Hà Nội chuẩn bị phát triển hệ thống VTHKCC thông minh

Đời sống - Ngày đăng : 21:20, 27/10/2010

(HNMO) – Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng, kéo theo đó là sự bùng nổ các phương tiện đi lại và hệ lụy của nó việc ùn tắc giao thông. Phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) thông minh chính là một trong những “cứu cánh” cho giao thông đô thị của Hà Nội hiện nay.


Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết: Thực tế, hệ thống VTHKCC thông minh đã được thành phố thực hiện thí điểm từ năm 2009, trên 2 xe tuyến 51. Trong năm 2011, Hà Nội sẽ nỗ lực mở rộng hình thức vận tải này.

Khắc phục những bất cập…

Hà Nội có diện tích 3,348 km2, trong đó, dân số đạt 6,448 triệu người (2009), và 3,5 triệu xe máy, 250 nghìn chiếc ôtô. Phương tiện giao thông đô thị chính hiện nay là xe máy.

Bên cạnh đó, thống kê năm 2009 cho thấy, Hà Nội có khoảng 1064 xe buýt. Trong đó, có các doanh nghiệp vận hành là: Transerco, Đông Anh, Bắc Hà, Bảo Yến. Mạng lưới xe buýt có 70 tuyến, 1300 điểm dừng đỗ, đạt sản lượng 413 triệu khách.

Theo phân tích của ông Nguyễn Hoàng Hải, những tồn tại, bất cập của vận tải công cộng Hà Nội chủ yếu hiện nay là: mạng lưới thiếu kết nối; dịch vụ chưa bao phủ các khu vực mở rộng; cấu trúc mạng lưới chưa rõ ràng; hạ tầng kỹ thuật còn thiếu các điểm trung chuyển, đầu cuối…; đoàn phương tiện chưa thân thiện môi trường; hệ thống vé còn ở mức thô sơ; nguồn nhân lực hạn chế…

Bên cạnh đó, những thách thức, trở ngại trong giao thông đô thị hiện nay chính là nhu cầu phương tiện gia tăng ở mức độ cao nhưng phân bố không đều; phương tiện hỗn hợp trong cùng một dòng giao thông chung; hành vi ứng xử còn yếu kém đối với một hệ thống giao thông đang cơ giới hóa mạnh mẽ; mạng lưới đường phân bố không đều, thiếu phân cấp, đường ngõ xóm chưa được chuẩn hóa. Mặt khác, về giao thông tĩnh còn thiếu diện tích, thiếu trang thiết bị. Hệ thống vận tải công cộng có khả năng cung ứng và chất lượng dịch vụ hạn chế, thiếu quy hoạch chung về giao thông đô thị…

Hơn nữa, việc triển khai hệ thống vận tải công cộng thông minh tại Hà Nội sẽ khá khó khăn khi được áp dụng ra toàn bộ TP Hà Nội, trong khi đó, người sử dụng (cơ quan quản lý, doanh nghiệp, lái xe và nhân viên phục vụ) còn hạn chế về trình độ năng lực.

Theo đó, để xây dựng và phát triển hệ thống vận tải công cộng thông minh tại Hà Nội, theo ông Hải phải thực hiện được 4 vấn đề chính. Đó là, quản lý kế hoạch, quản lý đoàn phương tiện, quản lý vé và thông tin hành khách.



Đâu là giải pháp?


Giải pháp được các chuyên gia đề xuất là phát triển hệ thống vận tải công cộng thông minh tại Hà Nội xây dựng trên một tiêu chuẩn thống nhất, quản lý hữu hiệu môt hệ thống vận tải công cộng đa phương thức (buýt, BRT, LRT, metro).

Ông Hải cũng khuyến nghị đối với Hà Nội, các nhà cung cấp giải pháp cần đưa ra sản phẩm đã có sẵn trên thị trường, đã được sử dụng vào vận tải công cộng. Tiếp đó cũng phải cần nghiên cứu kỹ môi trường quản lý và hạ tầng kỹ thuật tại Hà Nội để đề xuất một giải pháp khả thi và bền vững.

Bên cạnh ý kiến của ông Hải, ông Hoàng Quốc Khánh, Giám đốc Công ty Nacencom (Hanel) cũng đưa ra đề xuất giải pháp thanh toán cho vé xe buýt tự động Q-Ticket. Thẻ vé thông minh được áp dụng đầy đủ tiêu chuẩn để thanh toán, trong đó ưu thế của nó chính là cho phép nhiều kênh bán vé, nạp tiền, chuyển đổi vé; mức độ bảo mật an toàn cao; ngoài ra, có thể liên kết với hệ thống ngân hàng thông qua chuẩn kết nối; khả năng mở rộng đa dịch vụ tiện lợi nhiều bên…

Mặt khác, ông Lê Phước Thành, Tổng Giám đốc Công ty Vidagis cũng đưa ra các giải pháp tích hợp quản lý và giám sát thông tin giao thông công cộng trên nền GIS, trong đó GIS có ưu thế thông minh như: lên kế hoạch lộ trình xe buýt, kế hoạch trạm dừng xe buýt, kế hoạch làm việc, kế hoạch lộ trình xe buýt trường học; thống kê xe cộ, thời gian trễ, kế hoạch chậm trễ, khoảng cách,vi phạm tốc độ, thống kê số lái xe, báo cáo vi phạm… Bên cạnh đó, GIS còn là một công cụ quản lý vận hành bảo dưỡng như: quảng cáo tại trạm dừng xe buýt, bảo dưỡng trạm dừng xe buýt, vận hành và bảo trì xe buýt, tích hợp với hệ thống kho…

Ngoài ra, ông Phạm Hồng Quang, Chủ tịch Hội đồng khoa học, Công ty CP phần mềm tự động hóa điều khiển (đơn vị đã thực hiện thử nghiệm trên 2 tuyến xe buýt số 51 năm 2009) cho biết, đơn vị đã giám sát bằng GPS, máy tính nhúng do CadPro thiết kế và lập trình, truyền tin về trung tâm điều hành sử dụng điệm thoại CDMA, hiển thị tại trung tâm điều hành bằng WebGIS; do đó đã ghi lại lộ trình quan sát được trên bản đồ, trong đó, còn quản lý về thời gian (lúc dời bến, lúc đến mỗi bến đỗ, lúc về bến cuối); Trạng thái điều hòa, trạng thái đóng mở các cửa lên xuống; Tốc độ xe, vị trí của xe; Tổng hợp lỗi vi phạm tốc độ; Chi tiết lỗi vượt tốc độ trên một xe; Lỗi vi phạm đóng mở cửa xe khi xe đang vận hành trên tuyến; Lỗi không bật máy lạnh; Thời gian dừng đỗ tại các bến…

Các ý kiến trên đã được đưa ra tại Hội nghị Xây dựng và phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng thông minh tại Hà Nội ngày 27/10/2010.

Có thể thấy, việc xây dựng và phát triển hệ thống VTHKCC thông minh tại Hà Nội chính là một trong những bước tiến quan trọng góp phần hoàn chỉnh hệ thống giao thông của Hà Nội trong tương lai; đáp ứng tốc độ phát triển đô thị nhanh và bền vững, phục vụ nhu cầu đi lại nhanh, thuận tiện, hiệu quả cho nhân dân.

L.H