Bóng chuyền nam quốc gia 2010: Kỳ vọng và thất vọng
Thể thao - Ngày đăng : 08:18, 24/10/2010
Ngô Văn Kiều (6), chủ công của đội tuyển bóng chuyền nam Việt Nam. |
Không tiếc tiền
Nếu xét về khoản đầu tư lực lượng, Đức Long QK5 đình đám nhất. Trong số nội binh, bản hợp đồng với chủ công số 1 Việt Nam Nguyễn Hữu Hà (giá trị chuyển nhượng được cho là khoảng 3 tỷ đồng) từ Ninh Bình đã gây nhiều tranh cãi bởi Ninh Bình nhất quyết không cho Hữu Hà ra đi. Sau đó, án kỷ luật nội bộ cầu thủ này được Ninh Bình đưa ra khiến Hữu Hà không thể góp mặt tại giải năm nay. Khi vụ Hữu Hà còn dùng dằng, Đức Long QK5 quay sang chiêu mộ chủ công Nguyễn Văn Toại từ TP Hồ Chí Minh với giá 500 triệu đồng và Nguyễn Hữu Hạnh của Đông Trường Sơn - toàn những cầu thủ vào hàng khá ở Việt Nam. Sau những thất bại vuốt mặt không kịp tại giai đoạn 1, đội bóng này tiếp tục gây chú ý khi ký hợp đồng với chủ công số 1 Đông Nam Á Wanchai (Thái Lan), mức lương 8.500 USD/tháng cho vòng 2 của giải - cao nhất trong làng bóng chuyền Việt Nam. Không kể mùa trước, Đức Long QK5 cũng ký hợp đồng với hai cầu thủ Bungari với giá trị chuyển nhượng lên đến hàng trăm nghìn USD. Có lẽ ở giải vô địch quốc gia, chưa đội bóng nào mạnh tay trong việc chiêu mộ cầu thủ ngoại như Đức Long QK5.
Đội bóng ngành dầu khí - Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam cũng mạnh tay không kém, không chỉ để tránh cảnh phải đi chung kết ngược như mùa trước, mà còn mong muốn lọt vào nhóm 4 đội dẫn đầu mùa này. Trước mùa giải 2010, đội bóng của ông "bầu" Tô Phú Phong đã được đầu tư trên 10 tỷ đồng để đạt mục tiêu trên. Cựu HLV đội Thể Công Bùi Quang Ngọc về dẫn dắt đội với mức lương thuộc diện cao nhất trong làng bóng chuyền Việt Nam - 30 triệu đồng/tháng. Có được HLV hàng đầu Việt Nam, đội bóng này chiêu mộ hàng loạt cầu thủ nội như cựu tuyển thủ quốc gia Trần Văn Giáp từ Công an Vĩnh Phúc, Trần Thiên Vũ từ Long An. Để có được 2 cầu thủ này, đội bóng ngành dầu khí cũng phải bỏ ra không ít tiền, nghe nói là hơn 2 tỷ đồng. Đội bóng này cũng sốt sắng "săn" cầu thủ ngoại để hoàn thành mục tiêu. Ban đầu, đội thử việc cầu thủ Bungari nhưng cầu thủ này không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn. Thất bại trong việc tìm kiếm cầu thủ châu Âu, đội chuyển hướng sang cầu thủ Trung Quốc và cuối cùng, sau chuyến tập huấn tốn không ít tiền, đội chiêu mộ được Xu Jia Jia, một cầu thủ được đánh giá là trung bình khá trong các ngoại binh ở Việt Nam.
Thoát hiểm phút cuối!
Tuy vậy trong bóng chuyền cũng như nhiều môn thể thao đồng đội khác, mọi thứ không phải là "1 + 1= 2". Dù đã "đi tắt, đón đầu" nhưng kết quả mà những đội trên thu được rất khiêm tốn và đều lâm vào cảnh "chết hụt".
Đức Long QK5 bạo tay chi tiền là vậy nhưng vẫn phải đi "chung kết ngược". Ở vòng 2, đội này thi đấu khởi sắc nhưng những "lắt léo" trong làng bóng chuyền đã khiến ông bầu của đội phải đôn đáo lo thủ tục để xin cho Wanchai được ở lại Việt Nam vài ngày, tham gia vòng chung kết ngược. Lẽ ra đội bóng này đã không lâm vào cảnh trên nếu Thể Công không bất ngờ thua QK9, rồi sau đó QK9 lại thua sít sao 2-3 trước đội bóng Tập đoàn Dầu khí quốc gia ở trận cuối vòng bảng (trước đó hơn nửa đội hình phải đi cấp cứu vì ngộ độc thức ăn) để QK9 và Tập đoàn Dầu khí quốc gia cùng trụ hạng an toàn. Cũng may cho Đức Long QK5 là Wanchai vẫn có mặt trong vòng chung kết ngược nên mới trụ hạng thành công. Nếu không có Wanchai, giờ này đội bóng đã ở hạng A1. Còn với Tập đoàn Dầu khí quốc gia, nếu có một cầu thủ cỡ Wanchai, có lẽ đội đã giành được thứ hạng cao hơn.
Sự không thành công của đội bóng Tập đoàn Dầu khí quốc gia cũng như Đức Long QK5 có lẽ sẽ mang lại nhiều bài học cho ông bầu 2 đội này trong việc đầu tư, quản lý, điều hành. Ở đó, không phải cứ chi thật nhiều tiền là có thành công bởi đó chỉ là điều kiện cần. Cách điều hành và quản lý đội bóng cùng với đam mê và sự am tường thể thao mới là điều kiện đủ để 2 đội bóng này vươn đến thành công.
Mà điều đó lại phụ thuộc vào sự cầu tiến từ các ông bầu!