Cỗ xe tam mã vào đường đua
Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 06:50, 21/10/2010
Thủ tướng Đức Merkel, Tổng thống Pháp Sarkozy và Tổng thống Nga Medvedev trong cuộc họp báo ngày 19/10. (Nguồn: Getty Images) |
Xét về tổng thể, kỳ vọng về một tương lai sáng sủa trong quan hệ Nga - Pháp - Đức là hoàn toàn có cơ sở nếu đặt Hội nghị Deauville trong bối cảnh gần đây các bên liên quan đều mong muốn dẹp bỏ những bất đồng và nghi kỵ. Đặc biệt, sau khi Nga đưa quân vào Nam Ossetia để ngăn chặn cuộc tấn công của Georgia - một đồng minh thân thiết và là một tiền đồn của Mỹ và phương Tây trong kế hoạch Đông tiến, quan hệ giữa Nga với Liên minh châu Âu (EU) nói chung, với Đức và Pháp nói riêng bị sứt mẻ đáng kể.
Cuộc gặp mặt Nga - Pháp - Đức cho thấy, dù có mối quan hệ hữu hảo với người anh em Mỹ, các quốc gia trong EU đều phải chấp nhận một thực tế rằng, Mátxcơva không chỉ là đối thủ cạnh tranh mà còn là đối tác ưu tiên. Nói một cách khác, EU không có nhiều phương tiện có thể gây áp lực hiệu quả với Mátxcơva ngoài những chỉ dấu về ngoại giao. Vì nước Nga hiện nay không còn là nước Nga của những năm cuối thế kỷ trước, phải chấp nhận "thế yếu" trên các diễn đàn quốc tế. Với việc thanh toán được các khoản nợ nước ngoài, nền kinh tế phục hồi nhanh chóng, Mátxcơva hiện có đủ tư thế để khẳng định, EU không thể áp đặt các giá trị cho xứ sở Bạch dương. Trong khi còn phải phụ thuộc tới hơn 30% năng lượng vào Nga và chưa tìm được nguồn cung thay thế về dầu và khí đốt, đối đầu thực sự với Mátxcơva coi như EU đã tự mang đá ghè chân mình. Do đó, với các nhà lãnh đạo của Pháp và Đức, cuộc họp thượng đỉnh ở Deauville là cơ hội để thắt chặt mối quan hệ với Nga và kéo Mátxcơva vào sâu hơn cái mà Điện Élysée gọi là "một không gian kinh tế, con người và an ninh chung ở châu Âu".
Với Nga thì khác, Mátxcơva đã thành công hơn EU trong quá trình đa dạng hóa nguồn cầu, đưa châu Á - Thái Bình Dương thành thị trường xuất khẩu dầu lớn thứ ba của Nga vào năm 2020. Lễ khánh thành đường ống dẫn dầu dài 1.000km từ Đông Siberia qua Trung Quốc vào cuối tháng 8 vừa qua là một minh chứng cụ thể cho nỗ lực của Mátxcơva nhằm cân bằng chiến lược xuất khẩu dầu, tránh phụ thuộc vào một khách hàng chiến lược nhưng có nhiều mâu thuẫn như EU. Ngoài ra, Nga cũng đã đi trước Cựu lục địa một bước để chiếm lĩnh các hợp đồng khai thác năng lượng béo bở ở châu Phi như dự án đường ống khí đốt xuyên Sahara, đi từ Nigieria tới Angieri dài 4.300km. Nhưng dù sao Mátxcơva cũng không thể phủ nhận EU là một đối tác lớn, mang lại nhiều lợi ích trong nhiều lĩnh vực.
Rõ ràng, giữa lúc cuộc khủng hoảng tài chính đang để lại những thiệt hại khá nặng nề, việc 3 thành viên trong Nhóm quốc gia có nền công nghiệp phát triển (G8) xích lại gần nhau là một động thái tích cực cho lộ trình thực hiện chủ trương tái cấu trúc hệ thống tài chính toàn cầu. Nhưng trong con mắt của Mỹ, vấn đề không chỉ đơn giản có vậy. Cuộc gặp ở Deauville được Washington cho là làm sống lại "bộ ba" vốn hình thành trong giai đoạn năm 2003-2005 - một "bộ ba" khá nhất quán trong việc phản đối cuộc chiến tranh do Mỹ và Anh phát động nhằm vào Iraq. Mục đích trong những cuộc gặp của Nga, Đức và Pháp lúc bấy giờ là ngăn ngừa Nhà Trắng "mượn gió bẻ măng" sau cuộc chiến này để tạo dựng và duy trì thế đơn cực trong quan hệ quốc tế. Thế nên, cuộc gặp được xem là mới về nội dung nhưng cũ về hình thức giữa 3 cường quốc của châu Âu vừa diễn ra không khỏi khiến Mỹ phải quan tâm. Hiển nhiên, đây là một nỗ lực của Nga, Đức và Pháp để xây dựng một cực mới trong thế giới đa phương trên nền căn bản của Liên hợp quốc.
Tuyên bố chung được 3 thành viên thường trực HĐBA LHQ đưa ra tại Deauville thể hiện sự xích lại gần nhau hơn giữa 3 nước; đồng thời bao trùm nhiều vấn đề nóng của châu Âu và thế giới là một minh chứng củng cố mối quan tâm của Nhà Trắng về một cỗ xe tam mã của châu Âu. Trong bối cảnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chuẩn bị thông qua dự thảo học thuyết quân sự mới tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng 11 tới, điều khiến "chú Sam" e ngại là hình ảnh Đức, Pháp - hai thành viên của NATO - thân thiện với Nga có thể tạo ra sự phân cực trong nội bộ cỗ máy quân sự lớn nhất hành tinh.