Củng cố mô hình tập đoàn, vai trò định hướng của doanh nghiệp nhà nước

Kinh tế - Ngày đăng : 06:51, 23/10/2010

(HNM) - Đa số ý kiến thảo luận tổ trong phiên họp sáng 22-10 đều đồng tình với báo cáo của Chính phủ. Nền kinh tế nước ta từ chỗ suy giảm đã đạt được mức tăng trưởng khả quan, nhiều vấn đề dân sinh, xã hội được cải thiện. Tuy nhiên, một số tồn tại cũng được đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận và kiến nghị Chính phủ làm rõ thêm. >> Toàn cảnh kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII

Thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2010 và kế hoạch phát triển KTXH năm 2011, ĐB Đặng Văn Khanh (Hà Nội) đề nghị Chính phủ nên nghiên cứu đưa ra các chỉ tiêu sát thực đời sống xã hội, bảo đảm thực hiện hiệu quả sự điều hành của Chính phủ. "Nếu không chỉ tiêu sẽ không có hồn, không có sức sống". ĐB Khanh nêu ví dụ, về số liệu, chỉ tiêu GDP của ta đạt nhưng trong khi đó giá cả cũng tăng, đặc biệt giá vàng "nhảy múa" thì "cái chất" của GDP như thế nào?

Hoặc lĩnh vực giáo dục, có nhất thiết đặt chỉ tiêu tuyển sinh năm sau cao hơn năm trước hay không, trong khi bảo đảm chất lượng đào tạo cũng là vấn đề quan trọng?

ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) cũng đặt vấn đề, không nên chạy theo chỉ số tăng trưởng GDP vì trong chỉ số này có cả nợ, có cả thất thoát, có 86.000 tỷ đồng của Vinashin... phấn khởi mãi với GDP thì nguy hiểm. Bên cạnh tăng trưởng kinh tế còn phải tính đến văn hóa, giáo dục. ĐB Phạm Khôi Nguyên (Hà Nội) bày tỏ, một số chỉ tiêu về môi trường không đạt được vì không có kinh phí thực hiện. Ví dụ chỉ tiêu xử lý rác thải y tế, nếu xử lý bằng đốt mà công nghệ không tốt, chất độc phát tán nhanh hơn. Trong khi để có công nghệ tiên tiến, hiện đại, bảo đảm xử lý hiệu quả thì giá đắt vô cùng.

Việc phải tái cơ cấu Vinashin là bài học đắt giá trong quản lý các tập đoàn kinh tế. Ảnh: Hồng Thủy

ĐB Đặng Văn Khanh (Hà Nội) nêu, Tập đoàn Vinashin là một trong những Tổng công ty 90-91 của Nhà nước, sau là tập đoàn trực thuộc Chính phủ. Thế mà từ năm 1996 đến nay, nhất là giai đoạn từ năm 2000, nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra mà không phát hiện ra thua lỗ, sai phạm. Giờ xác định vi phạm thì hậu quả đã nghiêm trọng. Đương nhiên, trách nhiệm đầu thuộc về lãnh đạo tập đoàn nhưng trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan thì chưa được đề cập cụ thể trong báo cáo của Chính phủ. Các dự án bauxite ở Tây Nguyên cũng có nhiều ý kiến tranh luận. Mới đây có thông tin cho rằng đập hồ chứa bùn đỏ ở Tây Nguyên được thiết kế chịu được động đất cấp 8, song ở Hungari, có động đất đâu mà hồ chứa vẫn vỡ, gây hậu quả nghiêm trọng. Đây chính là bài học nhãn tiền chúng ta cần xem xét. Mục tiêu phát triển của chúng ta là bền vững nên công tác chỉ đạo, điều hành là hết sức quan trọng, vì thế cần quy định rõ trách nhiệm của từng tập thể, từng cá nhân người đứng đầu.

Cùng quan điểm, ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội) cho rằng, 5 năm qua, trong khi nhập siêu tăng, chính sách tăng cường sản xuất trong nước lại thiếu cụ thể. Có địa phương tuyên bố trải thảm đỏ mời nhà đầu tư nhưng khi doanh nghiệp vào rồi thì tăng thu vô tội vạ, thuế đất tăng tới 10 lần so với khi mời doanh nghiệp vào. Bài toán quy hoạch cũng chưa rõ ràng, mạnh ai nấy xin, hệ quả là thừa dự án, thừa nhà máy, hàng sản xuất ra không tiêu thụ được. Liên quan đến vai trò doanh nghiệp nhà nước (DNNN), ĐB Phạm Thị Loan đề nghị, DNNN chỉ nên giữ vai trò định hướng, doanh nghiệp ngoài quốc doanh mới là chủ đạo. Sau trường hợp Tập đoàn Vinashin, Chính phủ cần rà soát lại xem DNNN nào giữ vai trò định hướng? DNNN nào tồn tại? DNNN nào cần chuyển đổi? Bên cạnh việc giao quyền, quy định rõ trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm cá nhân trong điều hành, quản lý, sử dụng nguồn lực của Nhà nước.

ĐB Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) đề nghị xem lại chất lượng tăng trưởng, hiệu quả đầu tư, nhất là qua trường hợp Vinashin, cần củng cố kiện toàn mô hình tập đoàn. "Nếu thí điểm mà mất học phí cao như thế thì phải xem xét lại việc thí điểm. Nhà nước cấp tiền cho DNNN mà không phát triển được thì nên để cho dân doanh vay" - ĐB Cuông nói.

Khánh Khoa