Nặng lòng dải đất miền Trung

Giới trẻ - Ngày đăng : 07:58, 24/10/2010

(HNM) - Khi 4 đoàn công tác của Quỹ Trái tim nhân ái Báo Hànộimới chuẩn bị kết thúc đợt cứu trợ đồng bào các tỉnh miền Trung đang chịu hậu quả nặng nề của đợt bão lũ diễn ra vào những ngày đầu tháng thì bắt đầu từ ngày 16-10, mưa lớn lại diễn ra.

Sang ngày hôm sau, mực nước các sông dâng nhanh, lũ lớn bắt đầu xuất hiện, nhiều xã, huyện thuộc các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình bị ngập sâu và cô lập. Cả dải đất miền Trung chưa kịp gắng dậy sau trận lũ trước thì lũ mới lại ập vào. Trời vẫn mưa dai dẳng. Nhiều hồ đập, công trình thủy lợi đứng trước nguy cơ bị vỡ. Tính mạng của hàng triệu người dân bị đe dọa… Và cũng trong thời điểm khẩn cấp ấy, đầu giờ chiều 19-10, đoàn công tác thứ 5 của Quỹ Trái tim nhân ái Báo Hànộimới lên đường đến với miền Trung.

Trưởng ban Công tác xã hội Bùi Quốc Hội trao quà của Quỹ Trái tim nhân ái Báo Hànộimới cho đồng bào vùng ngập lũ.


Ngổn ngang những nỗi ưu tư

Vẫn biết trên dải đất miền Trung người dân đã quá quen với nắng hạn và bão lũ. Vậy nhưng mấy chục năm rồi mới có con nước lớn nhường đó. Dù rằng ở mọi nơi đã có sự chuẩn bị đối phó nhưng người dân không khỏi bất ngờ. Ở những nơi “năm ni chả có lũ về” như các xã Quảng Hải, Phù Hóa, Cảnh Hóa (Quảng Trạch, Quảng Bình); Hưng Yên Bắc, Hưng Yên Nam, Hưng Trung, Hưng Nhân (Hưng Nguyên, Nghệ An)… những chiếc xép làm sẵn để di chuyển đồ đạc trong nhà khi nước lên giờ đây đều ngập chìm trong nước. Lại có cả những vùng như Nghi Lộc (Nghệ An), Hương Sơn (Hà Tĩnh)... đã bao năm trời dân chưa hề chịu cảnh nước lũ vậy mà trong thoáng chốc, tất cả đều bị con nước nhấn chìm. Biết bao nhiêu địa phương khác, con lũ trước chưa kịp rút, người dân chưa kịp định thần thì con lũ sau sầm sập tới, cuốn phăng những gì còn sót lại…

Cả dải đất miền Trung mênh mông trong nước, cửa nhà tan hoang, người dân ngơ ngác, cái đói, cái khát hiển hiện. Với số tiền 436 triệu đồng cùng 6 tấn hàng hóa gồm mỳ ăn liền, nước uống, quần áo, giấy vở học sinh… mang theo, chúng tôi hiểu những con số đó là rất ít ỏi so với những gì mà người dân các tỉnh miền Trung đã mất mát, song điều những người làm báo Đảng Thủ đô chúng tôi mong muốn là được sát cánh cùng bà con trong cơn hoạn nạn này. Và cũng cần phải nhắc lại rằng, các đoàn công tác của Quỹ Trái tim nhân ái Báo Hànộimới là một trong những cơ quan báo chí có mặt đầu tiên tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị để thực hiện công tác cứu trợ và phản ánh tình hình bão lũ. Có nhiều huyện của các tỉnh, hai, ba đoàn công tác của chúng tôi đã liên tục có mặt chỉ trong hơn chục ngày, mà như lãnh đạo các địa phương chân tình nhận xét: “Tình cảm của Báo Hànộimới dành cho chúng tôi như người trong một nhà”. Ngay đợt thứ 5 này, những huyện như Nam Đàn, Nghi Lộc, trong có 4 ngày mà đã 2 lần chúng tôi ghé qua. Ban đầu thì nghĩ nước đã rút rồi, đợt lũ thứ 2 chỉ Hà Tĩnh, Quảng Bình là chịu ảnh hưởng nặng nề, muốn tận mắt chứng kiến bà con ta khắc phục hậu quả, vượt qua khó khăn khôi phục sản xuất. Nhưng khi có mặt thì không phải vậy, nước vẫn ngập trắng đồng, trắng làng. Và thông qua những bài viết của chúng tôi, các cá nhân, doanh nghiệp, các tổ chức đoàn thể lại tiếp tục quyên góp tiền và hàng cứu trợ. Chúng tôi lại tiếp tục làm cầu nối giữa những tấm lòng hảo tâm và người dân vùng lũ…

Với sự giúp đỡ của lực lượng công an, quân đội và chính quyền sở tại, tiền và hàng cứu trợ đã được chúng tôi chuyển bằng xuồng máy đến tận tay từng hộ dân ở những vùng đang bị lũ cô lập, chia cắt. Nhiều khi chúng tôi lênh đênh trên biển nước mấy giờ đồng hồ để tìm đường vào từng xã, từng thôn mà mái nhà chỉ còn nhấp nhô, ẩn hiện trong con nước. Những phần tiền và hàng của Quỹ Trái tim nhân ái Báo Hànộimới chuyển cho bà con có thể là không nhiều, nhưng nhìn những khuôn mặt phờ phạc, những cặp mắt đỏ ngầu vì thiếu ngủ, những bàn tay sũng nước, chúng tôi hiểu sự có mặt của mình sẽ là nguồn động viên người dân vượt qua thời điểm khó khăn này. Phần nào đó, bằng những việc làm nhỏ bé của mình, chúng tôi đã góp phần thực hiện mục tiêu không để người dân vùng lũ bị đói, bị khát…

Những ngày qua không thể quên được hình ảnh một chiếc bàn thờ lập vội vã trong góc nhà còn ngập nước mà gia đình chưa thể tiễn đưa người thân về thế giới bên kia vì nghĩa trang đang chìm trong lũ. Rồi chuyến xe “định mệnh” lao xuống dòng sông Lam, cướp đi hàng chục sinh mạng; những cánh tay vẫy vùng trong tuyệt vọng giữa bốn bề chỉ có bóng tối và dòng nước chảy xiết. Nước sông Lam có bao giờ buốt lạnh như những ngày này, gió đôi bờ có bao giờ gào thét bi thương như những ngày này! Rồi những cánh cò chao liệng tìm chỗ đậu trên những làng mạc tan hoang…

Có phải vì vậy mà nhiều khuôn mặt người miền Trung, ngay từ đứa trẻ thơ cũng hiện rõ sự khắc khổ, và đâu đó trong ánh mắt không giấu nổi nỗi ưu tư? Tất cả đều sắt lại, nỗi đau cũng sắt lại, những dòng nước mắt rồi cũng cạn khô để sự xót xa quặn từng khúc ruột…

Tấm lòng của những người làm báo Đảng

Suốt hành trình về với người dân vùng lũ, chúng tôi không thể quên được hình ảnh của đồng nghiệp các địa phương trong việc hỗ trợ, chung vai giúp đỡ những người làm báo Đảng Thủ đô thực hiện nhiệm vụ của mình. Liên tục 5 chuyến trở đi, trở lại của Báo Hànộimới, mặc mưa to nước lớn, những đồng nghiệp của chúng tôi đều có mặt, liên hệ, tạo mọi điều kiện thuận lợi đưa chúng tôi đến những khu vực thiệt hại nặng nhất của địa phương.

Lại nhớ hình ảnh đồng nghiệp Trường Sơn, Trưởng phòng Văn hóa - Xã hội Báo Quảng Bình dẫn chúng tôi đi giữa trời mưa gió, khi nước lũ vừa lên. Bố Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa là huyện chúng tôi được tiếp cận mà trong hoàn cảnh đó không phải ai muốn vào là được. Ở nhiều nơi, cả huyện chìm trong biển nước mênh mông dưới làn mưa mỗi lúc một mau. Cụ ông Phan Hữu Nhân, 85 tuổi cứ nắm chặt lấy tay chúng tôi mà nức nở vì cảm động, vì thương cụ bà đã phải bỏ mình trong dòng nước xiết: “Các bác là những người đầu tiên đến chia sẻ với gia đình tui! Nước lũ còn lớn lắm mà!”. Rồi nữa, tại Hà Tĩnh, đích thân Tổng biên tập Báo Hà Tĩnh Lê Hữu Quý là người đưa chúng tôi đến với huyện Vũ Quang và Hương Khê khi nước lũ còn ngập lút mái nhà. Tuyến đường vào thôn Chu Lệ, Xã Hương Thủy, Hương Khê (Hà Tĩnh) bị chia cắt không biết đâu là đường, cũng không một con đò nào dám đưa chúng tôi đi vào dòng lũ dữ. Thế là chúng tôi quyết định đi bộ xuyên rừng để vào với Chu Lệ. Chu Lệ, cái tên nghe thật thơ mộng mà nay trắng nước… Tại Nghệ An, Phó Tổng biên tập Báo Nghệ An, chị Hồ Ngân cũng là người đích thân đưa đoàn chúng tôi đến với các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghi Lộc.

Phóng viên Tống Ngọc Thanh, Ban Phóng sự điều tra trao quà của Quỹ Trái tim nhân ái Báo Hànộimới cho đồng bào vùng ngập lũ.


Tại xã Quảng Tân (Quảng Trạch - Quảng Bình), 910 hộ dân với 3.927 nhân khẩu đều bị ngập sâu và cô lập hoàn toàn với bên ngoài. Thương tâm nhất là cái chết của cụ bà Phan Thị Hậu, sinh năm 1937. Trong đêm mưa lũ kinh hoàng, hai cụ trèo lên gác xép chạy lũ, không may, cụ Hậu tuột tay chìm vào dòng nước rồi ra đi vĩnh viễn, bỏ lại cụ ông 85 tuổi sống độc thân. Trong ngôi nhà nhỏ, cụ ông Phan Hữu Nhân và thân nhân gia đình cụ Hậu cảm động nghẹn ngào khi nhận 3 triệu đồng từ Quỹ Trái tim nhân ái ủng hộ, chia sẻ trong lúc khó khăn này. Có mặt trong giờ phút đó, lãnh đạo xã cho biết: “Báo Hànộimới là đơn vị đầu tiên đến cứu trợ cho gia đình hai cụ”…

Nghệ An ngày cuối lũ

Vậy là chúng tôi kết thúc chuyến công tác về với miền Trung đầy nắng, gió và mênh mông nước. 7 ngày đến với những làng xóm nước lũ tàn phá của Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình - 7 ngày chúng tôi được nghe biết bao chuyện, chứng kiến biết bao cảnh đời khốn khó, lam lũ của đồng bào mình.

Lũ chồng lên lũ, thiên tai cứ đè nặng lên vai những người dân miền Trung. Bây giờ đã là cuối lũ, so với những ngày đầu chúng tôi có mặt, nước đã vơi bớt rất nhiều và đã không còn cái màu đỏ quạch, hung tợn nữa. Sau lũ, nước vẫn còn bì bõm trong nhiều ngôi nhà, làng mạc. Bà Hoa Thị Châm, 61 tuổi ở xóm 4, xã Hưng Nhân, Hưng Nguyên (Nghệ An) đã không cầm được nước mắt khi kể về tình cảnh gia đình bà sau con lũ lịch sử này: “Bữa ni là 8 ngày rồi chú ạ. May mà năm ngoái tui được vay tiền của Ngân hàng Chính sách, xây được cái cầu thang lên chạn nên cứu được con bò, chứ không thì đã mất sạch rồi!”. Cái chạn mà bà Châm nói đến đó chính là cái gác xép, được những người dân vùng lũ bắc ngang trong nhà bằng những tấm gỗ tạm. Sau thu hoạch, toàn bộ lúa, ngô được cất lên đó để tránh nước lên.  y thế mà năm nay, nước lên cao quá, vượt cả chạn. Nhà bà Châm mới thu hoạch được 6 bao thóc thì trôi mất 3 bao. 3 bao còn lại thì bị ngâm trong nước lũ. “Chừ chỉ để cho bò ăn chứ nỏ (không) làm chi được chú ạ!”. Vậy là tài sản của bà Châm giờ chỉ còn duy nhất một con bò được mua từ nguồn vay của Ngân hàng Chính sách.

Nhà bà Châm vốn nghèo, chồng bà lại bị bệnh 3-4 năm trời, mới mất chưa được trăm ngày. Cô con gái út thì đổ bệnh thần kinh mười mấy năm nay. Khi ông chưa mất, mỗi tháng cả bố cả con hết hàng triệu đồng tiền thuốc. Giờ ông mất đi, mỗi tháng, bà nhẩm tính phải mất 210.000 đồng tiền thuốc cho con gái mà không biết xoay đâu. Chả thế mà kể về những mất mát trong lũ, bà không có nhiều thứ để kể ngoài ổ gà, con chó và con bò. Có chiếc tủ đứng mọt chân để đựng quần áo thì cũng bị nước lũ làm hỏng, gẫy gập ở góc nhà. Bà Châm bảo, nước lên nhanh quá, sáng 16-10, nước mới sâm sấp ngọn lúa ngoài bãi, bà định đi bứt lúa về. Nhưng đến trưa, nước đổ về ào ào, bứt không kịp. Hơn 2 sào lúa chưa kịp thu hoạch giờ mất trắng. Cũng bởi năm nay, Nghệ An bị hạn hán, lúa phải cấy muộn và thu hoạch muộn nên giờ mới bị nước lũ cuốn mất…

Đến hôm nay, đoàn công tác thứ 5 của Quỹ Trái tim nhân ái Báo Hànộimới đã kết thúc hành trình về với đồng bào bị ảnh hưởng bởi lũ lụt ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. Tổng số tiền trong 5 đợt công tác mà Quỹ Trái tim nhân ái Báo Hànộimới chuyển đến đồng bào miền Trung gần 2,5 tỷ đồng chưa phải nhiều so với những gì người dân vùng lũ đang phải gánh chịu. Vẫn còn đâu đó những ưu tư làm nặng lòng những người làm báo Đảng Thủ đô khi rời mảnh đất miền Trung ruột thịt…

Ghi chép của Lê Hoàng Anh - Ngọc Hải