Cần sự sẻ chia!

Đời sống - Ngày đăng : 06:08, 24/10/2010

(HNM) - Mùa mưa bão đã đến. Nửa tháng nay, ba tỉnh Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh ngập chìm trong lũ lụt với những thiệt hại không thể đo đếm được về người và của.

Cả nước đang chung tay sẻ chia với khúc ruột miền Trung trong cơn hoạn nạn. Tổng Bí thư BCH TƯ Đảng gửi điện thăm hỏi. Thủ tướng Chính phủ đến tận vùng rốn lũ thăm hỏi, chỉ đạo không được để dân đói, rét và nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân; đồng thời quyết định hỗ trợ ngay 660 tỷ đồng cùng 11.000 tấn gạo cho các địa phương bị thiệt hại do bão lũ. Hàng trăm chuyến xe chở hàng hóa, hàng chục đoàn công tác của nhiều địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, hàng nghìn cá nhân hảo tâm đã đến tận nơi, trao tiền, quà hỗ trợ đến tận tay người dân vùng bị ngập lụt... Đó là truyền thống tương thân, tương ái, "lá lành đùm lá rách", đoàn kết, sẻ chia trong lúc hoạn nạn của người Việt Nam ta.

Tuy nhiên, có một hiện tượng xấu, năm nào cũng diễn ra vào những ngày mưa to gió lớn hoặc khi chỉ mới nghe đài, báo… bão xa, đó là việc tư thương tự ý tăng giá hàng thực phẩm thiết yếu phục vụ đời sống hằng ngày. Từ mớ rau, con cá đến thịt lợn, thịt bò, quả trứng, hạt lạc… mặt hàng nào và ở chợ nào trên địa bàn thành phố giá cũng "đội" lên. Dẫu không tăng cao đột biến, cũng chưa đến mức gây xáo trộn đời sống xã hội, nhưng cái mức tăng 5-10% đối với những loại hàng hóa không mua không được, lại vì lý do "bão lụt" dù cách xa những nơi này hàng trăm cây số, không hề bị thiệt hại gì, khiến dư luận hết sức bất bình.

Thiên tai là chuyện bất khả kháng, là điều không ai muốn xảy ra nhưng một khi đã không bị ảnh hưởng mà lại lợi dụng để mưu lợi cá nhân thì là hành vi rất đáng lên án. Lúc này, người kinh doanh nên hướng về những đồng bào của mình đang phải gồng mình trong bão lũ, nên nghĩ đến việc thông cảm, sẻ chia hơn là lợi dụng cơ hội để thu lợi cá nhân. Chính quyền địa phương, các cơ quan có trách nhiệm của thành phố cũng cần quan tâm đến hiện tượng này để có sự can thiệp kịp thời, nhằm góp phần bình ổn giá cả và lành mạnh hóa thị trường.

Nhật Minh