Tán thành việc khởi kiện vụ án mà không qua khiếu nại lần đầu

Chính trị - Ngày đăng : 15:36, 23/10/2010

(HNMO) – Ngày 23/10, các đại biểu thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật tố tụng hành chính. Hai vấn đề nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu là việc khởi kiện vụ án hành chính và phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa.



Băn khoăn quy định kiểm sát viên không phát biểu quan điểm về việc giải quyết nội dung vụ án

Theo đại biểu Vũ Hồng Anh - TP Hà Nội, với tư cách là người đại diện cơ quan kiểm sát đều tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng của cơ quan tư pháp, Kiểm sát viên chỉ nên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án như quy định tại Điều 161 dự thảo luật, mà không nên phát biểu quan điểm về việc giải quyết nội dung vụ án.

“Quy định như vậy sẽ phù hợp với vai trò kiểm sát hoạt động tư pháp, bảo đảm tính độc lập của thẩm phán trong hoạt động xét xử cũng như tính khách quan của phiên tòa”, đại biểu Hồng Anh nói.

Tại phiên tòa phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm, đại biểu Hồng Anh cho rằng, Kiểm sát viên có thể phát biểu cả về nội dung vụ án, cả về việc tuân theo pháp luật của người thi hành tố tụng, người tham gia tố tụng.

“Việc phát biểu của Kiểm sát viên lúc này một mặt để kiểm sát hoạt động tư pháp, tức là mặt chấp hành pháp luật trong quá trình xét xử của Tòa án cũng như nội dung các bản án quyết định của Tòa án; mặt khác bảo vệ quyết định, kháng nghị trong trường hợp Viện kiểm sát có kháng nghị”, đại biểu Hồng Anh nói.

Đại biểu Mã Điền Cư – Quảng Ngãi cũng ủng hộ quan điểm này. Theo ông, Kiểm sát viên tham gia phiên tòa tuy có quyền phát biểu ý kiến nhưng chỉ nên trình bày quan điểm của mình về việc tuân theo pháp luật của các bên tham gia tố tụng, không phát biểu quan điểm về nội dung giải quyết vụ án hành chính, vì Viện kiểm sát còn có quyền kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án. Hơn nữa, quy định như vậy sẽ bảo đảm tính độc lập của Viện kiểm sát nhân dân.


Đại biểu tham gia thảo luận các dự án luật


Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền - Lâm Đồng cho rằng, nếu Viện kiểm sát tham gia, Kiểm sát viên tham gia phiên tòa, tại phiên tòa lại không phát biểu quan điểm về nội dung vụ án thì nên bỏ chức năng của Viện kiểm sát đi.

“Viện kiểm sát tham gia phát biểu chính kiến của mình cũng như đại biểu Quốc hội đi họp mà không phát biểu thì đại biểu làm gì. Cho nên tôi nghĩ Viện kiểm sát tham gia là phải phát biểu quan điểm về vụ án”, đại biểu Thuyền nói.

Tán thành việc khởi kiện vụ án mà không qua khiếu nại lần đầu

Đại biểu Mã Điền Cư - Quảng Ngãi tán thành với quan điểm cho rằng tổ chức và cá nhân không đồng ý với quyết định hành chính, hành vi hành chính thì có thể khởi kiện vụ án hành chính, không đặt ra yêu cầu về việc cá nhân, tổ chức đó phải khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu.

“Tôi cho rằng quy định như vậy sẽ đáp ứng được yêu cầu mở rộng quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân được tự do lựa chọn cách thức giải quyết khiếu nại, khiếu kiện, mở rộng dân chủ trong xã hội và sẽ giảm bớt áp lực cho các cơ quan hành chính Nhà nước. Tôi cho rằng đây là nội dung rất quan trọng được coi là bước đổi mới căn bản về điều kiện cơ chế giải quyết khiếu kiện hành chính ở nước ta hiện nay theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị”, đại biểu Cư nói.

Đại biểu Lê Thị Nguyệt - Vĩnh Phúc cũng ủng hộ quy định này. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi của Luật tố tụng hành chính, đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật liên quan, đại biểu Nguyệt đề nghị cần đồng thời sửa đổi các quy định về quyền khiếu nại, quyền khởi kiện hành chính của các văn bản hiện hành.

Cùng ủng hộ phương án cá nhân, cơ quan, tổ chức nếu không đồng ý với quyết định hành chính, hành vi hành chính có quyền khởi kiện vụ án ra trước tòa mà không cần đặt ra điều kiện phải khiếu kiện lần đầu mới có quyền khởi kiện ra, kể cả trong những lĩnh vực có chuyên môn cao như đất đai, xây dựng, sở hữu trí tuệ…. là ý kiến của đại biểu Nguyễn Đăng Trừng - TP Hồ Chí Minh.

“Chúng ta có quy định như thế thì mới đảm bảo được quyền tự do lựa chọn của công dân, tổ chức và cơ quan và mới tạo được một bước chuyển biến, một đổi mới cơ bản về điều kiện và cơ chế giải quyết các khiếu kiện hành chính”, đại biểu Trừng nói.

Trước lo lắng của nhiều đại biểu về việc khi thực hiện quy định này, sẽ gây áp lực rất lớn lên Tòa án trong giai đoạn đầu do thiếu nhân lực, đại biểu Trừng cho rằng, Quốc hội nên giao cho Tòa án tối cao và Chính phủ bàn bạc, trao đổi, thực hiện phương án củng cố tổ chức bộ máy, phương tiện, tất cả các điều kiện để Tòa án làm việc được.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa - TP Đà Nẵng cũng đánh giá, việc quy định cá nhân, tổ chức có thể khởi kiện mà không cần qua giải quyết khiếu nại lần đầu là một hướng mở rất nhân văn nhằm trao cho người dân quyền được tự lựa chọn một trong hai trường hợp là kiện cơ quan hành chính hoặc kiện ra Tòa án, không bắt buộc phải qua thủ tục khiếu nại trước khi khởi kiện.

Theo đại biểu Nghĩa, việc quy định cơ chế thông thoáng như trên không những tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mà cho cả Tòa án trong việc thụ lý giải quyết các vụ án hành chính. Đồng thời, hạn chế, khắc phục những biểu hiện lạm dụng quyền lực, thiếu trách nhiệm của một số cơ quan, công chức nhà nước trong việc giải quyết công việc cho người dân, tạo cho công chức nhà nước ý thức tôn trọng pháp luật và biết sợ pháp luật.

“Vì nếu không làm đúng pháp luật thì công chức bị người dân khởi kiện”, ông Nghĩa nói.



Về phát biểu của Kiểm sát viên (Điều 161), trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật tố tụng hành chính, Ủy ban TVQH cho rằng, theo quy định của pháp luật, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tham gia các phiên tòa, phiên họp của Tòa án là cần thiết để thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động xét xử của Tòa án từ khi lập hồ sơ, thu thập chứng cứ, bảo đảm quyền bình đẳng, quyền tranh luận của các bên đuơng sự, người có quyền, lợi ích liên quan, đảm bảo việc xét xử của Tòa án là đúng pháp luật về tố tụng. Còn việc kiểm sát các bản án, quyết định của Tòa án, Viện kiểm sát chỉ có thể thực hiện được sau khi Hội đồng xét xử đã tuyên bản án, quyết định. Vì vậy, khi tham gia phiên toà sơ thẩm, Kiểm sát viên chỉ phát biểu về kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng mà không phát biểu về việc giải quyết vụ án.

Đối với các phiên toà, phiên họp phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm, Kiểm sát viên tham dự phiên tòa, phiên họp có quyền phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án để thực hiện nhiệm vụ kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm, cấp phúc thẩm, đồng thời phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án và bảo vệ kháng nghị trong trường hợp Viện trưởng Viện kiểm sát có kháng nghị.

Về khởi kiện vụ án hành chính, theo quy định tại Điều 104 của dự thảo Luật, cá nhân, cơ quan, tổ chức nếu không đồng ý với quyết định hành chính, hành vi hành chính thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính ra Tòa án, không đặt ra điều kiện phải khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu rồi mới có quyền khởi kiện. Trường hợp cá nhân, cơ quan, tổ chức lựa chọn việc khiếu nại tại cơ quan hành chính thì khi hết thời hạn giải quyết theo quy định mà khiếu nại không được giải quyết hoặc được giải quyết nhưng họ không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu (hoặc giải quyết lần hai) thì họ vẫn có quyền khởi kiện vụ án tại Tòa án.

Theo Ủy ban thường vụ Quốc hội, quy định như dự thảo Luật là phù hợp, bảo đảm cho người khởi kiện được quyền tự do lựa chọn khiếu kiện với cơ quan hành chính hay khởi kiện vụ án tại Tòa án mà không bắt buộc phải qua thủ tục khiếu nại trước khi khởi kiện. Quy định này được coi là bước đổi mới căn bản về điều kiện, cơ chế giải quyết khiếu kiện hành chính ở nước ta.

H.V