Miền Trung: Bộn bề lo toan sau lũ dữ

Đời sống - Ngày đăng : 07:10, 23/10/2010

(HNM) - Bên cạnh việc tập trung lực lượng, phương tiện cứu giúp người dân vùng vẫn bị chia cắt thì môi trường, nguồn nước sinh hoạt, nguy cơ dịch bệnh đang là vấn đề cấp bách đặt ra với những khu vực nước đã rút ở miền Trung.

Mưa đã dứt 2 ngày nay nhưng số người thương vong ở miền Trung vẫn tiếp tục tăng thêm. Theo Ban chỉ đạo PCLB Trung ương, số người chết đã lên 76 (Nghệ An 24 người, Hà Tĩnh 20 người, Quảng Bình 12 người, Thanh Hóa 5 người và 15 người bị nạn trên xe khách 48K-5868 bị lũ cuốn trôi). Về giao thông, quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Hà Tĩnh đã cơ bản thông xe. Tuy nhiên vẫn còn một số đoạn đường ngập lụt nên cơ quan chức năng phải phân luồng hướng dẫn các phương tiện giao thông. Riêng tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn Yên Trung - Đức Thọ hiện đang bị ách tắc, có điểm ngập sâu đến 15m, đoạn đường sắt qua xã Đức Lạng, huyện Đức Thọ tiếp giáp đê Rú Trí đã bị trôi gần 1km nên Tổng Công ty Đường sắt phải chuyển khách tàu Bắc - Nam bằng ô tô đi qua khu vực này.

TNTN huyện Quảng Trạch giúp trường mầm non xã Quảng Minh khắc phục hậu quả lũ lụt. Ảnh: Hoàng Anh

Về sự cố vỡ đê Rú Trí (Hà Tĩnh), đến chiều 22-10, nước từ thượng nguồn vẫn đổ về rất mạnh nên việc khắc phục hậu quả vẫn gặp nhiều khó khăn. Theo Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh này, đê Rú Trí còn là đường giao thông đi lại của hàng trăm hộ dân của xã Đức Lạng, huyện Đức Thọ và xã Đức Hương, huyện Vũ Quang. Ông Bùi Lê Bắc, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCLB và TKCN Hà Tĩnh cho biết, tuyến đê này tuy ngắn nhưng quan trọng, trước đây thi công bằng thủ công thô sơ nên việc sạt lở là điều khó tránh khỏi. Chính vì vậy cần phải lập đề án cải tạo ngay nếu không khi lũ lớn sẽ dễ xảy ra sự cố vỡ đập hoàn toàn thì tai họa khôn lường. Liên quan đến công tác khắc phục tuyến đường sắt bị hư hỏng nặng do vỡ đê, ông Trần Hậu Bé - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ cho biết: Rất có thể phải mất khoảng 10 ngày tuyến đường sắt này mới có thể khắc phục.

Theo Cục Kiểm soát ô nhiễm (Tổng cục Môi trường), những vùng bị ngập lụt, môi trường bị ô nhiễm nặng. Cục khuyến cáo nhân dân tích cực khơi thông cống rãnh thoát nước và thu gom các loại chất thải rắn để xử lý hợp vệ sinh; chôn lấp xác gia súc, gia cầm chết cách xa các nguồn nước, giếng nước, nhà dân và dùng vôi bột để tẩy uế theo quy trình. Hiện Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam đã hỗ trợ đợt 1 gồm 1 tỷ đồng cho tỉnh Quảng Bình, 500 triệu đồng cho tỉnh Hà Tĩnh, 400 triệu đồng cho tỉnh Quảng Trị và 200 triệu đồng cho Thừa Thiên Huế để xử lý môi trường sau lũ.

Tại Hà Tĩnh, sau khi nước rút nhiều địa phương đã tổ chức ra quân làm vệ sinh môi trường. Ở huyện Thạch Hà, 31/31 xã đã thành lập 2 đội cơ động với 10 cán bộ về các địa bàn giám sát, hỗ trợ người dân; triển khai phun hóa chất khử trùng tại các trạm xá, trường học, các điểm công cộng ngay sau khi được dọn dẹp vệ sinh. Huyện đã phân bổ về các xã 2.000 viên và 140kg CloraminB và 35 cơ số thuốc phòng chống dịch bệnh sau lũ. Tại huyện Hương Khê, đã có 1.458 người mắc bệnh ngoài da, 1.707 người bị đau mắt, 108 trường hợp bị tiêu chảy. Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh Phan Thị Ninh cho biết, đang chỉ đạo các đơn vị chuyên môn về trực tiếp các vùng ngập lụt trọng điểm giúp đỡ người dân chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh như Trạm Da liễu thì khám và chữa các bệnh ngoài da, Trạm Mắt tập trung phòng và chống đau mắt, xử lý môi trường, nguồn nước và phòng chống các dịch bệnh nói chung. Tại huyện Lộc Hà, đã khảo sát, nắm chắc tình hình đời sống dân sinh, phân loại hộ thiếu đói, thiệt hại về mùa vụ, nuôi trồng thủy sản, giống cây con của nhân dân để có các giải pháp cứu trợ, hỗ trợ cho nhân dân công bằng hợp lý. Huyện cũng đã cấp phát tận tay cho nhân dân 320 triệu đồng, 3.750 thùng mỳ tôm, hơn 11.000 chai nước lọc, 100 tấn gạo, 30.000 bao tải, 120kg hóa chất Cloramin B, 100 thùng Pur để xử lý nước sạch.

Tại Nghệ An, mực nước trên sông Lam hiện đang xuống chậm. Các tuyến quốc lộ 1A, quốc lộ 7, quốc lộ 48 và các tỉnh lộ cơ bản đã thông tuyến. Tổng ước tính thiệt hại kinh tế do lũ lụt gây ra đến nay lên đến hơn 1.700 tỷ đồng. Sở Giáo dục - Đào tạo Nghệ An cho biết, hiện toàn tỉnh vẫn còn 148 trường học với khoảng 50 nghìn học sinh các cấp của 6 huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc và TP Vinh đang phải nghỉ học do nước lũ chưa rút. Ở những trường học nước lũ đã rút, ngành chỉ đạo tiến hành tổng dọn vệ sinh môi trường, lớp học. Dự kiến sang đầu tuần sau, các trường tổ chức trở lại học tập bình thường. Tuy vậy, một số trường vùng gần đê, rốn lũ hiện nước vẫn đang ngập sâu có khả năng chưa trở lại học tập được vào những ngày đầu tuần tới.

Hoài Đạo