Cơn ác mộng chưa qua

Thế giới - Ngày đăng : 06:40, 23/10/2010

(HNM) - Hơn 2 tuần trôi qua kể từ khi bể chứa chất thải khổng lồ của Nhà máy sản xuất nhôm Ajkai Timfolgyar bị vỡ, trút hơn 1 triệu mét khối bùn đỏ xuống thị trấn Ajka và những ngôi làng lân cận, người dân Hungary vẫn chưa hết bàng hoàng.

Tai họa bất thần này được ví ngang với sự cố tràn dầu tại vịnh Mexico sau khi giàn khoan của Công ty BP nổ tung, gây rò rỉ khoảng 200 triệu gallon dầu.

160 người chết, mất tích và bị thương cùng nhiều nhà cửa, cơ sở hạ tầng bị phá hủy là cái giá quá đắt cho sự bất cẩn của chính con người trong đó có đội ngũ quản lý Ajkai Timfolgyar và các nhà chức trách địa phương. Chưa kể những hệ lụy lâu dài để lại cho hệ sinh thái của cả một khu vực trải rộng trên 40km2. Đến hôm nay (23-10) hàng ngàn người dân Hungary, nhiều chuyên gia và tổ chức quốc tế vẫn phải vất vả "chiến đấu" với hy vọng giảm bớt mức độ nguy hại của thảm họa môi trường chưa từng có trong lịch sử thế giới.

Nhiều ngôi làng ở Hungary ngập trong bùn đỏ.

Theo Tổ chức Hòa bình xanh Katerina Ventusova, tác hại của "cơn ác mộng" mang tên bùn đỏ này lớn gấp 7 lần so với vụ rò rỉ chất cyanide từ bể chứa của một mỏ vàng ở Romania 10 năm trước.

Trên thực tế, trước khi tai họa giáng xuống Ajka, ít người biết rằng thứ "nước" trong bể chứa tại các khu khai thác quặng bauxite ở Hungary lại có chỉ số PH lên tới 13, tức là hơn cả loại thuốc tẩy mạnh nhất và gấp 1 triệu lần dung dịch trung hòa như nước tinh khiết. Với con người và động vật, dung dịch bùn đỏ có thể gây bỏng da, hoặc tổn thương nặng nếu vào mắt hay miệng. Còn với môi trường, kiềm trong bùn đỏ có thể tiêu diệt một phần thảm thực vật, làm hư hại đất canh tác. Đặc biệt, khi chảy xuống sông, bùn đỏ sẽ làm chết mọi sinh vật như tôm, cua và cá... Chưa hết, khi đã khô, bùn đỏ càng trở nên nguy hiểm hơn, những hạt bụi siêu mịn nhiễm kiềm có thể gây bệnh nặng khi xâm nhập cơ thể con người qua đường hô hấp. Các chuyên gia về chất thải cảnh báo trong vài năm tới, tại những khu vực bị lũ bùn đỏ tràn qua ở Hungary, số người mắc bệnh ung thư và các bệnh thuộc hệ thần kinh do tác động lâu dài của bùn đỏ sẽ tăng nhanh.

Các chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, sở dĩ nồng độ kiềm trong các bể chứa bùn đỏ lên cao như vậy là do Hungary đã để nó tự do tồn tại trong quá trình tư hữu hóa hàng chục năm qua mà không có những biện pháp kiểm tra thường xuyên và nghiêm túc. Đây là việc làm mà công luận Hungary cho là một sai lầm lớn, phản ánh một tầm nhìn thiếu trách nhiệm của các cơ quan chức năng, khi những lợi ích ngắn hạn và yếu tố lợi nhuận được cả nhà nước và doanh nghiệp đặt lên hàng đầu. Hậu quả là "những trái bom sinh thái" đều có khoảng cách không xa khu dân cư, thậm chí có nơi còn đặt rất gần sông Danube, con sông dài thứ hai ở châu Âu, xuyên qua 10 quốc gia và 4 thủ đô trong khu vực Trung và Đông Âu.

Một lần nữa, từ vụ ô nhiễm bùn đỏ tại Hungary, người ta lại nhắc đến những điểm yếu trên nền EU mở rộng. Khoảng cách Đông - Tây giữa các nước thành viên trong "ngôi nhà chung" đông đúc này ngày càng lộ rõ. Có thể trong thời gian tới, thay vì được hỗ trợ về tài chính nhiều khả năng Nghị viện châu Âu sẽ buộc Hungary phải gánh trách nhiệm về vụ này. Đa số nghị sỹ châu Âu trong chương trình nghị sự vào ngày 20-10, đã từ chối hỗ trợ tài chính cho Hungary trong vụ bùn đỏ và đặt vấn đề trách nhiệm của Nhà nước Hungary trong vụ việc này. Như vậy, hy vọng của Hungary về một khoản viện trợ cho thảm họa này đang dần tiêu tan.

Tuy nhiên, dù có tài trợ hay không cho việc khắc phục thảm họa bùn đỏ ở Hungary thì đó cũng không phải là biện pháp toàn diện trước thách thức mới đang lộ diện trong EU. Vì hiện nay tại Đông Âu, vẫn còn rất nhiều mỏ tại nhiều quốc gia đang khai khác quặng theo công nghệ lạc hậu. Trong khi đó, đến năm 2012, văn bản quy định về an toàn khai thác mỏ của EU mới được công bố. Câu hỏi đặt ra là trong thời gian tới có bao nhiêu "trái bom sinh thái" sẽ phát nổ trong lòng châu Âu như thảm họa bùn đỏ ở Hungary?

Quỳnh Chi