Nông nghiệp Thủ đô: Cần động lực để phát triển toàn diện
Kinh tế - Ngày đăng : 05:53, 25/10/2010
Bức tranh nông nghiệp đa sắc màu
Chăm sóc cây thanh long ruột đỏ tại trang trại của anh Đỗ Xuân Nhung, xã Kim Quan, huyện Thạch Thất. Ảnh: Bá Hoạt
Lĩnh vực nông nghiệp 5 năm qua và đặc biệt sau 2 năm hợp nhất đã có bước phát triển nhảy vọt tạo nên một bức tranh đẹp. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp giai đoạn 2006-2010 tăng bình quân 1,75%/năm, cơ cấu nội ngành chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản lên 54,45%. Phát triển chăn nuôi trở thành thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp khi Hà Nội có đàn gia súc, gia cầm lớn nhất cả nước, với 1,64 triệu con lợn, 225.000 con trâu, bò, 17 triệu con gia cầm. Đặc biệt, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng nhanh, năm 2005 đạt 58 triệu đồng/ha, đến 2010 đạt 141 triệu đồng/ha; thu nhập của người dân ngày càng cao. Mặc dù những năm gần đây đất nông nghiệp được chuyển sang phục vụ xây dựng đô thị, công nghiệp hàng nghìn héc ta nhưng Hà Nội vẫn đạt trên 1,2 triệu tấn lương thực, đáp ứng như cầu trên địa bàn.
Điểm đột phá trong chuyển hướng nông nghiệp Hà Nội hai năm gần đây chính là bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng thâm canh bền vững, đa dạng sản phẩm hàng hóa, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường. Hà Nội đã hình thành một số vùng chuyên canh sản xuất tập trung, quy mô lớn như vùng rau Thường Tín, Đan Phượng, Đông Anh; vùng hoa Mê Linh, Đông Anh; vùng cây ăn quả Quốc Oai, Thạch Thất, Chương Mỹ; vùng thủy sản Thanh Trì, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Thanh Oai. Nhiều địa phương đã mạnh dạn dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, chuyển đổi vùng trũng cấy lúa kém hiệu quả hình thành nhiều trang trại lớn, sản xuất hiệu quả. Hà Nội hiện có 3.207 trang trại, tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ bình quân một trang trại đạt trên 503 triệu đồng, cung cấp khối lượng sản phẩm lớn và đa dạng phục vụ thị trường Thủ đô, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo nhiều việc làm cho lao động nông thôn.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trịnh Duy Hùng khẳng định, nông nghiệp Hà Nội đang tạo ra bước chuyển mình mạnh mẽ, quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi ngày càng hiệu quả, cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng bền vững. Năm 2010 tỷ trọng tiểu thủ công nghiệp, làng nghề chiếm 41,12%; thương mại dịch vụ 29,35%, nông nghiệp - thủy sản 29,53%, tạo bước ngoặt cho nông nghiệp Thủ đô phát triển hiện đại, đa dạng.
Giải pháp phát triển hiện đại, bền vững
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, Tiến sỹ Trần Xuân Việt cho biết, giai đoạn 2010-2015, Hà Nội phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế khu vực nông thôn bình quân 8-10%, trong đó tăng trưởng sản xuất nông nghiệp đạt trên 2%/năm. Với định hướng mục tiêu, nhiệm vụ phát triển nông nghiệp Thủ đô thời kỳ hiện đại hóa, công nghiệp hóa đòi hỏi sản xuất nông nghiệp cần có bước tiến nhanh hơn, chuyển biến mạnh hơn. Sau khi mở rộng địa giới tiềm năng phát triển nông nghiệp Hà Nội là rất lớn với nhiều vùng đất đai hệ sinh thái thuận lợi cho sản xuất hàng hóa, quy mô lớn tập trung. Hà Nội thực hiện một số giải pháp chính đó là: Tăng cường sự lãnh đạo các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cụ thể hóa bằng việc ban hành các nghị quyết chuyên đề, các chương trình, đề án, dự án cụ thể. UBND TP đã phê duyệt đề án "Nuôi trồng thủy sản 2009-2015" nâng diện tích nuôi thủy sản lên 24.000ha, tổng kinh phí 851 tỷ đồng hình thành các vùng thủy sản Ứng Hòa, Chương Mỹ, Thanh Trì; đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn 5.500ha với tổng vốn trên 9.000 tỷ đồng, hình thành nhiều vùng rau an toàn ở Gia Lâm, Chương Mỹ; chương trình phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm đầu tư 970 tỷ đồng, chương trình vùng lúa chất lượng cao 132 tỷ đồng…
Ông Trần Xuân Việt còn cho biết: Hà Nội đang hoàn thành quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp Thủ đô trong đó có định hướng cụ thể là: Tiếp tục chuyển diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang phát triển thủy sản, vùng bãi sông Đáy, sông Hồng chuyển sang trồng hoa, cây cảnh, rau màu để ổn định diện tích cấy lúa chỉ từ 70.000-80.000ha. Sản xuất lúa phát triển theo hướng thâm canh, hình thành vùng lúa chất lượng cao, vùng sản xuất lúa giống nhằm tăng giá trị cây lúa ở các huyện có kinh nghiệm thâm canh như Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thanh Oai. Vùng bãi, đất màu sẽ mở rộng diện tích trồng cây ăn quả với các cây chủ lực như: cam Canh, bưởi Diễn, nhãn chín muộn, bưởi Quế Dương; vùng đồi gò trồng thanh long, vùng Ba Vì phát triển thương hiệu chè Ba Vì; quy hoạch 7-8 vùng sản xuất rau an toàn, vùng hoa cây cảnh ở Từ Liêm, Mê Linh, Hoài Đức nhằm nâng cao giá trị thu nhập đạt 200-300 triệu đồng/1ha; xây dựng 3-4 khu nông nghiệp công nghệ cao theo 3 vùng ở khu vực phía nam, phía tây và vùng Mê Linh, Sóc Sơn theo hướng thành phố đầu tư xây dựng hạ tầng rồi kêu gọi doanh nghiệp đầu tư chuyển giao công nghệ tiên tiến.
Phát triển nông nghiệp trong giai đoạn mới; nâng cao đời sống cho nông dân, giảm sự chênh lệch đời sống vật chất, sinh hoạt giữa thành thị và nông thôn; tạo việc làm cho lao động nông thôn cũng chính là động lực để đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới, tạo sự phát triển toàn diện và vững chắc cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn.