Chính trường Bỉ: Lành ít, dữ nhiều
Thế giới - Ngày đăng : 06:08, 25/10/2010
Về tài chính, rất ít dấu hiệu cho thấy quốc gia Bắc Âu này lại có thể trở thành "mắt xích yếu" trong nền kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) khi mức thâm hụt ngân sách nằm ở tốp thấp nhất trong khối - 4,8% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Trong khi đó, con số này của Đức là 4,5%, Hà Lan 6%, Pháp 8%. Lẽ ra, với sự tăng trưởng vững chắc cùng các chỉ số kinh tế khá ổn định, mọi đánh giá về Bỉ nên tiến gần hơn tới khái niệm "cốt lõi của Eurozone" chứ không phải là một điểm "có vấn đề". Tuy nhiên, về chính trị, cuộc khủng hoảng kéo dài suốt 6 tháng qua đang khiến mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách xuống 4,1% trong năm 2011 của đất nước được mệnh danh là "thủ đô của châu Âu này" lâm nguy. Hy vọng đưa chỉ số này xuống ngang bằng với giới hạn của EU (3%) đang càng trở nên xa vời. Do đó, dù hiện tại, khoảng trống quyền lực ở Bỉ chưa đủ để gây sóng gió; nhưng nếu vấn đề này không được giải quyết nhanh chóng, chưa ai dám chắc điều gì sẽ xảy ra.
Tuy nhiên, có thể nói không ở đâu trên thế giới, việc thành lập chính phủ sau bầu cử lại khó khăn như ở Bỉ. Cách đây 4 tháng, sau khi Chính phủ tiền nhiệm đổ vỡ, cuộc bầu cử Quốc hội tại Vương quốc Bỉ kết thúc với thắng lợi thuộc về Liên minh Flemish Mới (N-VA) theo đường lối dân tộc chủ nghĩa, với thủ phủ là vùng Flamand, phía Bắc nước Bỉ, nơi người dân chủ yếu nói tiếng Hà Lan. Về nhì trong cuộc bầu cử này là đảng Xã hội với hậu phương là vùng Wallonia phía Nam, cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp. Do không có đảng nào giành quá 50% số phiếu nên các đảng buộc phải ngồi vào bàn thương lượng để thành lập một chính phủ liên minh mà trụ cột là đảng N-VA và đảng Xã hội. Thế nhưng, sau nhiều cuộc đàm phán căng thẳng, đến nay người dân Bỉ vẫn chưa có cơ hội nhìn thấy "bộ mặt" của tân chính phủ.
Kết thúc vòng đàm phán mới nhất ngày 18-10 vừa qua, 7 đảng phái tham gia thành lập chính phủ đã không thể đi tới đồng thuận về việc cải cách nhà nước. Đây là điều cốt lõi để đi tới thỏa thuận thành lập chính phủ mới, đưa nước Bỉ thoát khỏi cuộc khủng hoảng lòng tin giữa hai cộng đồng sắc tộc và ngôn ngữ suốt từ năm 2007 đến nay. Với kết quả trên, mọi chuyện lại trở về "điểm xuất phát".
Ngày 21-10, Vua Albert II đã chọn cựu Phó Thủ tướng nước này, ông Johan Vande Lanotte, làm người đứng ra thăm dò khả năng thành lập chính phủ liên minh ở Bỉ. Song ít người tỏ ra tin tưởng Nghị sĩ đảng Xã hội sẽ thành công với vai trò này. Nhiều khả năng Bỉ sẽ phải tiến hành một cuộc bầu cử mới. Nhưng đây không phải là giải pháp hoàn hảo. Vì không ai dám chắc có đảng phái nào sẽ dành được trên 50% số phiếu bầu để tự đứng ra thành lập chính phủ. Còn nếu không, các đảng phái lại phải ngồi với nhau để thành lập liên minh cầm quyền - một tình huống chẳng khác những gì đang diễn ra ở xứ sở Socola này.
Tình hình bế tắc trên chính trường Bỉ khiến người ta không thể không nghĩ tới kịch bản xấu nhất là nước Bỉ bị chia đôi hoặc học tập mô hình liên bang kiểu Thụy Sĩ. Hai cộng đồng nói tiếng Pháp và Hà Lan sẽ có nhà nước của riêng họ. Xem ra tương lai hòa hợp dân tộc tại Bỉ lành ít, dữ nhiều.