Cần sự minh bạch

Đời sống - Ngày đăng : 07:03, 23/10/2010

(HNM) - Như Báo Hànộimới đã đưa tin, ngày 19-10, Viện Xã hội học (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) đã công bố một số kết quả về đợt khảo sát dịch vụ trò chơi trực tuyến (game online - GO) ở Việt Nam. Ngay lập tức, một số thông tin từ bản báo cáo này nhận được nhiều ý kiến phản biện cho rằng kết quả đó không đáng tin cậy.

Những câu hỏi không dễ trả lời

Ngay tại buổi công bố kết quả khảo sát, có nhà báo đã đặt vấn đề với nhóm nghiên cứu về việc có hay không sự tài trợ của VinaGame khi có sự xuất hiện của một số cá nhân thuộc công ty cung cấp game lớn nhất Việt Nam hiện nay, TS Trịnh Hòa Bình (Chủ nhiệm đề tài) cho biết, không có doanh nghiệp nào tài trợ cho đợt nghiên cứu này. Một "băn khoăn" nữa là, đợt khảo sát được thực hiện với quy mô 1.320 mẫu định lượng, hàng trăm trường hợp nghiên cứu định tính, tiến hành đồng thời tại 6 địa phương (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đồng Nai, Hải Dương) có đủ để "cung cấp những căn cứ khoa học, đề xuất với Quốc hội, các cơ quan chức năng những biện pháp quản lý thích hợp và hiệu quả" hay không?

Sức hút của game online khiến nhiều học sinh không dứt được. Ảnh: Như Ý

Trước đó, bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tỏ ra băn khoăn với kết quả khảo sát khi nhóm nghiên cứu phỏng vấn sâu 100 trường hợp. Tại mỗi tỉnh, số trường hợp được lựa chọn là 16-18 người, bao gồm lãnh đạo cộng đồng, công an, cán bộ văn hóa thông tin, giáo viên, phụ huynh, người chơi GO, đại lý GO/internet, nhà cung cấp dịch vụ... Như vậy, chỉ có khoảng 2 đối tượng chơi GO tại 1 tỉnh, thành được phỏng vấn sâu. Con số ấy, nếu các nhà xã hội học không có lời giải thích tường minh thì với người dân bình thường cũng chưa thể thuyết phục.

Trong kết quả khảo sát, không ít số liệu đưa ra cũng được dư luận đặt câu hỏi. Cụ thể: thông tin chỉ có 0,3% người trả lời nói thường chơi game qua đêm (từ 0h-6h); phim ảnh và thông tin trên internet có tác động rất lớn đến hiện tượng kích thích dâm ô, đồi trụy (chiếm 41,4% và 29,8%), còn GO chỉ có 4,2% người được hỏi lựa chọn; 5,2% số người chơi có biểu hiện "nghiện" GO. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng xếp lứa tuổi 16-20 vào cùng một đối tượng để hỏi, trong khi một khảo sát tại TP Hồ Chí Minh cho thấy các GO trên thị trường gần như chỉ phù hợp với nhóm từ 18 tuổi trở lên, tuổi có thể nhận thức và tự chịu trách nhiệm công dân mức cao nhất. Tiếp đến là đối tượng khảo sát chỉ có 73% người đang chơi, 22% người chưa từng chơi và 5% người đã từng chơi GO nhưng hiện nay không còn chơi nữa thì những câu trả lời mà nhóm nghiên cứu thu được đúng hay sai?

Độ "vênh" và sự minh bạch

Với mục đích đi tìm một phần câu trả lời cho những câu hỏi trên, chúng tôi đã tìm đến một số chuyên gia trong lĩnh vực tâm lý học và xã hội học, đa phần đều cho biết chưa nắm trong tay toàn văn bản báo cáo, các phương pháp nghiên cứu, bảng hỏi... và mới biết thông tin qua báo chí nên chưa thể nhận xét về độ tin cậy của kết quả khảo sát GO do Viện Xã hội học thực hiện. Trong khi đó, tại buổi họp báo sau khi công bố kết quả nghiên cứu, TS Trịnh Hòa Bình khẳng định với báo giới: "Các nhà khoa học không chịu bất cứ sức ép nào khi nghiên cứu".

Ngày 22-10, trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Long - Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam cho biết: Tôi chưa có điều kiện xem xét kỹ toàn bộ các số liệu về đợt khảo sát GO vừa công bố. Tuy nhiên qua thông tin báo chí và những số liệu được đề cập, tôi cho rằng có những điểm cần lưu ý. Ví dụ, cần phải có phân loại nhóm đối tượng trên và dưới 18 tuổi, vì đây là ngưỡng quan trọng khi xác định người có quyền và chưa có đầy đủ quyền công dân. Thêm nữa, việc khảo sát cần hướng tới nhóm đối tượng cụ thể, chứ không nên dàn trải bởi cần những nghiên cứu, khảo sát sâu theo từng nhóm thì mới có những kết quả chính xác và thuyết phục. Đây là phương pháp mà thế giới luôn sử dụng khi muốn khảo sát, đánh giá một vấn đề gì. Một điều dễ thấy trong kết quả khảo sát này cũng như trong dư luận khi nói đến GO là việc đánh giá theo cảm tính khá nhiều. Vấn đề GO cũng như dịch vụ internet hiện nay rất cần một cuộc khảo sát công phu, toàn diện trên toàn quốc, ở nhiều nhóm đối tượng nhằm đánh giá chính xác thực trạng cũng như tình hình GO và internet hiện nay.

Vừa qua Bộ GD-ĐT cũng đã yêu cầu các tỉnh, thành, các cơ sở đào tạo khảo sát thực trạng tác động xấu của trò chơi trực tuyến đối với học sinh, sinh viên và báo cáo về Bộ trước ngày 25-10. Điều này cho thấy, thực tiễn đã đặt ra một yêu cầu bức xúc về việc cần có bức tranh toàn cảnh về thực trạng GO.

Báo chí lâu nay vẫn đề cập hiện tượng vi phạm pháp luật do ảnh hưởng từ GO bạo lực, từ đó cảnh báo toàn xã hội về một loại "ma túy" mới đang tàn phá một bộ phận giới trẻ. Nhưng báo chí chỉ có vai trò nêu hiện tượng, còn việc khái quát hóa thành một đối tượng của khoa học thực nghiệm phải dựa trên những luận điểm, căn cứ khoa học. Nhưng rõ ràng, một số thông tin về GO do Viện Xã hội học công bố và những công bố của một số cơ quan chức năng gần đây có độ "vênh". Thiết nghĩ, Viện Xã hội học và nhóm tác giả thực hiện nghiên cứu này nên công bố toàn văn kết quả và quy trình đợt khảo sát lên internet để những ai quan tâm có thể tìm hiểu. Sự minh bạch là điều hết sức cần thiết trong khoa học!

Thế Dũng