Tấu lên bản nhạc hòa bình

Văn hóa - Ngày đăng : 07:36, 23/10/2010

(HNM) - Không khí hợp luyện của gần 1.000 nghệ sĩ đến từ khắp nơi trên thế giới cho đêm hòa nhạc lớn nhất trong lịch sử giao hưởng Việt Nam tại Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức một tuần gần đây khá sôi nổi.

Lần đầu tiên "Bản giao hưởng số 8" của nhà soạn nhạc người Áo Gustav Mahler sẽ được cất lên với đủ đầy sức sống vào tối nay (23-10) tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (57 Phạm Hùng, Hà Nội) để mừng Thủ đô 1000 tuổi.

Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam và các nhạc công khách mời gần 1.000 người sẽ được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc gia.

Gần 1.000 nghệ sĩ của Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam, Dàn hợp xướng Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, Học viện Âm nhạc quốc gia, Trường ĐHSP Nghệ thuật Hà Nội, ĐH Văn hóa nghệ thuật quân đội, Nhà văn hóa Thiếu nhi Hà Nội, Dàn hợp xướng quốc tế tại Hà Nội và những nghệ sĩ đến từ Nhật Bản, Malaysia đã nhận lời mời tham gia đêm hòa nhạc. Sức hút của một chương trình ý nghĩa và tầm vóc đã đem lại hứng khởi cho nghệ sĩ, học sinh, sinh viên theo đuổi âm nhạc "bác học". Không khí tập luyện đã "nóng" lên trên các sàn tập riêng lẻ ở mỗi đơn vị, tổ chức ngay từ đầu tháng 6. Những tập tổng phổ dày cộp của mỗi nghệ sĩ đều hằn sâu nếp gấp của sự say sưa tìm hiểu, luyện tập nghiêm túc và công phu. Có cảm giác, từ nhạc công đến dàn hợp xướng, ai cũng đã thuộc nằm lòng từng chi tiết trong bản giao hưởng và phần mình trình diễn.

"Giao hưởng số 8" hay còn gọi là "Bản giao hưởng 1000" của nhà soạn nhạc vĩ đại thời kỳ âm nhạc lãng mạn châu Âu Gustav Mahler là một kiệt tác vô cùng đồ sộ trong nền âm nhạc thế giới. Tác phẩm được hoàn thành vào năm 1906 với phần đầu dựa theo thánh ca "Venice Creator Spiritus" (Hỡi Đấng Sáng Thế hãy đến với chúng con) và phần hai dựng theo cảnh cuối trong vở kịch thơ vĩ đại nhất mọi thời đại của Goethe - "Faust". Những lời hát, điệu nhạc ngợi ca lòng nhân từ, sự thứ tha, tình yêu thương và lời nguyện cầu cho hòa bình của toàn nhân loại cũng như khơi gợi niềm tin cho loài người vượt qua khổ hạnh để đi tới tận cùng của chân lý. Tác phẩm luôn là một thách thức đối với mỗi tổ chức, quốc gia trên thế giới khi quyết định theo đuổi và trình diễn bởi những đòi hỏi khắt khe về số lượng nghệ sĩ và trình độ nghệ thuật. Mỗi lần tác phẩm được dàn dựng thành công đều là một dấu ấn trong lịch sử âm nhạc. "Điểm nhấn ở con số 1000 của tác phẩm trùng hợp với 1000 năm tuổi của Hà Nội. Hơn nữa tác phẩm có tầm vóc, thuộc hàng kinh điển trên thế giới thì thật xứng đáng để biểu diễn trong dịp kỷ niệm này. Thể hiện thành công tác phẩm sẽ đánh dấu trình độ biểu diễn, sự phát triển của nền âm nhạc Việt Nam và khả năng hợp tác, cộng tác với bạn bè quốc tế. Chúng tôi mới chỉ tổ chức những buổi hòa nhạc có vài ba trăm người tham gia nên để hợp luyện với 1.000 người là rất khó, dù rằng mọi người đều là nghệ sĩ chuyên nghiệp. Bởi chỉ chênh một nốt, lỡ một nhịp thôi là hỏng cả tác phẩm", NSƯT Ngô Hoàng Quân, Giám đốc Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam chia sẻ. Sau những chệch choạc ban đầu, qua từng đêm ráp nối, có thể thấy rõ sự tiến bộ. Các nhóm hợp xướng đã biết nghe nhau để điều chỉnh âm lượng và hòa giọng. Nhạc trưởng Honna Tetsuji, chỉ huy chính của dàn hợp xướng Graham Sutcliffe và các chỉ huy Hà Mạnh Chung, Đặng Châu Anh, Trần Nhật Minh, Lý Giai Hoa, Lê Vinh Hưng, Nguyễn Kiều Lan, Nguyễn Ngọc Tùng đã dần nở nụ cười hài lòng.

Diễn ra trong dư âm của Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, gần 1.000 nghệ sĩ cùng tấu lên bản nhạc hòa bình, hữu nghị. Và đêm nay, khán giả sẽ được thưởng thức một kiệt tác nghệ thuật lớn của nhân loại ngay trên quê hương mình.

Yên Nga