Ánh sáng nhân văn

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:40, 21/10/2010

(HNM) - Cơn lũ ập xuống miền Trung cách đây hai tuần đã gieo đau thương, tang tóc, hơn 60 người chết, hàng chục người mất tích, con mất cha, vợ mất chồng, học trò mất cô giáo… Nước mắt nhòa nước lũ, khúc ruột miền Trung quặn thắt những nỗi đau.


Để rồi mảnh đất nắng lắm, mưa nhiều lại oằn mình trong cơn lũ mới kinh hoàng hơn, tang tóc nhiều hơn. Lũ chồng lên lũ, cả dải đất nghèo mênh mông nước trắng. Nước cuốn trôi tất cả những gì còn sót lại sau cơn lũ đầu tiên. Người dân vùng lũ chỉ còn biết đợi chờ trong nỗi đau vò xé, trong đói, lạnh…

Trắng trời, trắng nước, những ánh mắt tuyệt vọng trong nỗi kinh hoàng nhìn thủy thần nhấn chìm tất cả; những bàn tay bé xíu đẩy mái ngói vẫy vùng chờ cứu trợ. Chiếc thuyền nhỏ chênh vênh như muốn lật chìm cùng người xấu số đã thiệt mạng trong cơn lũ. Đám tang chỉ với vài ba người thân tiễn đưa cô quạnh trong ngập tràn nước mắt và nước mưa. Bàn thờ vội vã đặt lên nóc nhà chơi vơi không hương, không hoa. Vòng trắng khăn tang úp vội lên đầu con trẻ. Nhiều nơi, bà con không biết cách gì để an táng người chết đuối bởi nước lũ cuồn cuộn. Có lẽ phải đợi đến khi nước rút dần, người quá cố mới được khâm liệm vào quan tài rồi chở lên đồi chôn tạm…

10 giờ ngày 20-10, các nhà sư đã làm lễ cầu siêu cho nạn nhân mất tích trên chuyến xe khách bị lũ cuốn trôi tại Nghi Xuân, Hà Tĩnh. 19 người, có cả trẻ em vẫn đang nằm dưới dòng nước lạnh. Tiếng cầu kinh hòa vào khói nhang, tiếng nấc nghẹn trong tiếng khóc: "Con ơi, về với mẹ đi, ở dưới đó lạnh lắm!". Hương hoa để xuống lòng sông, trôi theo dòng nước mang theo ước nguyện trong nỗi đau của hàng chục gia đình để những người xấu số không còn lạnh lẽo trong cảnh trần ai, nước vẫn trắng đồng, trắng bãi, trắng xóm làng…

Những hình ảnh đó như xé nát tâm can. Khúc ruột miền Trung đến bao giờ giảm bớt nỗi đau, đồng bào miền Trung bao giờ hết cực? Lạy trời đừng mưa xuống nữa!

Vậy mà mọi sự đã hết đâu, huyện Yên Thành, Nghệ An rung lên trong cơn động đất. Đê Rú Trí, Hà Tĩnh vỡ, nhiều con đê, hồ chứa nước càng trở nên mong manh hơn trước sức tàn phá của thủy thần. Và nếu "siêu bão" Megi khó lường đổi hướng làm mưa, liệu miền Trung còn đủ sức chống chọi?

Những dòng nước mắt rồi cũng phải lặn vào nỗi đau, những kinh hoàng, lo sợ cũng nguôi ngoai dần. Trước mắt vẫn trắng trời, trắng nước, đồng bào còn phải lo chống chọi với cuộc sống thực tại vô cùng khắc nghiệt. Nhưng những ám ảnh tang thương trên mảnh đất đã tưởng như quen với mưa với bão thì không bao giờ nguôi ngoai được.

Bên ly cà phê óng ánh ở thành phố với cái nắng cuối thu gọi nắng đầu đông, có ai nghĩ đến đồng bào mình nơi nước trắng mênh mông mà vẫn không có nước uống? Bên tô phở ngầy ngậy mùi thơm, có ai nghèn nghẹn nghĩ đến những người già đang trẹo miệng nhai mỳ tôm sống vì không có lửa, không có củi? Trong tấm chăn ấm êm của mỗi gia đình có ai thương bà con mình ngày ngày dầm mình trong nước lũ? Trong tiếng reo vui khi trống trường điểm đến giờ chơi có ai nghĩ đến các bạn mình đang lả đi vì lạnh, vì đói và không biết bao giờ mới được trở lại mái trường?

Nếu mỗi chúng ta đều có người thân đang chịu những nỗi đau tột cùng nơi mênh mang lũ cuốn, chúng ta nghĩ gì?

Bởi vậy, hãy hành động để giúp bà con miền Trung. Vì đó là lương tâm, là trách nhiệm và là ánh sáng nhân văn của con người.

Thế Phương