Nhiều tranh luận về thuế suất và đối tượng chịu thuế

Chính trị - Ngày đăng : 07:02, 22/10/2010

(HNM) - Ngày 21-10, Quốc hội (QH) thảo luận về hai dự án luật: Luật Thuế bảo vệ môi trường (BVMT) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Kinh doanh bảo hiểm (KDBH). Đây là hai lĩnh vực được cho là


Dự án Luật Thuế BVMT đã được QH khóa XII cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7. Sau kỳ họp, UB TVQH đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến của các ĐBQH. Một trong những vấn đề được các ĐB quan tâm là đối tượng nào sẽ chịu thuế. ĐB Đinh Xuân Thảo (đoàn Kiên Giang) tán đồng với những đối tượng chịu thuế mà dự thảo luật nêu ra, song băn khoăn về đối tượng chịu thuế là xăng dầu. ĐB yêu cầu cần làm rõ sự khác biệt giữa thuế BVMT đối với xăng và "phí", đã có trong giá thành xăng dầu như hiện nay... ĐB Nguyễn Lân Dũng (đoàn Đắc Lắc) đề nghị đánh thuế BVMT đối với rau quả có dư lượng thuốc trừ sâu, như một biện pháp khuyến khích nông dân chủ động tiếp cận với công nghệ sản xuất sạch.

Một vấn đề khác được các ĐB đề nghị quy định rõ trong luật là mức thuế suất. Thay vì nêu rõ mức thuế như trong dự thảo luật, các ĐB Nguyễn Trung Nhân (đoàn TP Cần Thơ), Lương Phan Cừ (đoàn Đắc Nông)... đề nghị tính thuế suất theo phần trăm giá thành sản phẩm gây hại cho môi trường, vì thực tế giá cả có thể biến động liên tục. Nếu áp mức thuế cụ thể có thể gây thất thu thuế. Để cụ thể hơn về mức thuế suất, các ĐB cho rằng cần xác định lại rõ hơn mức thuế suất cho phù hợp với mức độ gây hại của mỗi loại đối tượng chịu thuế. Theo ĐB Trần Thị Dung (đoàn Điện Biên), mặt hàng than phải có mức thuế suất BVMT cao hơn xăng. ĐB Nghiêm Vũ Khải (đoàn Điện Biên) cho rằng, có nhiều loại than khác nhau và mức độ gây ô nhiễm khi sử dụng cũng khác nhau, đòi hỏi phải có mức thuế khác nhau...

Chiều cùng ngày, QH thảo luận tại tổ về nội dung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật KDBH. Luật này đã được QH khóa X, Kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 9-12-2000, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-4-2001.

Qua thảo luận, phần đông các ĐB khẳng định, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KDBH lần này là rất cần thiết. ĐB Nguyễn Đình Quyền (đoàn Hà Nội) cho rằng, đến thời điểm này, thị trường KDBH đã trở nên hết sức sôi động, đòi hỏi phải có điều chỉnh thích hợp. Các ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Đặng Văn Khanh (Hà Nội), Nguyễn Duy Hữu (Đắc Lắc)... đều cho rằng rất cần thiết phải có Luật sửa đổi, bổ sung Luật KDBH để tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp KDBH, đồng thời giúp cho công tác quản lý của Nhà nước tốt hơn. ĐB Nguyễn Duy Hữu nêu nhiều bất cập, thiếu minh bạch đã nảy sinh trong quá trình hoạt động KDBH tại Việt Nam, chẳng hạn là sự yếu thế của người mua bảo hiểm khi nội dung các hợp đồng, hình thức bảo hiểm quá phức tạp; không có biểu mẫu thống nhất... khiến người mua bảo hiểm thường chịu thiệt thòi. ĐB Phạm Thị Loan (đoàn Hà Nội) còn chỉ rõ, luật cũ thiếu căn cơ, chưa đáp ứng được việc quản lý hoạt động của các doanh nghiệp ngoài nước.

Các ĐB đã đóng góp nhiều ý kiến cụ thể đối với các điều khoản, nội dung, nhằm quản lý, giám sát hoạt động KDBH. ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội), Vũ Quang Hải (Hưng Yên) nêu ý kiến cần quy định rõ về tái bảo hiểm trong KDBH, "bảo hiểm qua biên giới" và các hình thức giám sát tài chính đi kèm... ĐB Nguyễn Đình Quyền cho rằng, ngay trong nội dung luật cần nêu rõ những hình thức can thiệp cụ thể của Nhà nước đối với hoạt động KDBH, không nên để Chính phủ hay Bộ Tài chính hướng dẫn dưới luật...

Theo dự kiến của QH, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật KDBH sẽ được xem xét và thông qua ngay tại kỳ họp lần này. Các ĐB khẳng định cần sớm hoàn thiện những điểm mấu chốt trong dự án luật, làm sao để minh bạch hóa hoạt động KDBH, có hàng rào kỹ thuật bảo vệ doanh nghiệp trong nước và nhất là bảo vệ quyền lợi của người mua bảo hiểm...

* Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh: Về dự án Luật Thuế BVMT, có những đề xuất bổ sung vào đối tượng chịu thuế một số hàng hóa và sản phẩm. Tuy nhiên nghiên cứu ở các nước cho thấy có nhiều giải pháp khác, chỉ đánh trực tiếp vào những sản phẩm gây ô nhiễm lớn. Ví dụ, có nước chỉ đánh thuế một mặt hàng là xăng dầu. Riêng thuốc lá không thấy có nước nào đánh thuế, mà điều tiết thông qua thuế tiêu thụ đặc biệt.

Có ý kiến nói rằng giữa thuế và phí đối với xăng dầu thì tại sao đánh thuế, rồi lại bỏ phí. Từ thực tế phát triển, trước đây chúng ta thiết kế phí, hiện nay chúng ta xây dựng thuế bảo vệ môi trường sẽ bỏ phí xăng dầu. Về chế tài xử lý vi phạm, hiện nay chúng ta đã có Luật Quản lý thuế, xử lý tất cả những quy trình về quản lý thuế từ khâu kê khai, nộp thuế, truy thu thuế, cưỡng chế thuế đã được quy định. Hiện, chúng tôi đang cho tổng kết, xem xét luật này thực hiện đã tốt chưa, nếu cần thiết sẽ trình với QH đưa vào chương trình để sửa đổi, bổ sung.


Tư Đô ghi

Thành Tâm