Rà soát lại cơ cấu và tính khả thi của dự luật

Chính trị - Ngày đăng : 10:06, 27/10/2010

(HNMO) – Băn khoăn về tính khả thi cũng như bố cục của luật chưa thật hợp lý đó là góp ý của các đại biểu đoàn Hà Nội khi thảo luận về Dự án Luật phòng, chống mua bán người sáng nay, 27/10.


Nhận xét về dự án luật, đại biểu Nguyễn Đình Quyền cho rằng, dự án luật còn chung chung, chưa cụ thể, nhất là phần giải thích hành vi mua bán người.

“Nội dung của luật nhằm phòng ngừa là chính nhưng luật cũng chưa giải thích rõ hành vi này và các hành vi liên quan, hoạt động phòng ngừa này là gì, phòng ngừa ra sao…”, đại biểu Quyền nêu vấn đề.

Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường cũng đề nghị, dự luật cần làm rõ hơn về hành vi mua bán người.

“Luật phải định nghĩa triệt để, thấu đáo hơn về hành vi này, bởi nó chưa bao hàm đầy đủ khái niệm của hành vi, nhất là khi mặt hàng được mua bán ở đây lại là con người”, đại biểu Hường nói.


Các đối tượng tham gia mua bán người bị bắt - Ảnh: VTC


Cũng theo đại biểu Hường, phần phòng chống hành vi mua bán người nên được viết sâu hơn, với sự tham gia của nhiều thành phần, không chỉ giới hạn trong các cơ quan Nhà nước, các tổ chức đoàn thể, mà còn có cả quần chúng nhân dân.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cũng nhất trí, lực lượng phòng chống mua bán người chủ yếu là công an, quân đội nhưng cũng nên tập trung vào các lực lượng khác như Hội phụ nữ, cán bộ ngành tư pháp, lao động thương binh xã hội, luật sư và trợ giúp pháp lý…

“Chúng ta cũng cần phải làm rõ trong luật các nghiệp vụ phát hiện và ngăn chặn tội phạm, chứ nếu chỉ nêu mà không quy định cụ thể thì sẽ tạo kẽ hở và cũng khó cho lực lượng chức năng sau này thực thi nhiệm vụ”, đại biểu Khánh nói.

Quan tâm đến việc dự luật quy định đưa nội dung giáo dục phòng, chống mua bán người vào trường học, đại biểu Nguyễn Đình Quyền cho rằng, nếu nội dung nào, bộ luật nào chúng ta cũng đưa vào trường học thì học sinh sẽ quá tải.

“Đây là những vấn đề xã hội hết sức phức tạp nên cần phải giải quyết bằng các biện pháp xã hội”, đại biểu Quyền nhấn mạnh.

Đại biểu Quyền đề nghị có sự cân nhắc khi đưa các nội dung giáo giục vào trường học sao cho phù hợp với nhận thức đối tượng.

Về trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc phòng, chống mua bán người, các đại biểu đoàn Hà Nội đề nghị, các quy định về nội dung này cần được quy gọn lại thành một chương, trong đó không chỉ quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức, mà còn cần bổ sung trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan như tư pháp, hộ tịch, bộ phận nuôi con nuôi…

“Đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát lại bố cục của luật, cụ thể hóa hơn các điều luật, không nêu chung chung và quan tâm hơn đến tính khả thi của luật”, đại biểu Chu Sơn Hà nói.

H.V