Sức sống mới dưới chân núi Tản

Chính trị - Ngày đăng : 07:42, 25/10/2010

(HNM) - Theo Đề án phát triển KT-XH 7 xã miền núi đến năm 2015 sẽ tập trung xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng miền núi gắn với đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực. Mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và phấn đấu đến năm 2015 thu nhập bình quân đầu người đạt 21,3 triệu đồng/người/năm; giảm từ 3% đến 5% hộ nghèo mỗi năm.


Trường Mầm non xã Minh Quang (Ba Vì) vừa được đưa vào sử dụng.


Bây giờ, đường về vùng miền núi Ba Vì xa xôi đã khác xưa nhiều. Ven tỉnh lộ 415 có nhiều thị tứ mang dáng dấp phố xá sầm uất cho thấy cuộc sống người Mường, người Dao đang từng ngày khởi sắc.

Câu chuyện với Bí thư Đảng ủy xã Minh Quang Nguyễn Tiến Tha được mở đầu bằng việc học hành của con em đồng bào nơi đây. Thường, dân tộc ít người hay có quan niệm "cái chữ không thay được cơm để làm no cái bụng" nhưng ở Minh Quang thì khác, con em đồng bào đến trường 100% đúng độ tuổi. "Phong trào học ở các làng bản bây giờ mạnh lắm. Học để xóa đói giảm nghèo, học để biết phân biệt đúng sai, học để đoàn kết, hợp sức xây dựng quê hương giàu mạnh. Trách nhiệm của chúng tôi là không để xảy ra hiện tượng thất học và luôn khuyến khích các cháu chăm ngoan, học giỏi" - Bí thư Nguyễn Tiến Tha chia sẻ. Từ năm 2007 đến nay xã có 162 học sinh đỗ đại học, cao đẳng. Niềm vui còn nhân lên khi sự học được Đảng, Nhà nước quan tâm, năm học mới vừa khai giảng các công trình Trường Tiểu học Minh Quang B, Trường Tiểu học Minh Quang A, trung tâm trường mầm non và phòng học mầm non thôn Đầm Sản đưa vào sử dụng với vốn đầu tư 11 tỷ đồng.

Đến bản Bắt Còn Chèm - nơi đang thụ hưởng Chương trình 135 và cách Hà Nội khoảng 100km, hiện tuyến đường từ trung tâm xã chạy qua các thôn Gò Đá Chẹ, Gò Đình Môn, Mít, Đồng Sống, Hương Canh dài hơn 5km và tuyến nối từ Hương Canh đi Bắt Còn Chèm hơn 2km, vắt qua đồi núi trùng điệp đang được đẩy nhanh tiến độ thi công với quy mô mặt cắt rộng 5,5m. Bắt Còn Chèm là địa bàn khó khăn nhất của TP Hà Nội nhưng trong mấy năm lại đây, đời sống người dân đã khởi sắc. Trưởng thôn Bạch Công Liên cho biết, năm 2008 thôn có đến 76/130 hộ nghèo nhưng nay giảm xuống còn 32 hộ. Bên cạnh xây dựng hệ thống thủy lợi và cơ sở hạ tầng, cấp ủy đảng, chính quyền đã vận động bà con bằng nhiều hình thức như vay vốn, hỗ trợ cây, con giống, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, ưu tiên trồng các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao để tăng thu nhập.

Ở xã Minh Quang, để nâng cao giá trị, sản lượng nghề truyền thống chế biến tinh bột sắn, các hộ dân đã đầu tư máy móc vào các khâu sản xuất nên thu nhập tăng, bình quân mỗi năm thu về khoảng 14 tỷ đồng. Minh Quang còn nổi bật trong gieo trồng vụ đông và nuôi ong. Xã có hơn 1.300 đàn ong và vụ đông năm 2010 phủ kín 70% diện tích đất nông nghiệp bằng cây ngô và rau màu (diện tích còn lại do sình lầy không thể canh tác). Ngoài ra, ở vùng núi Ba Vì cây chè đang trở thành cây xóa đói giảm nghèo, mang lại nguồn thu nhập chính. Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Hà Xuân Hưng cho biết, làng nghề trồng và chế biến chè đã được công nhận tại xã Ba Trại. Cây chè mang lại thu nhập ổn định cho hơn 10 nghìn lao động trong các nông trường, công ty chè và hộ gia đình. Riêng xã Ba Trại gần 100% hộ dân gieo trồng 447ha chè, năng suất 7,5 tấn/ha chè búp tươi, chiếm 1/3 diện tích chè toàn huyện.

Chí Đạo