Đào tạo nhân lực bưu chính viễn thông cho đồng bào thiểu số

Xe++ - Ngày đăng : 06:27, 27/10/2010

(HNM) - Thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ về giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo trong cả nước, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã nhận "đỡ đầu" cho hai huyện nghèo Sìn Hồ và Mường Tè (tỉnh Lai Châu). Một trong những nội dung "đỡ đầu" là VNPT mở khóa đào tạo về bưu chính viễn thông (BCVT) cho các học viên người dân tộc thiểu số của hai huyện này.

Khóa học 6 tháng dành cho 33 học viên của hai huyện nghèo Sìn Hồ và Mường Tè vừa kết thúc tại Trường Trung học Bưu chính Viễn thông - Công nghệ thông tin (BCVT-CNTT) miền núi tại Thái Nguyên vào trung tuần tháng 10-2010. Có mặt tại lễ bế giảng, chúng tôi thật xúc động được nghe những câu chuyện về các em... Lớp có em Lò Thị Thắm, dân tộc Thái, 21 tuổi là thủ khoa của khóa học. Thắm là con gái thứ hai trong gia đình 4 chị em gái ở bản Mường Mô, xã Mường Mô, huyện Mường Tè. Em học giỏi, vừa tốt nghiệp lớp 12 (năm 2009), nhưng vì gia đình quá nghèo nên không thể đi học đại học. Chỉ đến khi VNPT triển khai chương trình đào tạo cán bộ cho điểm bưu điện - văn hóa xã (BĐVHX), em được nhận vào học. Khi hỏi về "bí quyết" để trở thành thủ khoa, em khiêm tốn nói "mình cũng chỉ học như các bạn thôi...". Em mong muốn sớm được trở về để làm việc tại bản làng quê hương. Song, cùng lớp, không phải học viên nào cũng có khởi đầu dễ dàng với các môn học. Theo lời kể của nhiều học viên thì khó khăn với họ là bắt đầu tiếp xúc với máy vi tính. Nhưng, nhờ sự hướng dẫn nhiệt tình của các thầy, cô, họ đã quen dần, bây giờ thì sử dụng thành thạo để vào mạng, gửi thư điện tử, soạn thảo văn bản...; đặc biệt, họ sẽ truyền đạt lại kiến thức này cho người dân ở bản làng xa xôi hẻo lánh của mình thông qua các điểm BĐVHX.

Là nơi chuyên đào tạo cán bộ cho 16 tỉnh miền núi phía Bắc, các thầy, cô giáo Trường Trung học BCVT-CNTT miền núi ở Thái Nguyên vẫn xem lớp học theo Đề án 30a của Chính phủ này là một lớp học đặc biệt. Bởi học viên đều là người dân tộc, có phong tục, tập quán và sinh hoạt rất khác nhau, thậm chí có em nói tiếng Kinh chưa thạo. Vì thế, nhà trường đã phải soạn thảo giáo trình riêng, cử thầy, cô giáo phụ trách lớp có nhiều kinh nghiệm làm chủ nhiệm. Thầy Vũ Châu Minh, Trưởng khoa Tin học của trường cho biết, vì học viên trong lớp gần như chưa được tiếp xúc với máy tính và CNTT, nên thầy phải giảng giải từ những khái niệm ban đầu. Giờ đây, ít nhất mỗi học viên đều có một hộp thư điện tử để trao đổi thông tin với nhau, biết sử dụng Excel, Microsoft Word để soạn thảo văn bản... Được các thầy, cô nỗ lực hết mình để "xóa mù net", cộng với giáo trình hợp lý, phương pháp giảng dạy "cầm tay chỉ việc", "lớp học 30a" đã tốt nghiệp với kết quả 18% đạt loại khá, 38% đạt trung bình khá và 44% đạt loại trung bình. Không chỉ có vậy, các thầy, cô giáo còn trực tiếp đưa học viên của lớp học đặc biệt ấy trở về miền Tây Bắc để các em phục vụ tại các điểm BĐVHX, hoặc sẽ là những người đưa thư, truyền báo đến các gia đình. Trở về bản làng, quê hương với kiến thức mới, học viên đã có thể thực hiện những mong ước của mình trước đây là trở thành nhân viên điểm BĐVHX, trở thành người bưu tá, nhân viên của VNPT… Dù đảm nhận công việc nào thì họ cũng sẽ là những người được tham gia phát triển, đưa dịch vụ BCVT-CNTT đến với bà con dân tộc mình. Niềm vui ấy được thể hiện qua ánh mắt, nụ cười rạng rỡ của những chàng trai, cô gái người dân tộc ở những nơi vùng sâu, vùng xa… của đất nước.

Châu Giang