Nghệ An: Nước rút, nỗi lo chưa vơi

Đời sống - Ngày đăng : 07:19, 21/10/2010

(HNM) - Sáng sớm ngày 20-10, CSGT Hà Tĩnh thông tin QL1A đoạn Nghệ An - Hà Tĩnh đã thông. Nhưng trên thực tế, cho tới đầu giờ chiều cùng ngày, chưa có một chuyến xe khách nào của Hà Tĩnh hay các tỉnh phía trong theo QL1A ra được Nghệ An, ùn tắc đang diễn ra nghiêm trọng tại 6 điểm.

Cũng như các đơn vị đang thực hiện việc cứu trợ, đoàn công tác của Quỹ Trái tim nhân ái Báo Hànộimới vô cùng sốt ruột. Lúc này cả nước đang hướng về miền Trung mà cụ thể là Hà Tĩnh - Quảng Bình. Trời Nghệ An hửng nắng, nước cũng đã bắt đầu rút chầm chậm, nhưng những nỗi lo không hề vợi đi.

Lực lượng cứu hộ trao quà cứu trợ cho người dân huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Ngọc Hải

Trăn trở về những ngày tới

Đã có mặt tại một số xã của Nghi Lộc - một trong những huyện được coi là thiệt hại nặng nề nhất của tỉnh Nghệ An - nên khi về Nam Đàn chúng tôi quả thực rất bất ngờ vì không nghĩ ở đây ngập nặng như vậy. Phó Bí thư Huyện ủy Đinh Quang cho biết, tới thời điểm này ở Nam Đàn đã có 10 nhà dân bị sập, còn ngót 4.000 hộ dân ngập trong nước, gần 26.000ha ngô và rau màu mất trắng, gần 700ha ao, hồ nuôi cá nước ngập tràn… Tổng tài sản ước tính trên 100 tỷ đồng. Sau 4 ngày nước lũ sồng sộc đổ về, bây giờ nước đã rút được khoảng 20-30cm. Đưa chúng tôi xuống xã Nam Kim 1, nơi còn gần 2.400 người dân bị nước lũ cô lập, Chánh Văn phòng Huyện ủy Vương Hồng Thái phân trần: "Nước đã rút nhưng đã hết lo mô! Thì lúc này, việc cứu trợ cho huyện Nam Đàn cũng như các địa phương khác trong tỉnh Nghệ An cũng đã vãn, tất cả mọi nỗ lực đang được dồn cho Hà Tĩnh, Quảng Bình. Nhưng cuộc sống người dân thì vẫn chưa trở lại bình thường, nhiều nơi vẫn chịu cảnh ngập nặng, nước lũ chia cắt. Vậy là địa phương lại phải gồng mình lo cho bà con, dù chỉ là mì ăn liền và nước uống cầm cự chờ nước rút. Xuồng cứu hộ chở hàng vào các xóm Tiền Láng, Hạ Trung, Thường Tuy nhìn cảnh bà con người bì bõm trong nước, người bơi thuyền ra nhận hàng mà thấy nhói lòng. Xuồng máy không thể chuyển hàng vào từng nhà dân. Còn cán bộ thôn, xóm thì chỉ chuyển được mỳ ăn liền và nước uống tới các gia đình chính sách và những hộ dân già cả, neo người. Bà Đặng Thị Duệ, 50 tuổi, ở xã Nam Kim mắt ngân ngấn nước cho biết, đã 5 ngày nay phải sống bằng mỳ tôm và nước uống do lực lượng cứu hộ đưa vào. Thế nhưng, nỗi lo lớn nhất mà bà sắp phải đối mặt chính là cuộc sống sau lũ. Bà Duệ có 2 sào ruộng đang trồng ngô thì ngập sạch, thóc lúa trong nhà vừa thu hoạch xong cũng bị nước lũ nhấn chìm. Giờ một thân một mình, bà không biết sẽ phải xoay sở thế nào trong mùa vụ tới…

Vẫn còn may, cả xã hơn một vạn dân thì gần một nửa ở vùng bán sơn địa, nửa còn lại hầu hết người già, con trẻ đều đã được chuyển ra nơi an toàn. Trên đường trở về nơi xuất phát, mấy ông cán bộ của huyện, xã lại bận chụm đầu tính toán, lên kế hoạch tổng vệ sinh trường lớp cho tụi học sinh sớm đến trường, rồi tẩy trùng nguồn nước sinh hoạt, phòng chống dịch bệnh, rồi lo tiền cho dân vay mua gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản… Thế mới biết "làm đầy tớ" cho dân ở cơ sở cái gì cũng đến tay. Giữa mênh mông nước lũ, những cánh cò trắng nhiều vô kể, nhưng đối lập lại không phải khung cảnh của những làng quê yên bình mà là những xóm làng đang nổi chìm trong con nước…

Thực hư về chuyện vỡ đê tả sông Lam

Từ Nam Đàn, chúng tôi đi dọc theo đê tả sông Lam, qua địa phận huyện Hưng Nguyên hướng về phía cầu Bến Thủy. Ngoài đê, xã Hưng Lĩnh ngập chìm trong nước, không thể phân biệt được ranh giới giữa các xóm và dòng sông Lam. Chỉ thấy thấp thoáng những mái nhà, còn những cánh đồng trồng màu chỉ chưa đầy tháng trước còn xanh ngắt cả bãi sông thì giờ này lũ đã ôm trọn. Cách di chuyển duy nhất của người dân lúc này là chèo thuyền, dù nước đã rút nhưng nhiều hộ dân vẫn chuyển đồ đạc lên đê. Những chiếc lều căng bằng nilông xuất hiện trên mặt đê dài cả dãy. Trâu bò cũng được đưa lên đê chạy nước. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Đình Quang cho biết, hơn 70% số hộ dân tại 4 xóm của xã hiện vẫn bị nước lũ cô lập. Nhiều nhà phải chuyển lên sống tạm trên mặt đê…

Thêm một đoạn đường nữa là địa bàn xã Hưng Lam. Thật may tại Km78+400 chúng tôi gặp Phó Chi cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão tỉnh Nghệ An Lê Đình Long và các cán bộ kỹ thuật tuyến của Hạt chuyên trách quản lý đê Hưng Nguyên 1. Nơi đây một hai ngày trước có tin đồn râm ran là bị vỡ, làm nước lũ phủ trắng mấy huyện và ngập cả TP Vinh. Trần Tuấn Anh, một cán bộ của Hạt cho biết: "Vào 3 giờ sáng ngày 17-10 khi tôi đi tuần đê thì phát hiện ra sự cố ở đây. Cụ thể là 2 vết nứt, mỗi vết dài hơn 10m, làm đất sụt xuống khoảng 30cm". Theo ông Lê Đình Long, ngay sau khi được cấp báo về sự cố trên, Chi cục Quản lý đê điều của tỉnh đã trực tiếp xuống khảo sát kỹ thuật và thực hiện các biện pháp như dùng nilông phủ các vết nứt để tránh việc ngấm nước mưa làm sạt lở đất, đóng cọc tiêu theo dõi, huy động địa phương đóng hơn 3.000 bao đất đắp chặn dưới chân đê… Các đoàn công tác của Bộ NN&PTNT, Cục quản lý đê điều cũng đã về kiểm tra, nắm tình hình việc khắc phục sự cố. Hiện nay lực lượng chức năng đã tổ chức ứng trực theo dõi 24/24h, nếu có hiện tượng bất thường sẽ kịp thời xử lý ngay. Còn với tình hình như hiện thời, tốt nhất là chờ nước rút mới xử lý để bảo đảm kỹ thuật. Trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An đang có 104km đê cấp Trung ương và hơn 450km đê cấp địa phương quản lý. Người dân hoàn toàn có thể yên tâm về những con đê này.

Đã có thể an lòng khi nước lũ ở Nghệ An bắt đầu rút nhưng chắc chắn cuộc sống trong những ngày tới của người dân sẽ còn không ít khó khăn, tài sản cơ nghiệp của nhiều hộ gia đình đã trôi theo dòng lũ… Dải đất miền Trung dường như luôn được thiên nhiên "ưu đãi" cho sự khắc nghiệt, mấy tháng trước vừa mới canh cánh nỗi lo hạn hán thì hôm nay đang khổ vì sự tàn phá của nước lũ…

Nhóm PV Hànộimới