộ nghị quyết thúc giục Mỹ chấm dứt cấm vận Cuba tăng dần qua từng năm, điều này càng chứng tỏ chính sách cấm vận của Mỹ chống Cuba là phi lí, vô nhân đạo và lỗi thời.
Việt Nam phản đối việc bao vây cấm vận chống Cuba Ngày 28-10, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga khẳng định: "Là bạn của nhân dân Cuba, nhân dân Việt Nam luôn ủng hộ công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước của nhân dân Cuba anh em. Việt Nam phản đối bất cứ một lệnh bao vây cấm vận đơn phương của quốc gia này áp đặt lên quốc gia khác, đồng thời ủng hộ các nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc đòi Hoa Kỳ chấm dứt bao vây cấm vận chống Cuba. Việt Nam cho rằng mọi khác biệt giữa Mỹ và Cuba cần được giải quyết thông qua đối thoại và đàm phán, trên tinh thần tôn trọng độc lập và chủ quyền của nhau". |
Một báo cáo của Văn phòng Kế toán Chính phủ Mỹ (GAO) cho biết, lệnh cấm vận của Mỹ chống Cuba được xem là gây thiệt hại nặng nề nhất trong số 20 lệnh cấm vận áp đặt với các nước khác. Đây là cuộc cấm vận toàn diện, tàn bạo và dài nhất trong lịch sử với một đất nước có chủ quyền. Toàn diện, vì ngay từ năm 1962, Tổng thống Kennedy đã quyết định cấm hoàn toàn các hoạt động thương mại với Cuba, cấm nhập vào Mỹ tất cả hàng hóa làm từ các vật liệu có xuất xứ từ Cuba, thậm chí ngay cả khi hàng hóa đó được làm từ nước khác. Cuba đã nhiều lần tuyên bố lệnh bao vây, cấm vận của Mỹ là sự vi phạm trắng trợn, nghiêm trọng và có hệ thống luật pháp quốc tế và nhân quyền không chỉ của người dân Cuba và các thương gia Mỹ, mà còn của cả các nước thứ ba muốn làm ăn với Cuba.
Theo thống kê của Chính phủ Cuba, thiệt hại kinh tế do cấm vận của Mỹ gây ra cho Cuba từ năm 1962 tới nay lên đến 751 tỷ USD. Chính sách cấm vận cũng là hành động chiến tranh kinh tế theo Tuyên bố về các luật chiến tranh hải quân được thông qua năm 1909. Kể từ khi cầm quyền (2009), Tổng thống Mỹ Barack Obama cam kết tìm kiếm "sự khởi đầu mới với Cuba" như nới lỏng quy định về việc thăm và chuyển tiền đến Cuba nhưng chính sách cấm vận cho đến nay vẫn tiếp tục được duy trì và bao vây kinh tế còn siết chặt hơn trong năm 2010.
Giải thích cho hành động tiếp tục duy trì lệnh cấm vận, bất chấp sự lên án của cộng đồng quốc tế, đại diện Mỹ tại LHQ nói rằng, Washington sẽ chỉ cân nhắc vấn đề này khi La Habana có những thay đổi về chính trị, kinh tế và tài chính. Thiệt hại của Cuba trong 47 năm bị bao vây, cấm vận quá lớn. Nhưng nhiều người Mỹ lại cho rằng nước Mỹ phải trả giá lớn hơn so với Cuba. Các công ty Mỹ bị thiệt hại vì không làm ăn được với Cuba, chưa kể những cơ hội kinh doanh lớn ở Cuba trong tương lai, đặc biệt trong lĩnh vực dầu khí. Cuba mới phát hiện những mỏ dầu có trữ lượng lớn - thứ mà Mỹ rất cần. Về mặt chính trị, chính sách cấm vận chống Cuba đã khiến Washington mất vị trí ngay tại khu vực từng được coi là "sân sau" của Mỹ, là chướng ngại vật lớn nhất trên con đường cải thiện quan hệ của Mỹ với các nước Mỹ Latinh.
Bất chấp sự bao vây, cấm vận kéo dài của Mỹ, Cuba - hòn đảo XHCN - vẫn hiên ngang tồn tại, phát triển. Theo đánh giá của người Mỹ và các tổ chức quốc tế, Cuba đã đạt được một số thành tựu về xã hội hơn hẳn nước Mỹ như bảo vệ sức khỏe toàn dân, giáo dục đại học và phổ thông, bảo đảm lương thực, thực phẩm và các tiện nghi sinh hoạt tối thiểu. Nhiều chính sách đổi mới đang được Cuba thực hiện là kết quả của các khát vọng của nhân dân Cuba và các quyết định chủ quyền này được nhân dân thông qua.