Nóng chuyện thiếu than cho các nhà máy xi măng
Kinh tế - Ngày đăng : 23:18, 20/10/2010
Về nguyên nhân của việc thiếu than cho sản xuất xi măng, ông Hùng lý giải có cả vấn đề khách quan lẫn chủ quan. Khách quan là do thời tiết có nhiều diễn biến bất thường, nhất là trong quý 3/2010. Về chủ quan, có một số nhà máy xi măng mới, sản xuất chậm hoặc sản xuất chưa ổn định trong thời gian đầu nên khối lượng than mua thấp hơn dự kiến. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị có khó khăn về tài chính, thanh toán tiền than không đúng thời hạn hợp đồng.
Theo đó, tại thời điểm phát sinh tiền than quá hạn thanh toán, hai bên tạm dừng giao nhận than theo quy định trong hợp đồng để không làm tăng số dư công nợ. Thực tế, trong tháng 9/2010, hầu hết khách hàng đều phát sinh nợ tiền than quá thời hạn thanh toán thỏa thuận trong hợp đồng, ảnh hưởng đến tiến độ và khối lượng than giao nhận.
Còn về phía Vinacomin, ông Hùng thẳng thắn nhìn nhận cũng có những thời điểm không đủ nguồn than cám 3,4 để cung cấp cho khách hàng, đặc biệt vào các thời điểm phải thực hiện tiết giảm điện (mùa khô) và ảnh hưởng của mưa lớn, thời gian mưa kéo dài trong quý 3/2010.
Ngoài ra, ông Hùng cũng giải đáp thắc mắc việc than phục vụ cho sản xuất trong nước hiện còn thiếu nhưng Vinacomin vẫn xuất khẩu than ra nước ngoài. Theo ông Hùng, trong 9 tháng đầu năm, Vinacomin xuất khẩu 14,1 triệu tấn than, giảm 18% so với cùng kỳ; dự kiến cả năm sẽ xuất khẩu 19,5 tấn than. Việc xuất khẩu than là nhằm cân đối nguồn tài chính, đảm bảo thu nhập, ổn định đời sống người lao động trong ngành than…
Trong thời gian tới, để đảm bảo cung than cho phục vụ sản xuất xi măng, ông Hùng khẳng định, trong điều kiện thời tiết thuận lợi, tại quý 4/2010, Vinacomin sẽ nỗ lực sản xuất, tiếp tục áp dụng các biện pháp tuyển, rửa, tăng sản lượng than cám tốt, đáp ứng các nhu cầu sử dụng than trong nước, than cung cấp cho các hộ xi măng sẽ tăng lên. Ngày 5/10 vừa qua, Vinacomin đã cung ứng cho các hộ xi măng 14 ngàn tấn, dự kiến sẽ đẩy lên mức 18-19 ngàn tấn/ngày, phấn đấu cả năm thực hiện cấp đủ than theo hợp đồng đã ký.
Bên cạnh đó, Vinacomin cũng đề nghị khách hàng sử dụng than trong nước nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp kỹ thuật mới, hiệu chỉnh công nghệ, sử dụng chủng loại than chất lượng thấp hơn, phù hợp và tiết kiệm. Đặc biệt, với các nhà máy xi măng có thể dùng loại than cám 4b và cám 5 (như xi măng Vissai Ninh Bình, xi măng Nghi Sơn…), sẽ tiết kiệm hơn.
Mặt khác, do nguồn than trong nước có giới hạn nên Vinacomin đề nghị các khách hàng, các nhà máy xi măng đàm phán và ký hợp đồng mua bán than đối với Tập đoàn trước khi xây dựng nhà máy để có thể chủ động được nguyên liệu. Hiện mới chỉ có Công ty Phúc Sơn, Công ty Sông Giang Cosevco ký hợp đồng mua than dài hạn với Vinacomin, còn các hộ khác đều chưa có hợp đồng cung cấp than dài hạn. Theo cân đối hiện nay của Vinacomin, đến năm 2015 dự kiến nước ta phải nhập khẩu than.
Những thông tin trên đã được ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết trong cuộc họp báo chiều 20/10 công bố về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh 9 tháng đầu năm 2010 và kế hoạch quý IV/2010 của Tập đoàn Vinacomin.
Trong 9 tháng đầu năm, Vinacomin đã khai thác được 34,64 triệu tấn than nguyên khai, đạt 74,1 kế hoạch năm, bằng 102% so với cùng kỳ năm 2009. Tập đoàn cũng đã tiêu thụ được 31,19 triệu tấn than, đạt 72,6% kế hoạch năm và giảm 3,4% so với cùng kỳ năm 2009; trong đó xuất khẩu 14,1 triệu tấn, tiêu thụ nội địa 17,09 triệu tấn (ở đó, than cho điện đạt 72,9% kế hoạch năm, than cho phân bón đạt 71,3% kế hoạch năm, than cho phân bón đạt 71,5% kế hoạch năm, than cho giấy đạt 61,9%, than cho xi măng 68,5%, than cho các hộ khác đạt 75,9% kế hoạch năm).
Dự kiến cả năm 2010, Vinacomin sẽ hoàn thành toàn diện các mục tiêu năm 2010, đạt doanh thu 68-70 ngàn tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với năm 2009; than tiêu thụ cả năm 2010 đạt 43 triệu tấn; lợi nhuận và thu nhập của người lao động tăng so với năm 2009.
Để đạt được kết quả trên, trong quí 4/2009, Vinacomin sẽ cơ cấu lại sản lượng than trong nước 23,5 triệu tấn (giảm 1,5 triệu tấn so với kế hoạch đầu năm), than xuất khẩu 19,5 triệu tấn (tăng 1,5 triệu tấn so với kế hoạch đầu năm). Như vậy, sản lượng than tiêu thụ 3 tháng còn lại rất cao, bình quân 4 triệu tấn/tháng, bằng 116% so với bình quân tháng 9. Do đó, các đơn vị trong Tập đoàn phải tập trung tăng sản lượng để chủ động nguồn than tốt. Hơn nữa, do than cám nhiệt năng thấp còn tồn cao nên các đơn vị cần tăng cường biện pháp chế biến nâng cao chất lượng than, có biện pháp tiêu thụ để giảm chi phí lãi vay, hao hụt, chi phí bảo vệ than tồn.
Hơn nữa, Tập đoàn cũng tập trung chỉ đạo đảm bảo an toàn trong sản xuất; đặc biệt tăng cường kiểm tra, củng cố lại tất cả các vị trí bị ảnh hưởng, những nơi đất đá ngậm nước cuối mùa mưa, nguy cơ bục nước hầm lò còn tiềm ẩn, phòng chống cháy nổ khí CH4, quản lý và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, nổ mìn trong hầm lò; Hoàn thiện cơ chế giám sát quy trình an toàn lao động, đặc biệt củng cố tối đa công tác hướng dẫn huẩn luyện cho người lao động để khi làm bất kể công việc gì cũng phải nắm được biện pháp kỹ thuật an toàn cho mình và đồng đội.
Ông Hùng cho biết, tới đây, Tập đoàn cũng thành lập đoàn công tác chuyên về an toàn lao động sang Chilê để học hỏi kinh nghiệm giải cứu thành công các thợ mỏ bị sập trong khai thác quặng vàng và đồng vừa qua.