Đón 9 ngư dân tàu QNg 66478 TS: Nước mắt ngày trở về
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:49, 27/10/2010
11 giờ kém 5, thuyền trưởng Mai Phụng Lưu cùng các thuyền viên đặt những bước chân đầu tiên lên Đất Mẹ sau gần hai tháng lênh đênh trên biển. Nếu tính từ ngày 11-9 tàu QNg 66478 TS bị nước ngoài bắt giữ khi đang đánh bắt trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa cũng đã là 45 ngày. Những người ruột thịt ôm chầm lấy nhau sau gần hai tháng trời xa cách.
Niềm vui vô bờ bến
Ngay trên cầu cảng, trước khi hai tàu cập bến, chị Phạm Thị Đợi (còn gọi là Lan) vợ ông Lưu vẫn khóc. Trông chị có phần gầy hơn cách đây đúng một tuần khi chúng tôi gặp chị đang khắc khoải chờ chồng, 2 con trai và 1 con rể trong căn nhà trống. Giờ đây, giữa đám đông, người đàn bà gầy mòn này vẫn đứng với vẻ đơn côi.
Khi tàu 6006 dần áp vào cầu cảng, nhìn 9 ngư dân mà gia đình và cả nước đang ngóng đợi mọi người không khỏi chạnh lòng khi thấy ai cũng bơ phờ. Dù họ vẫy tay, dù họ cười… nhưng sự mệt mỏi vẫn hằn rõ trên nét mặt. Mắt ai cũng rưng rưng. Trên cầu cảng những người vợ, người mẹ cố đứng sát mép để được thấy chồng, con rõ hơn.
Giọt nước mắt của chị Bùi Thị Trang sau gần hai tháng đợi chờ tin tức của người chồng. Ảnh: Trường Đức |
Khi thuyền trưởng Mai Phụng Lưu đặt chân lên đất liền, chị Đợi bỗng khóc òa lên, rồi lao vào ôm chầm lấy người chồng. Hẳn là nỗi nhớ thương phải lớn lắm mới khiến một người đàn bà ngoài 40 tuổi có 4 người con và vốn quen chờ chồng đi biển dài ngày lao vào ôm chặt lấy chồng ngay giữa chốn đông người. Và mặc kệ mọi người vây xung quanh hỏi han, chụp ảnh, chị Đợi còn hôn lên má chồng mà nước mắt vẫn rơi lã chã.
Trên bến cảng, mấy cặp vợ chồng đều mừng mừng, tủi tủi khi gặp nhau. Góc này thuyền viên Dương Văn Dũng bế thằng con trai 4 tuổi hỏi chuyện vợ Bùi Thị Trang. Góc khác là anh Bùi Văn Minh ôm chặt cả đứa con gái gần một tuổi với vợ là Phạm Thị Lành vào lòng. Ông Nguyễn Đảng tóc bạc trắng bế bổng con gái 6 tuổi lên quá đầu và cùng vợ là Nguyễn Thị Xí ôm hoa chụp ảnh. Niềm hạnh phúc rạng ngời trên khuôn mặt mọi người.
Trong số 9 ngư dân trở về đất liền, anh Bùi Văn Hải, con rể của bà Đợi, không được vợ là Mai Thị Huệ ra đón vì chị đang mang thai được hai tháng. Còn ngư dân Trần Văn Đủ thì không có người thân ra đón dù đây là lần đầu tiên em đi biển, bố Đủ đang bị liệt nửa người cũng vì nghề lặn.
Chuyến tàu nặng tình người
Để 9 ngư dân được đoàn tụ với gia đình ngày hôm nay, những ngày qua, chính quyền các cấp từ trung ương đến địa phương, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Cảnh sát biển… đã phải nỗ lực rất nhiều. Và tất cả những nỗ lực đó như dồn vào chuyến đi của tàu 6006 thuộc Vùng Cảnh sát biển 2 ra vùng biển Hoàng Sa tiếp nhận ngư dân và lai dắt tàu QNg 66478 TS về cảng Dung Quất.
Thượng tá Lý Ngọc Minh, Tham mưu trưởng Vùng Cảnh sát biển 2 (thuộc Cục Cảnh sát biển Việt Nam), người trực tiếp chỉ huy tàu 6006 cho biết, ngay khi nhận được lệnh, tàu 6006 đã chuẩn bị sẵn sàng để lên đường. "Mặc dù xác định đây là một nhiệm vụ khó vì vừa là cứu người, vừa có tính chất ngoại giao, vừa phải lai dắt tàu QNg 66478 TS về trong điều kiện biển chưa yên, nhưng chúng tôi quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ cấp trên giao", Thượng tá Minh nói. Sau khi nhận lệnh của Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, tàu 6006 đã rời bến cảng Tiên Sa lúc 17 giờ ngày 24-10 lên đường ra điểm giao nhận người đã được thỏa thuận trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa.
Như để thử thách những người trên chiếc tàu cứu hộ, ngay sau khi ra tới biển, tàu đã gặp sương mù. Sương mù còn kéo dài đến sáng ngày 25-10 nên điều khiển tàu phải hết sức cẩn thận. Trung úy Quản Đình Dương, Thuyền trưởng tàu 6006, năm nay mới 27 tuổi, cho biết, tàu chạy khoảng 20 tiếng thì ra tới điểm bàn giao. Nếu tính từ cảng Tiên Sa ra tới điểm bàn giao, quãng đường là 170 hải lý, trong khi tàu chỉ chạy trung bình 9 hải lý mỗi giờ. Nhiều lúc gặp sóng to chỉ còn chạy với tốc độ 7 hải lý mỗi giờ.
Trung úy Dương kể lại, lúc 13 giờ ngày 25-10, tàu 6006 đã tới điểm hẹn, nhưng phải đến 14 giờ 20 mới bắt đầu bàn giao. "Khi nhìn thấy 9 ngư dân, không hiểu sao nước mắt em cứ trào ra" - Dương nói - "Có lẽ tại em thấy thương đồng bào mình quá".
Đến 15 giờ, tàu 6006 đã tiếp nhận xong 9 ngư dân và tàu QNg 66478 TS. Ngay sau khi tiếp nhận và cột tàu cẩn thận, tàu 6006 quay về đất liền. Trên tàu lúc này ai cũng vui. Hai ngư dân bị mệt, trong đó có bác Đảng hơn 60 tuổi, được đưa lên tàu chính cho uống thuốc, ăn uống, nghỉ ngơi đến tối đã thấy khỏe hơn. Còn 7 anh em trên tàu QNg 66478 TS được tiếp tế gạo, rau, thức ăn để phục hồi sức khỏe. "Lúc quay về chỉ mất có 17 tiếng vì tàu chạy xuôi gió" - Dương giải thích.
Thực ra, trước chuyến đi tiếp nhận người này, chính tàu 6006 đã được huy động đi tìm 9 ngư dân đang bị mất tích trên biển. Đến ngày 16-10, khi phía Trung Quốc xác nhận tin 9 ngư dân đã an toàn trên đảo Trụ Cẩu thì tàu 6006 mới quay về tránh bão Megi.
Tiếp tục bám biển mưu sinh
Cả 9 thuyền viên đều khẳng định đây là lần đi biển khổ sở nhất. Từ thanh niên mới lớn tên Đủ, đến Thuyền trưởng Mai Phụng Lưu rồi ngư dân tóc bạc Đảng ngoài 60 tuổi đều chung cảm giác này. Thế nhưng khi được hỏi "Anh có định đi biển lại không?", anh Lưu vốn ít nói đã trả lời chắc như cục gạch: "Đi chứ, sống nhờ biển thì cứ tiếp tục bám biển thôi". Dự định của các ngư dân cũng trùng với quan điểm của các vị lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ngãi.
Ngay sau khi ngư dân lên bờ an toàn, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức một cuộc gặp mặt thân mật cho 9 ngư dân cùng gia đình. Tại cuộc gặp mặt này, ông Nguyễn Xuân Huế, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi khẳng định, tỉnh sẽ hỗ trợ về gạo, tiền để giúp ngư dân và gia đình vượt qua khó khăn trước mắt, sớm ổn định cuộc sống và đã chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương xem xét những chính sách hỗ trợ cho số ngư dân trên theo quy định hiện hành của TƯ và tỉnh, để ngư dân có thể tiếp tục ra khơi trong thời gian sớm nhất. Ngoài ra, UBND tỉnh tiếp tục huy động, kêu gọi các doanh nghiệp trên địa bàn quyên góp, hỗ trợ. Riêng đối với trường hợp tàu của ông Lưu, Sở NN&PTNT tỉnh đã liên hệ được và đưa tàu đến nơi sửa chữa. Trong khả năng và quyền hạn cho phép, UBND tỉnh khẳng định sẽ có sự hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho ngư dân để tiếp tục bám biển. Bên cạnh đó, ngư dân cũng cần đoàn kết, liên kết với nhau thành các tổ, đội, nhóm để kịp thời hỗ trợ lẫn nhau khi gặp khó khăn, hoạn nạn trong quá trình hoạt động khai thác.
Cũng tại cuộc gặp mặt, chia sẻ niềm vui đoàn tụ cùng các gia đình ngư dân, ông Cao Khoa, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã biểu dương tinh thần đoàn kết, tương trợ của 9 ngư dân để vượt qua thử thách, hoạn nạn ở Hoàng Sa. Ông Khoa khẳng định, vùng biển Hoàng Sa từ xưa vốn là vùng đánh bắt truyền thống của ngư dân Việt Nam. Do vậy, trong thời gian tới chúng ta vẫn tiếp tục bám biển, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế biển vừa khẳng định chủ quyền biển đảo của đất nước trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Các tổ chức tiếp tục hỗ trợ tiền, thiết bị cho 9 ngư dân Tính đến sáng 26-10, ngoài 3 tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ cho các ngư dân từ trước là: Công đoàn Bộ Ngoại giao 9 triệu đồng; Công ty TNHH MTV LHD Bình Sơn 45 triệu đồng (5 triệu đồng/ngư dân); Báo VietNamNet hỗ trợ 2 triệu đồng/người và một hệ thống máy ICOM có tổng trị giá trên 40 triệu đồng, tại cuộc gặp mặt, UB MTTQ Việt Nam tỉnh hỗ trợ 1 triệu đồng/người; Sở NN&PTNT 200.000 đồng/người; TƯ Hội Nghề cá 300.000 đồng/người; Cảng Quốc tế Gemadept: 500.000 đồng/người; Công ty CP Đường Quảng Ngãi: 1 triệu đồng/ngư dân; Khu dịch vụ Bình Sơn: 200.000 đồng/người; Công ty TNHH&DV Dầu khí (PTSC): 1 triệu đồng/người; Công ty CP Xây lắp dầu khí: 200.000 đồng/người. |