Nhiều nghịch lý trên thị trường lao động

Đời sống - Ngày đăng : 07:04, 28/10/2010

(HNM) - Sàn giao dịch việc làm tại các trung tâm giới thiệu việc làm vẫn còn xa lạ với người lao động (NLĐ). Thực tế này thể hiện rất rõ khi mỗi địa phương được đầu tư 5-7 tỷ đồng cho công tác này nhưng tỷ lệ tìm việc qua sàn chỉ đạt 14%; người sử dụng lao động tìm đến sàn giao dịch cũng chỉ đạt 16,4%.

Doanh nghiệp khó tuyển, NLĐ thất nghiệp

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, từ năm 2007, Bộ đã chỉ đạo các địa phương chuyển từ tổ chức hội chợ việc làm hằng năm sang tổ chức các hoạt động sàn giao dịch việc làm (gọi tắt là sàn) định kỳ, thường xuyên tại các trung tâm giới thiệu việc làm. Tính đến nay, cả nước có 44 sàn đang hoạt động với tần suất 1 phiên/tháng. Nhiều trung tâm tổ chức với tần suất 1 đến 3 phiên/tháng.

Người lao động xem thông tin tuyển dụng tại một sàn giao dịch việc làm. Ảnh: Nguyệt Ánh

Tuy nhiên, sau nhiều năm hoạt động, các sàn đã bộc lộ nhiều bất cập. Nhiều sàn cả năm chỉ hoạt động một lần, nhiều sàn hoạt động khá đều đặn nhưng nặng về hình thức, đối phó, chưa chuyên nghiệp, chưa chặt chẽ trong kết nối hệ thống, thiếu quy mô chuẩn. Vì vậy mới chỉ đáp ứng được khoảng 10-15% nhu cầu thực tế về tư vấn và giải quyết việc làm. Trung bình mỗi năm có khoảng 400.000 NLĐ được giới thiệu việc làm. Nhưng trong đó chỉ có khoảng 30% lao động được đào tạo nghề (chỉ dừng lại ở đào tạo nghề phổ thông).

Ông Vũ Trung Chính, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội đánh giá thực trạng chung của sàn giao dịch việc làm là nhiều doanh nghiệp rất khó khăn khi tuyển dụng lao động, trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp hiện nay vẫn cao. Vì thế nên dù đã hoạt động khá lâu nhưng các sàn giao dịch việc làm vẫn chưa thu hút được các doanh nghiệp, đơn vị có uy tín, do đó để thu hút được những lao động có trình độ tay nghề cao hay đã được đào tạo bài bản là rất khó khăn. Chị Trần Thanh Hoa, đang làm kế toán cho một công ty xây dựng muốn chuyển đổi nghề nghiệp, tìm đến sàn việc làm Hà Nội đã lắc đầu ngán ngẩm vì các doanh nghiệp thường chỉ trả lương thấp, hoặc là doanh nghiệp TNHH, không bền vững… Chị Hoa cho biết sau khi tìm kiếm công việc tại một số sàn giao dịch việc làm không thành công, chị đành chấp nhận làm tiếp công việc mà chị gắn bó bấy lâu.

Có nhặt được "sạn"?

Tồn tại những bất cập nêu trên, theo Bộ LĐ-TB&XH là do công tác phân tích thông tin thị trường lao động còn nhiều hạn chế, chưa có đánh giá sâu về thị trường lao động tại các địa phương. Bên cạnh đó, các dữ liệu đầu vào chủ yếu phục vụ cho dự báo đơn giản ở cấp vĩ mô, thiếu các dữ liệu cho việc dự báo thị trường lao động cấp vi mô, trong ngắn hạn và dài hạn. Ngoài ra, thiếu nghiêm trọng các dự báo cụ thể về nhu cầu nguồn nhân lực theo số lượng, ngành nghề, trình độ, kỹ năng... Vì vậy, doanh nghiệp và NLĐ rất khó tìm thấy điểm chung khi NLĐ không có việc làm, còn doanh nghiệp vẫn khó khăn trong tuyển dụng. Một hiện tượng khác khiến các nhà quản lý lo lắng là một số địa phương sử dụng vốn đầu tư chưa đúng mục đích; đội ngũ cán bộ thuộc lĩnh vực này thiếu cả về số lượng và sự chuyên nghiệp.

Một trong những phương pháp được đánh giá cao để sàn giao dịch việc làm tốt hơn, đó là tư vấn doanh nghiệp và NLĐ tốt, tổ chức các buổi "hướng nghiệp cho sinh viên" có thể giúp cho nhiều sinh viên kỹ năng "mềm", tổng hợp kỹ năng ứng xử khi làm việc theo nhóm… để tránh những khó khăn khi tìm việc làm. Lập được một đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp hoặc đa dạng hóa các hình thức tổ chức hoạt động và công tác tuyên truyền cho lĩnh vực này cũng là một trong những điểm đáng lưu ý.

Công tác quản lý yếu kém cũng là nguyên nhân chính tạo nên những "hạt sạn" của các sàn. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, các cơ quan liên quan phải ráo riết hơn nữa để đến năm 2015 sẽ có 30% lao động đến tìm việc ở các trung tâm giới thiệu việc làm; đến năm 2015 con số đó sẽ tăng lên 30% và 40% vào năm 2020. Bên cạnh đó, phải hình thành mạng trực tuyến kết nối giữa cổng thông tin điện tử việc làm quốc gia với 63 website tỉnh, thành trên toàn quốc. Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngân, các cơ quan liên quan đang tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động dịch vụ việc làm; quy hoạch triệt để hệ thống trung tâm; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị hoạt động. Bên cạnh đó là xây dựng chương trình đào tạo, chuyên nghiệp hóa đội ngũ cán bộ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thu hút người sử dụng lao động và lao động đến với trung tâm.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cũng yêu cầu các cơ quan chức năng của Bộ cần tiến hành nhiều giải pháp nhằm phát huy hiệu quả của các sàn giao dịch việc làm cũng như nâng cao năng lực dự báo thị trường lao động. Điều quan trọng hơn cả là cần xem xét một cách toàn diện vấn đề lao động trong dài hạn của Việt Nam. Nếu không thực hiện tốt những mục tiêu đã đặt ra, e rằng sự lãng phí sẽ kéo dài và tình trạng thất nghiệp sẽ không thể cải thiện được.

Hoàng Hà