Thừa và thiếu

Văn hóa - Ngày đăng : 06:05, 25/10/2010

(HNM) - Hà Nội có bao nhiêu là rạp chiếu phim. Cụm rạp Megastar nằm trên đường Bà Triệu, cụm rạp Tháng Tám được nhiều người biết đến từ lâu, Trung tâm Chiếu phim quốc gia trên đường Láng Hạ một thời lừng lẫy phim hay… đến những rạp quy mô nhỏ hơn, ít được biết đến hơn như cụm rạp Ngọc Khánh trên đường Kim Mã, cụm rạp Platinum Cineplex mới mở trong khu thương mại Garden Mall - Mễ Trì.

Với nguồn phim nhập ở mức vừa phải, phim "bom tấn mới" thường chỉ xuất hiện ở một vài nơi thì từng ấy rạp kể đã là nhiều so với nhu cầu thưởng thức vốn đã bị chia sẻ với truyền hình và các loại hình giải trí khác của người Hà Nội.

Ấy vậy mà có người lại cho rằng Hà Nội thiếu rạp. Ý nói là thiếu loại rạp có thể dùng khi có sự kiện điện ảnh lớn diễn ra tại Hà Nội như Cánh diều, liên hoan phim quốc tế. Mỗi lần diễn ra sự kiện nói trên, nhà tổ chức thường phải chọn nhà hát, trung tâm tổ chức sự kiện khác, có khi lại phải rải sự kiện ra nhiều địa điểm khác nhau thay vì tổ chức tại một số rạp chiếu phim đích thực. Khi thì Nhà hát Lớn, lúc Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô; gần đây nhất, lễ khai mạc Liên hoan Phim quốc tế Việt Nam lần thứ I và bộ phim khai mạc đã được đưa vào Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình (việc đã gây không ít lời phàn nàn về hiệu quả buổi chiếu). Chiếu phim, tổ chức những sự kiện điện ảnh tại những nơi không phải là rạp - tổ hợp chiếu phim, quả là việc chẳng đặng đừng nhưng lúc này thì chẳng thể làm khác được, bởi số rạp - cụm rạp chiếu phim hiện có không đủ điều kiện cho những sự kiện lớn có đông người tham gia, nhiều chỗ như phòng chiếu chính của rạp Tháng Tám cũng còn xa mới tới mức 1.000 ghế ngồi.

Hà Nội rồi sẽ có Nhà hát Thăng Long - dự kiến "mang tầm khu vực" với khối công trình đa năng phục vụ biểu diễn nghệ thuật và khối dành cho sự kiện hòa nhạc lớn.

Nhưng với điện ảnh, điều đó có ý nghĩa gì không?

Quế Trinh