“Thấy lũ quen rồi, nhưng tài sản chừ còn răng...!”

Đời sống - Ngày đăng : 07:15, 23/10/2010

(HNM) - Những ngày này, về huyện Quảng Trạch (Quảng Bình), chúng tôi vẫn chưa nguôi vụ việc đau lòng xảy ra, chiều 30 Tết năm 2009, tại bến đò của xã Quảng Hải một con đò chở 82 khách bị chìm và thủy thần đã cướp đi mạng sống của 42 người.

Sau vụ việc đau thương ấy, tháng 8-2009 cầu Quảng Hải 1 và 2 đã được đưa vào sử dụng sau 6 tháng thi công. Từ ấy đến nay, người dân xã Quảng Hải nói riêng cũng như huyện Quảng Trạch nói chung mừng lắm, huyện nghèo này đã không còn những "ốc đảo". Vậy mà lần này lũ lên nhanh quá. Chủ tịch xã Quảng Hải thảng thốt: “Dân thấy lũ quen rồi. Xã không có thiệt hại về người, nhưng tài sản chừ còn răng”. Nghe mà buồn!

Lòng nhân ái vợi bớt nỗi đau

Đưa chúng tôi về Quảng Trạch, Tổng Biên tập Báo Quảng Bình, một người con của mảnh đất Cảnh Hóa kể lại: Ở ngoài đó cứ gọi là đợt lũ thứ 2, chứ ở Quảng Bình có lẽ là đợt lũ thứ 3, thứ 4 rồi. Nghe vậy, cứ nghĩ lời bài hát “Quảng Bình quê ta ơi” của nhạc sĩ Hoàng Vân có câu “bám biển đêm ngày, chiến thắng bão lụt đêm ngày”. Có lẽ vì thế mà đất này nhiều kinh nghiệm chống lũ vì năm nào chả mấy đận di chuyển đồ đạc trong nhà đưa lên “cha” (gác xép). Vậy nhưng nước lớn như đợt lũ vừa rồi thì tất cả đều vô nghĩa. Bí thư Đảng ủy xã Quảng Hải Trần Mạnh Hổ trầm ngâm: Đợt lũ trước vừa rút, ngày 12-10 chúng tôi lo xong vệ sinh trường lớp cho học sinh đến trường, mới được mấy hôm thì mưa xuống ầm ầm và từ rạng sáng ngày 16-10 hơn 70% nhà dân trong xã ngập trong nước lũ…

Quảng Hải kẹp giữa hai nhánh của sông Gianh là một trong những xã nghèo nhất so với 34 xã, thị trấn của huyện Quảng Trạch. Trận lũ hồi đầu tháng người dân đã mất mát quá lớn, nhưng rồi chưa đầy 10 ngày sau, đến trận lũ này hầu như tất cả đều trắng tay. Nghe mấy cán bộ ủy ban bảo, ông Hổ cũng đang ốm dở, còn Chủ tịch UBND xã Đoàn Xuân Thuận thì vừa phải vào nằm viện sau cả tuần lễ dầm mình trong nước lo chuyện của xã. Đau xót lắm chứ khi vụ lúa hè thu vừa rồi, sâu bệnh phá hoại, sản lượng lúa của Quảng Hải mất 1/3, rồi đến đợt lũ chồng lũ này tất cả đều cuốn theo dòng nước. Con đường ven sông Gianh cao hơn nhà dân chừng 1m, trụ sở UBND xã cao hơn mặt đường gần 1m mà dịp vừa rồi nước lũ dâng lên hơn 1m so với mặt nền. Lũ lớn như vậy còn hầu hết nhà dân ở đây toàn một tầng, lợp ngói. Cũng cần biết rằng thu nhập của hơn 3.000 dân ở đây mới đạt khoảng 250.000đ/tháng. Năm rồi, giao thông đi lại thuận tiện nhờ có 2 chiếc cầu mới xây thì sản lượng lương thực cả năm (tính toàn bộ lúa và hoa mầu) của cả xã mới đạt gần 700 tấn…

Hoàn cảnh cũng như Quảng Hải, xã Cảnh Hóa có tới hơn 80% số dân trong tổng số gần 4.400 nhân khẩu chịu cảnh ngập nặng. Chủ tịch UBND xã Hoàng Anh Dũng cho biết, ở đây năm nào cũng có một hai đợt lũ, nhưng nhỏ thôi. Lần này lũ lên lớn quá, dân thấy lũ quen rồi, xã không có thiệt hại về người “nhưng tài sản chừ còn răng!”. Nghe mà buồn! Nhưng quả thực nước lớn như thế mà bảo đảm an toàn được cho người dân đâu có đơn giản. Chúng tôi đã vào thăm cụ Hoàng Thị Chỉnh, năm nay đã 95 tuổi, sống một thân một mình, đi lại còn khó… Thôi thì, “4 tại chỗ”, hàng xóm tắt lửa tối đèn có nhau, trước hết dân mình phải tự lo cho dân mình thôi!

Có mặt tại xã Phù Hóa, chúng tôi thật cảm động khi trực tiếp được gặp đại diện của 100 hộ gia đình bị thiệt hại nặng nhất trong đợt mưa lũ vừa qua. Ông Trần Quốc Khánh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam của xã cho hay: Biết tin Quỹ Trái tim nhân ái Báo Hànộimới về trao tiền quyên góp ủng hộ người dân, tối hôm trước 6 thôn trong xã đã tổ chức họp bình xét từng trường hợp. Theo ông Khánh: “Điều quan trọng nhất là phải phân phối sao cho công bằng, đúng đối tượng”.

Ngày 22-10, Quỹ Trái tim nhân ái Báo Hànộimới đã trao 155 triệu đồng cùng mỳ ăn liền, nước uống, vở học sinh cho người dân 3 xã nói trên của huyện Quảng Trạch. Những thứ đó có thể là rất nhỏ so với những gì người dân ở đây đã bị lũ cuốn trôi, nhưng điều quan trọng là chúng tôi đã có mặt chia sẻ, sát cánh cùng bà con trong lúc khó khăn này.

Ngổn ngang khó khăn phía trước

Trải qua hai đợt lũ lụt liên tiếp, nhiều công trình đường giao thông của huyện Quảng Trạch đã bị hư hại nặng nề. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong cả hai đợt lũ, các công trình giao thông trên địa bàn bị nước cuốn trôi với khối lượng hơn 245.000m3, trong đó, đợt lũ thứ nhất là 200.000m3, đợt lũ thứ hai trên 45.000m3.

Ông Phan Văn Thanh, Trưởng phòng Hạ tầng kinh tế huyện cho biết, bị hư hại nặng nề nhất là các tuyến đường liên xã Quảng Sơn - Cao Quảng; Quảng Phú - Quảng Kim - Quảng Hợp; Quảng Tùng - Quảng Châu - Quảng Tiến; Quảng Phương - Quảng Lưu - Quảng Tiến; Quảng Lưu - Quảng Thạch và Quảng Tiến - Quảng Thạch. Hiện UBND huyện đang gấp rút chỉ đạo các ban, ngành và địa phương tập trung lực lượng để tu sửa một số tuyến đường liên xã, nội xã nhằm bảo đảm cho người dân đi lại.

Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Chí Lâm cho biết thêm: Tính tới thời điểm hiện tại toàn huyện có khoảng 850ha khoai vụ đông ngập nặng và hư hỏng; 700ha ngô và rau mầu bị ngập hoàn toàn; 110.000 gia súc, gia cầm bị chết hoặc lũ cuốn trôi… Đặc biệt, lương thực do dân tích trữ bị trôi và hỏng do ngập nước là trên 10.000 tấn, trong đó có 450 tấn lúa giống…

Hiện nay, về đời sống, bên cạnh việc tiếp nhận và cấp phát tốt các nguồn cứu trợ của Trung ương, tỉnh, các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm, trước mắt huyện đã đề nghị cấp trên hỗ trợ 2.735 tấn lương thực cho người dân vùng bị ngập nặng để cứu đói trong 3 tháng tới (tính theo mức 15kg/đầu người/tháng và trong số đó người dân tự lo tại chỗ 40%).

Về sản xuất, ngay sau khi nước lũ rút, huyện đã chỉ đạo bố trí lịch thời vụ phù hợp để có thể vừa triển khai trồng cây vụ đông muộn, vừa làm vụ đông xuân sớm và đông xuân chính vụ. Tập trung khôi phục lại diện tích khoai vụ đông bị hư hại và trồng thêm khoảng 800ha khoai vụ đông muộn, cải tạo, khôi phục đồng ruộng để trồng khoảng 1.000ha ngô đông xuân sớm và chính vụ, trồng lại diện tích rau mầu để người dân có thu hoạch sớm, bù lại phần nào số lương thực đã bị mất mát trong lũ lụt và cứu đói. Tiếp đó, bố trí các loại giống lúa dài ngày có chất lượng tốt, năng suất cao, chống chịu sâu bệnh đã qua kiểm định để làm vụ đông xuân. Phấn đấu tỷ lệ giống kỹ thuật đưa vào đồng ruộng phải đạt 70% trở lên trong tổng số diện tích 5.550ha của vụ đông xuân…

Những ngày lũ đã qua, những ngày tới trên đất Quảng Trạch nói riêng và toàn tỉnh Quảng Bình nói chung vẫn chưa hết khó khăn nhưng chúng tôi hy vọng trong thời gian không xa, nơi đây lại vàng óng những đồng lúa vào vụ gặt và ngược xuôi những con thuyền dưới bến đi khơi, ra lộng như trong bức tranh “Quảng Bình quê ta ơi” mà nhạc sĩ Hoàng Vân đã sáng tác.

Nhóm PV Hànộimới