Bứt phá sau khủng hoảng

Kinh tế - Ngày đăng : 07:47, 28/10/2010

(HNM) - Khi nền kinh tế phục hồi, thử thách với doanh nghiệp (DN) là sức ép về đổi mới cơ cấu, theo đó phải thay đổi tư duy quản trị DN, phương hướng sản xuất kinh doanh và đặc biệt cần tính bứt phá cao.


Dây chuyền sản xuất tại Công ty cổ phần Dệt 10-10. Ảnh: Linh Tâm

Thời gian qua, các DN trong nước đã phải đối phó với "cơn bạo bệnh" khủng hoảng, suy giảm kinh tế. Song cùng với những biện pháp hỗ trợ mạnh của Chính phủ, nhất là chính sách hỗ trợ lãi suất, DN đã vượt qua cơn lạm phát và suy giảm; đặc biệt các DN đã thể hiện được tính năng động, khả năng thích nghi của mình. Phần lớn DN đã trụ vững trong điều kiện suy thoái kinh tế và với gần 80.000 DN được thành lập mới trong giai đoạn kinh tế đầy biến động này. Một số DN không chỉ trụ vững mà còn đổi mới cơ cấu, mạnh dạn vươn ra thế giới mở rộng thị trường và khẳng định thương hiệu của mình. Tuy nhiên, những khó khăn trong giai đoạn hậu khủng hoảng còn tăng bởi sự cạnh tranh khốc liệt hơn, khi các DN không chỉ trong nước mà cả các DN nước ngoài từng bước phục hồi và phát triển.

Theo các chuyên gia, khi nền kinh tế phục hồi, vấn đề hàng đầu của các DN không còn là trụ vững, mà cần tính bứt phá rất cao. Như vậy, sức ép sàng lọc sẽ được thể hiện rất rõ. Vì vậy, cải cách, tái cơ cấu sau khủng hoảng là "mệnh lệnh" của nền kinh tế để nâng cao năng lực cạnh tranh hướng vào sự phát triển bền vững, mà các DN là "nòng cốt" trong vấn đề này. Việc tái cấu trúc lại DN phải xoay quanh 4 điểm nhấn chiến lược là nhân lực, kỹ thuật, tài chính và thị trường. Đặc biệt, việc tái cấu trúc lại DN phải chọn đúng thời điểm "thiên thời, địa lợi, nhân hòa", nếu không sẽ rơi vào tình trạng bị động, như một số DN đã từng thất bại. Tuy nhiên, để có thể chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế cũng như tái cấu trúc DN, bên cạnh sự nỗ lực của mỗi DN, ngành chức năng cần sớm xây dựng chiến lược tái cấu trúc nền kinh tế, xác định được những lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh, trên cơ sở đó từng DN sẽ xác định hướng tái cấu trúc. Cũng theo các chuyên gia, tái cấu trúc DN không chỉ làm mạnh phần "xác", mà cần phải làm cả phần "hồn". Trên các phương tiện thông tin đại chúng đã nói nhiều đến các cụm từ văn hóa DN, thương hiệu, đạo đức DN, trách nhiệm cộng đồng… Đó là những gì cấu thành sự sống còn của DN. Câu chuyện tái cấu trúc lại DN là chuyện hệ trọng của những người đứng đầu DN.
Để việc tái cấu trúc DN đạt hiệu quả, Chính phủ cần chỉ đạo ngành chức năng phối hợp cùng các DN đầu tư có trọng điểm để tái cấu trúc DN, trên cơ sở đổi mới thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN trên thị trường, nhất là thị trường nước ngoài. Ngoài việc đẩy mạnh thị trường xuất khẩu, các DN cần có biệp pháp chiếm lĩnh thị trường nội địa. Vì trong điều kiện hiện nay, thị trường ở nước ta đã "mở", không phải là thị trường biệt lập, nên sự cạnh tranh của DN tại thị trường trong nước và trên thị trường thế giới trong một chừng mực nào đó cũng như nhau. Nhận thức được vấn đề này, các DN đã hưởng ứng có hiệu quả phong trào "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam" do Bộ Chính trị phát động. Ngành dệt may và ngành da giày là những điển hình về khả năng trụ vững trong thời buổi kinh tế khó khăn. Hai ngành này đều có thị trường xuất khẩu lớn, nhưng vẫn chú trọng phát triển thị trường nội địa, với mạng lưới phân phối rộng khắp cả nước.

Có thể nói, các DN đã góp phần rất quan trọng trong việc "giải cứu" nền kinh tế vượt qua "đáy" của khủng hoảng. Việc ưu tiên đầu tư để giải tỏa "nút thắt" tăng trưởng là cần thiết, vì thế hơn bao giờ hết các DN cần tái cấu trúc để bứt phá nhằm đủ sức gánh trọng trách này.

Thắng Ngọc