Cuối tháng 10, HN sẽ trình CP di dời các cơ sở y tế, GD ra ngoài trung tâm TP
Đời sống - Ngày đăng : 07:04, 22/10/2010
Chiều 21/10, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hà Nội Phí Thái Bình đã họp để thống nhất kế hoạch, phương án, tiến độ thực hiện chủ trương di dời các cơ sở y tế, giáo dục ra ngoài trung tâm Thành phố Hà Nội.
Việc di dời này là một trong những chỉ đạo của Chính phủ nhằm phát triển bền vững Thủ đô và cũng là nằm trong quy hoạch chung phát triển Thủ đô Hà Nội.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Vũ Tuấn Định, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc cho biết, hiện nay, Hà Nội tập trung phần lớn hệ thống các bệnh viện tuyến Trung ương của khu vực phía Bắc, đang quá tải trầm trọng và phải tiếp nhận số lượng lớn bệnh nhân từ các tỉnh lân cận. Các bệnh viện tập trung vào khu vực trung tâm gây quá tải về hạ tầng đô thị, không có điều kiện phát triển mở rộng; thiếu cơ sở, không đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh. Chỉ tiêu số giường bệnh trên quy mô dân số thấp; công suất hoạt động quá tải (nhiều bệnh viện trên 200% công suất); cơ sở hạ tầng thiếu thốn, chất lượng thấp…
Bên cạnh đó, lĩnh vực giáo dục chiếm 1/3 tổng số trường Đại học và Cao đẳng toàn quốc, chiếm 40% tổng số sinh viên toàn quốc (khoảng 66 vạn sinh viên), tập trung chủ yếu trong khu vực nội đô đã gây nên áp lực quá tải tới hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị. Chỉ tiêu bình quân diện tích đất/sinh viên và bình quân diện tích đất/cơ sở trường rất thấp so với tiêu chuẩn quốc gia, đạt 6-17m2/sinh viên (tiêu chuẩn phải trên 25m2/sinh viên), trong đó có 1/3 số trường chỉ đạt chỉ tiêu từ 0,2-6m2/sinh viên…
Để định hướng theo Quy hoạch chung của Hà Nội, sẽ xây dựng hệ thống y tế Hà Nội hiện đại, hoàn chỉnh và hiệu quả; phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao, đa dạng của nhân dân Thủ đô và nhân dân khu vực lân cận; trở thành trung tâm dịch vụ chất lượng cao khu vực phía Bắc, một trong trung tâm y tế lớn của cả nước và dần tiến tới là một trung tâm y tế uy tín ở khu vực và quốc tế; theo đó cũng giảm tải cho các cơ sở khám chữa bệnh hiện nay tại Hà Nội.
Lĩnh vực giáo dục sẽ tiếp tục phát triển Hà Nội trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực lớn nhất cả nước và trung tâm cung cấp dịch vụ đào tạo chất lượng cao của cả nước và khu vực; theo đó cũng phân bố mạng lưới cơ sở hợp lý làm động lực thúc đẩy sự phát triển đô thị theo mô hình cấu trúc đã được lựa chọn…
Bệnh viện đa khoa Xanhpôn là một trong những bệnh viện nằm ngay trung tâm HN.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên nhấn mạnh, hiện nay thực trạng các bệnh viện lớn đều quá tải. Như các Bệnh viện: Lao và Phổi Trung ương, Nội tiết, K, Nhiệt đới… Bộ Y tế đã có kế hoạch điều chuyển sang cơ sở 2 để giảm mật độ khám chữa bệnh (Bệnh viện Lao và Phổi Trung ương sẽ tách Lao và Phổi ra để chuyên sâu nghiên cứu điều trị). Bên cạnh đó, một số cơ sở 2 của các bệnh viện lớn cũng đã có kế hoạch xây dựng mới trong năm tới.
Để tiếp tục đầu tư xây dựng các bệnh viện cơ sở 2 chống quá tải, và cơ sở cũ vẫn phải nâng cấp…, Bộ Y tế kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Đối với Hà Nội, sớm phê duyệt tổng thể phát triển hệ thống y tế làm cơ sở định vị chương trình y tế đa chức năng; Đối với cơ sở khám chữa bệnh, cho phép mở rộng diện tích, tăng quá tải bằng cách tăng tầng khớp nối để đảm bảo diện tích gường, tăng diện tích cây xanh, môi trường...
Sau khi nghe các phát biểu tại cuộc họp của các Bộ Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Xây dựng và các sở ngành của Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hà Nội Phí Thái Bình chỉ đạo, đối với các lĩnh vực y tế, giáo dục phải xuất phát từ chính ngành đó để quy hoạch cho hợp lý. Ví như các bệnh viện sẽ gia tăng theo sự phát triển của dân số không chỉ ở Hà Nội mà thậm chí trên phạm vi toàn quốc; trên cơ sở đó, sẽ kiến nghị, đề xuất cần thiết gia tăng gường bệnh. Trên Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, sẽ kết hợp giãn ô ra theo các phía Đông, Tây, Nam, Bắc.
Phó Chủ tịch Thường trực cũng đề nghị: Bộ Y tế cùng với Hà Nội, trong đó giao cho Sở Quy hoạch Kiến trúc thống nhất quy hoạch, vị trí, đặc điểm, quy mô, quỹ đất. Thông qua việc này, Bộ Y tế cũng cần phải rà soát lại và thống nhất danh sách những cơ sở phải di dời và nơi đến; thống nhất với Hà Nội kế hoạch khi nào chuyển đi để Hà Nội chuẩn bị nguồn lực. Sở Quy hoạch Kiến trúc cùng Bộ Y tế rà soát kỹ những cơ sở y tế cũ, việc giữ lại một số cơ sở phải thống nhất trong cuối tháng 10 này để TP Hà Nội báo cáo với Thủ tướng Chính phủ.
Mặt khác, với lĩnh vực giáo dục, Phó Chủ tịch Thường trực đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét những cơ sở nào ở lại, cơ sở nào chuyển đi và đưa ra cơ chế khai thác tạo nguồn nhân lực. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần đi sâu nghiên cứu vào đề án của Bộ Xây dựng đã xây dựng để có những kế hoạch, lộ trình thực hiện.
Như vậy, sau cuộc họp chiều 21/10, TP Hà Nội và các bộ, ngành liên quan đã thống nhất cao đến cuối tháng 10/2010 sẽ chính thức có danh sách, giải pháp đề xuất Chính phủ di dời các cơ sở y tế, giáo dục ra ngoài trung tâm Thành phố.