Để thực hiện thắng lợi 5 nhiệm vụ trọng tâm, 2 khâu đột phá

Chính trị - Ngày đăng : 07:25, 27/10/2010

(HNM)- Trách nhiệm, dân chủ và tập trung trí tuệ, trong ngày làm việc đầu tiên - khai mạc Đại hội (ĐH) đại biểu lần thứ XV Đảng bộ TP Hà Nội, các đại biểu đã đóng góp cho ĐH nhiều giải pháp quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội,an ninh - quốc phòng, công tác xây dựng Đảng… nhằm thực hiện thắng lợi công cuộc CNH, HĐH Thủ đô.


Đại biểu Trần Trọng Dực, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng

Công tác kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm; công tác giám sát phải được mở rộng, phát hiện những thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên, xác định rõ nguyên nhân, giúp tổ chức đảng và đảng viên khắc phục kịp thời. Nhưng quan trọng hơn, qua kiểm tra, phát hiện những bất cập, sơ hở trong cơ chế, chính sách, kiến nghị với cấp có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi hoặc xây dựng mới văn bản để các chủ trương, chính sách đi vào cuộc sống. Nói đến đổi mới mà người đứng đầu trì trệ, bảo thủ thì không thể có thành quả đổi mới; nói đến cải cách hành chính mà người đứng đầu sợ mất quyền lợi, không dám phân cấp, ủy quyền, đơn giản thủ tục hành chính thì không thể cải cách hành chính thành công; nói đến phòng, chống tham nhũng mà người đứng đầu thực dụng, cơ hội thì không thể đẩy lùi được tham nhũng. Vì vậy tấm gương sáng của người đứng đầu về trí tuệ, bản lĩnh, đạo đức, phẩm chất, lối sống là yếu tố quyết định. Thực tế hiện nay, hiện tượng ý chí của một người trở thành nghị quyết của tập thể đang diễn ra ở một số tổ chức đảng… Tôi cho rằng đây là một nguy cơ mà chúng ta phải nhìn nhận một cách thấu đáo để khắc phục một cách kịp thời vì sự trong sạch, vững mạnh của Đảng ta.

Đại biểu Hồ Quang Lợi, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy: Nâng cao chất lượng cuộc vận động học tập và làm theo gương Bác


Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” (CVĐ) đã trở thành động lực thúc đẩy Đảng bộ thực hiện có kết quả 9 chương trình công tác lớn, 5 nhiệm vụ trọng tâm và 2 khâu đột phá. Đặc biệt, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách rất nặng nề, nắm bắt những cơ hội mới, Hà Nội đã thực hiện tốt Nghị quyết 15 của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, bảo đảm sự quản lý, điều hành thông suốt mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội; giải quyết thành công những vụ việc nhạy cảm, phức tạp về tôn giáo, ANTT; xử lý, ứng phó kịp thời với diễn biến bất thường của thiên tai, dịch bệnh; triển khai hiệu quả các giải pháp kiềm chế lạm phát, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế khá, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Tiến hành thắng lợi ĐH Đảng các cấp, tiến tới ĐH Đảng toàn quốc lần thứ XI. Tổ chức thành công Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, để lại dấu ấn sâu sắc và tốt đẹp trong lòng nhân dân Thủ đô, đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế. Với kết quả như vậy, trong nhiệm kỳ 2010-2015, cần phải triển khai các giải pháp để nâng cao chất lượng CVĐ nhằm tạo ra động lực và sức mạnh tinh thần to lớn để Đảng bộ và nhân dân Thủ đô hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị của mình.

Đại biểu Nguyễn Văn Sửu, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội:Khuyến khích thu hút nguồn vốn đầu tư


Để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức 12-13%/năm trong giai đoạn tới, nhu cầu vốn đầu tư xã hội cho 5 năm là khoảng 1.500-1.600 ngàn tỷ đồng (khoảng 80 tỷ USD). Trong đó, khả năng huy động vốn ngân sách chỉ chiếm hơn 12% tổng vốn đầu tư xã hội, không đáp ứng đủ để đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội. Vì vậy, Hà Nội cần tập trung huy động tất cả các nguồn lực: từ doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước, dân cư, đầu tư trực tiếp nước ngoài, đến kêu gọi vốn ODA... Theo tôi, Đảng bộ TP nên tập trung vào 5 nhóm giải pháp chính: Làm tốt công tác quy hoạch, đồng thời triển khai thực hiện tốt quy hoạch khi Chính phủ phê duyệt; mở rộng hành lang pháp lý, xây dựng cơ chế thu hút nguồn vốn đầu tư mạnh mẽ; phát triển hạ tầng kỹ thuật và tạo điều kiện thuận lợi cho DN, nhà đầu tư có mặt bằng sản xuất, kinh doanh dịch vụ; nâng cao hiệu quả và hiệu lực quản lý nhà nước, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh; chủ động thực hiện xúc tiến đầu tư, tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế…

Đại biểu Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội: Đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng


Tỷ lệ quỹ đất dành cho GTVT còn quá thấp (hiện chiếm 6-7% diện tích đất đô thị); mạng lưới đường phân bố không đều... Công tác quản lý, khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT còn nhiều bất cập, cộng với ý thức của một số người tham gia giao thông chưa cao dẫn tới xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông. Để khắc phục tình trạng này, theo tôi Hà Nội cần xây dựng và phê duyệt quy hoạch phát triển GTVT Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở để triển khai các dự án đầu tư xây dựng và làm căn cứ cho các quận, huyện, thị xã. Bên cạnh đó, TP cần đầu tư xây dựng và hoàn thành các công trình giao thông trọng điểm có tính chất quyết định, đột phá về giao thông; xây dựng mở rộng theo quy hoạch những trục đường chính đô thị quan trọng, xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp các tuyến đường tỉnh lộ, huyện lộ theo quy hoạch.

Đại biểu Phạm Quang Long, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch: Tạo chuyển biến trong xây dựng đời sống văn hóa


Tôi cho rằng, những chuyển biến của việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và các sinh hoạt tín ngưỡng… tuy còn chậm, song đã đạt được những kết quả khả quan. Sự xuất hiện ngày càng nhiều những mẫu hình văn hóa trên các địa bàn dân cư và trong các công sở, DN, trường học… đã và đang tạo nên một phong trào thi đua sôi nổi, động viên, khuyến khích cán bộ, nhân dân Thủ đô phấn đấu vươn tới những chuẩn mực văn hóa đã xác định. Trong nhiệm kỳ 2010-2015 cần tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung Chương trình 08/CTr-TU về "Phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh" phù hợp. Theo tôi, TP không nên duy trì nhiều ban chỉ đạo trong các phong trào, các hoạt động văn hóa như hiện nay mà nên lấy Ban Chỉ đạo phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" TP làm nòng cốt. Hà Nội cần tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng những mẫu hình văn hóa đã phát huy tác dụng...

Phỏng vấn bên lề Đại hội

Thiếu tướng Phí Quốc Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô: Xây dựng lực lượng vũ trang Thủ đô vững mạnh toàn diện

Cùng với việc tập trung phát triển kinh tế - xã hội, công tác quốc phòng - an ninh (QPAN) có vị trí hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc phòng, cần tập trung xây dựng LLVT Thủ đô vững mạnh toàn diện, nhất là chất lượng về chính trị. Xây dựng lực lượng thường trực theo hướng "cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại"; xây dựng lực lượng dân quân tự vệ "vững mạnh, rộng khắp"; xây dựng cơ quan quân sự các cấp "vững mạnh toàn diện", hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tham mưu với cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ quân sự quốc phòng; chủ động hiệp đồng, phối hợp với các ngành, đoàn thể thực hiện và tổ chức chỉ huy LLVT hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Phát huy truyền thống Thủ đô Anh hùng, LLVT Thủ đô chủ động, tích cực, đoàn kết, hiệp đồng, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, xứng đáng là lực lượng nòng cốt xây dựng nền quốc phòng toàn dân ngày càng vững mạnh toàn diện, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.


Đại biểu Trần Thị Thanh Nhàn, Bí thư Quận ủy Hoàng Mai: Làm tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch


Sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, nhiệm vụ quan trọng là phải tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng cho đồng bộ, hiện đại, xứng tầm. TP cần tập trung làm tốt công tác quản lý quy hoạch các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhất là quy hoạch về xây dựng, đất đai, coi đây là công cụ quản lý quan trọng phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô một cách bền vững. Về phần mình, Đảng bộ quận Hoàng Mai đã xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm và 2 khâu đột phá. Hoàng Mai sẽ nỗ lực nhanh chóng đưa nghị quyết ĐH vào cuộc sống.



Một số thành tựu đạt được trong nhiệm kỳ 2005-2010
Kim ngạch xuất khẩu nhìn chung trong 5 năm tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao, tăng bình quân 18,3%/năm, trong đó xuất khẩu địa phương dự kiến tăng 20%/năm. Cơ cấu hàng xuất khẩu chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng hàng công nghiệp và chế biến, giảm dần xuất khẩu nguyên liệu thô, các mặt hàng gia công có giá trị tăng thêm nội địa thấp. Thị trường nhập khẩu hàng hóa được mở rộng, bao gồm 165 nước và vùng lãnh thổ. Giá trị nhập siêu trên địa bàn đã chậm lại, tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu thấp hơn tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu.

Ngành công nghiệp - xây dựng đạt mức tăng bình quân 12,41%/năm. Công nghiệp được phát triển có chọn lọc, tập trung vào các ngành có trình độ công nghệ cao, như điện tử - tin học, viễn thông, công nghệ sinh học, cơ khí chính xác và vật liệu mới, các nhóm sản phẩm công nghiệp có lợi thế và thương hiệu. Một số ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp, chế biến nông sản và hoạt động của làng nghề được khuyến khích phát triển. Rà soát, xây dựng, điều chỉnh quy hoạch các khu, cụm công nghiệp theo hướng bền vững; quan tâm xử lý, di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư theo quy hoạch. Ngành xây dựng đạt mức tăng bình quân 10,3%/năm, góp phần tăng cường thu hút đầu tư phát triển, thúc đẩy tăng trưởng của các ngành sản xuất và dịch vụ.

Sản xuất nông nghiệp có nhiều tiến bộ. Cơ cấu nội ngành chuyển dịch theo hướng tích cực: Tăng tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản và dịch vụ nông nghiệp. Giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp bình quân 1,75%/năm; tổng sản lượng lương thực đạt trên 1 triệu tấn/năm. Cơ cấu cây trồng chuyển dịch theo hướng hiệu quả: Diện tích trồng hoa, cây cảnh, cây ăn quả đặc sản tiếp tục được mở rộng. Đã coi trọng việc ứng dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Bước đầu hình thành một số vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa với năng suất và chất lượng cao ở các huyện Đông Anh, Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Trì, Mê Linh. Chăn nuôi, thủy sản phát triển mạnh: các chỉ tiêu về đàn lợn, gia cầm và tổng sản lượng thịt hơi dẫn đầu cả nước.

Nhóm PV Nội chính