7 thói quen tốt của những người giúp con học ngoại ngữ thành công
Giáo dục - Ngày đăng : 10:20, 26/10/2010
Các bạn nhỏ hào hứng học tiếng Anh tại Just Kids
Theo cô Hà, bất cứ bé nào cũng có thể học tốt môn ngoại ngữ, bất kể là tiếng Anh hay thứ tiếng nào. Điều quan trọng không phải là phương pháp bố mẹ cho con tiếp cận với môn ngoại ngữ đó như thế nào và những quan niệm, những thói quen giúp con học tiếng Anh có đúng không?
Để trả lời những câu hỏi đó, cô Hà chia sẻ với aFamily 7 bí quyết để bố mẹ giúp con học ngoại ngữ thành công.
Học càng sớm càng tốt: Giai đoạn ngôn ngữ nhập vào một cách tự nhiên và vô thức là giai đoạn trước 3-4 tuổi. Bên cạnh đó, việc học ngoại ngữ sớm không chỉ giới hạn ở việc đứa trẻ giỏi ngoại ngữ đó, mà còn làm cho trẻ thông minh, phát triển hơn vì đối với trẻ nhỏ, phát triển ngôn ngữ là quan trọng, và ngôn ngữ phát triển làm trí não phát triển theo. Điều đó cũng dẫn đến việc phát triển nhanh hơn trong trong các lĩnh vực khác.
Phân biệt rạch ròi hai ngôn ngữ: Ngay cả trong giai đoạn phát triển ngôn ngữ “đồng thời” hay “lần lượt”, và đặc biệt trong giai đoạn phát triển “đồng thời”, ngôn ngữ vẫn phải được phân biệt rạch ròi.
Khi còn nhỏ, việc phân biệt rạch ròi được thực hiện bởi những người khác nhau nói ngôn ngữ khác nhau, như mẹ nói Tiếng Việt và bố nói Tiếng Anh, hay giáo viên nước ngoài chỉ nói Tiếng Anh, giáo viên Việt Nam chỉ nói Tiếng Việt. Việc này làm hình thành khả năng phản xạ trong giao tiếp, khi đứa trẻ biết phải giao tiếp với người này hay người kia chỉ bằng đúng ngôn ngữ họ dùng. Điều đó giúp trẻ không bị loạn ngôn ngữ, cũng như tạo một nền tảng lâu dài cho việc khi sử dụng bất cứ ngôn ngữ nào, chúng sẽ sử dụng ngôn ngữ đó một cách hoàn toàn: từ suy nghĩ cho đến điễn đạt.
Học ngôn ngữ như là công cụ giao tiếp và nhận thức cái nội dung cần truyền tải. Việc giải thích "apple" có nghĩa là "quả táo" và "quả táo" có nghĩa là "apple" sẽ làm cho việc học ngoại ngữ diễn ra một cách riêng biệt như học ngoại ngữ thực sự.
Nhưng khi cầm một quả táo lên và nói đơn giản: Apple, this is an apple, hay The caterpillar is eating an apple với bức tranh có con sâu đang ăn quả táo, đứa trẻ sẽ liên tưởng thẳng đến sự vật mà không qua bất cứ cầu nối ngôn ngữ nào, tạo điều kiện cho đứa trẻ sau này NGHĨ bằng ngôn ngữ đó, làm được điều này có nghĩa là đã vượt qua ngưỡng cửa để sử dụng ngôn ngữ một cách tự nhiên, thuần thục, “bản xứ”.
Học ngoại ngữ phải kiên trì: Hầu hết không có thần đồng, tất cả theo một quỹ đạo rất bình thường: mưa lâu thấm dần, và trẻ chỉ nói khi thấy cần thiết, khi có nhu cầu được diễn đạt, sẻ chia bằng ngôn ngữ đó chứ không phải ngôn ngữ khác, và khi trẻ thích... Hãy xây dựng nền móng bằng những việc làm thiết thực và sự kiên trì, tự nhiên sẽ làm việc bé phải làm.
Học chuẩn ngay từ đầu: Không gì có thể chuẩn hơn người “sở hữu” ngôn ngữ đó dạy ngôn ngữ đó, vì ngôn ngữ không chỉ là ngôn ngữ, đó là công cụ tư duy, là con thuyền văn hóa. Việc học với giáo viên bản xứ, giáo viên nước ngoài không chỉ mang lại sự “chuẩn” dưới mọi góc độ mà còn làm tăng khả năng phản xạ và nhu cầu phải diễn đạt bằng ngôn ngữ cho đứa trẻ: chúng còn cách nào khác để giao tiếp với giáo viên nước ngoài ngoài ngôn ngữ của chính họ?
Học dưới nhiều hình thức: Học qua nghe, học qua xem, học qua nhìn, học qua sờ mó, học qua giao tiếp trực tiếp, học qua làm, học qua suy diễn logic. Và hãy tạo nên một môi trường ngôn ngữ hoàn hảo nhất có thể.
Ví dụ khi học Tiếng Anh, trẻ xem TV bằng tiếng Anh, nghe nhạc tiếng Anh, giao tiếp bằng Tiếng Anh (với người nước ngoài, đi học, đi giao lưu, nói chuyện với bất cứ ai biết nói Tiếng Anh…), chơi trò chơi giáo dục bằng Tiếng Anh, đọc sách Tiếng Anh….tạo nên một môi trường tự nhiên nơi sự quan tâm thích thú ngoài ngôn ngữ của đứa trẻ thúc đẩy nó tới việc tiếp nhận ngôn ngữ một cách tự nhiên, vô thức.
Điều không nên làm: Không bao giờ hỏi con quả táo bằng tiếng Anh là gì con nhỉ . Thay vào đấy, cầm quả táo lên và hỏi: What is this?
Bố mẹ hãy thử áp dụng những điều cô Hà chia sẻ trong việc giúp con học ngoại ngữ nhé! Chắc chắn sẽ rất hiệu quả với bé yêu đấy!