Nhiều điểm mới trong cuộc bầu cử QH và HĐND sắp tới

Chính trị - Ngày đăng : 12:19, 25/10/2010

(HNMO) - Nhiều quy định mới được đưa ra trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân.


Được trình Quốc hội sáng 25-10, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân tập trung sửa đổi, bổ sung một số vấn đề vướng mắc thật sự cấp bách của các luật về bầu cử do tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trong cùng một ngày và trong điều kiện thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường tại một số địa phương.

Đối với những vấn đề khác, Ủy ban TVQH sẽ tiếp tục nghiên cứu để tiến hành sửa đổi một cách cơ bản các luật về bầu cử trong thời gian tới.

Trên tinh thần đó, dự án luật sửa đổi 17 điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và sửa đổi 13 điều, bổ sung 1 điều của Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân. Những sửa đổi này được thiết kế trong 4 điều của dự án luật, bao gồm Điều 1 quy định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội; Điều 2 quy định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân; Điều 3 quy định về việc đổi tên gọi các tổ chức phụ trách bầu cử; Điều 4 quy định về hiệu lực thi hành.


Cuộc bầu cử đại biểu QH và HĐND sắp tới sẽ có nhiều điểm mới


Cụ thể, dự luật sửa đổi quy định về Hội đồng bầu cử ở trung ương theo hướng bên cạnh một số nhiệm vụ, quyền hạn riêng đối với bầu cử đại biểu Quốc hội thì tổ chức này còn có các nhiệm vụ, quyền hạn chung đối với cả bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, như: lãnh đạo việc tổ chức bầu cử trong cả nước; kiểm tra, đôn đốc việc thi hành các quy định của pháp luật về bầu cử; chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền và vận động bầu cử, công tác bảo vệ an ninh, trật tự an toàn xã hội trong cuộc bầu cử. Đồng thời, sửa đổi quy định về trách nhiệm chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền và vận động bầu cử của Chính phủ đối với bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cho phù hợp.

Dự luật sửa đổi các quy định về thành lập các Tổ chức phụ trách bầu cử: Thành lập Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh để thay thế và thực hiện chung nhiệm vụ, quyền hạn của cả Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; Các Hội đồng bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã cũng được đổi tên tương ứng thành Ủy ban bầu cử; Quy định Tổ bầu cử đồng thời thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã tại cùng một khu vực bỏ phiếu; Sửa đổi về cơ quan chủ trì thành lập, thành phần Ban bầu cử đại biểu Quốc hội nhằm bảo đảm tính thống nhất với việc thành lập tổ chức phụ trách bầu cử ở cấp tỉnh và cấp xã…

Trong điều kiện bầu cử chung và thống nhất về tổ chức của một số tổ chức phụ trách bầu cử, dự thảo Luật giao cho Ủy ban nhân dân là cơ quan chủ trì thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương để đảm bảo tính thống nhất trong toàn quốc về cơ quan chủ trì thành lập tổ chức phụ trách bầu cử.

Dự luật cũng sửa đổi thống nhất quy định về số lượng cử tri tại mỗi khu vực bỏ phiếu và quy định khu vực bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội đồng thời là khu vực bỏ phiếu bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Số lượng cử tri tại mỗi khu vực bỏ phiếu được sửa đổi thống nhất từ ba trăm đến bốn nghìn cử tri. Với số lượng cử tri tại mỗi khu vực bỏ phiếu được quy định với biên độ dao động từ ba trăm đến bốn nghìn, cử tri sẽ vẫn bảo đảm thuận lợi cho việc bỏ phiếu của cử tri cũng như việc thành lập các khu vực bỏ phiếu; đồng thời cũng không gây quá tải về công việc đối với các Tổ bầu cử trong điều kiện đã tăng số lượng thành viên tại mỗi Tổ bầu cử.

Ngoài ra, dự luật sửa đổi thống nhất quy định về mẫu thẻ cử tri, phiếu bầu; về số người ứng cử ở mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội (số người trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội ở mỗi đơn vị bầu cử phải nhiều hơn số đại biểu được bầu ở đơn vị đó)…

Nếu được thông qua, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2011.

H.V